Lễ hội Văn hóa Trà

Điểm nhấn du lịch mùa đông 2006

Điểm nhấn du lịch mùa đông 2006

Đến với Lễ hội Văn hóa Trà lần 1 năm 2006 là đến để chiêm ngưỡng những kỷ lục Việt Nam. Đó là tiệc trà có đông người uống nhất (2.000 người), bình trà kích thước lớn nhất Việt Nam do Công ty Trà Ha - Yi (Đà Lạt) thực hiện và bộ sưu tập 200 ấm chén trà độc đáo nhất Việt Nam của nghệ nhân Vũ Quý Nhân (Thái Nguyên).

Điểm nhấn du lịch mùa đông 2006 ảnh 1

Các thiếu nữ của Công ty XQ Đà Lạt dâng trà cho khách trong “Ngày hội văn hóa chè ASEAN” tổ chức tại TP Đà Lạt.

50 thương hiệu trà trên cả nước đã tụ hội về đây, đem đến cho khách một thế giới trà Việt. Ngoài trà xanh truyền thống của vùng Thái Nguyên, Phú Thọ, còn có nhiều sản phẩm trà ướp hương, dược trà, trà cao cấp của chính đất cao nguyên Lâm Đồng. Đó là trà Tâm Châu, Trâm Anh, Quốc Thái trứ danh của xứ B’Lao; trà xanh Lễ Ký chính hiệu Đà Lạt; trà Ô Long xứ Cầu Đất. Giữa tiết trời lạnh giá, trên tay là những tách trà bốc khói, khách còn được nghe hát quan họ, chầu văn, hát xẩm, hát then để được trở về với nguồn cội của văn hóa ẩm thực trà Việt.

Ngay từ cuối tháng 10, nhiều hãng lữ hành ở TPHCM đã thi nhau chào các tour du lịch mùa đông thưởng thức trà và dự các hoạt động lễ hội. Trong đó, không thể không đến với một “địa chỉ vàng” là Sở Trà Cấu Đất nằm cách trung tâm Đà Lạt 26km về hướng Đông Bắc. Tại đây, khách được ngắm các máy làm trà cổ xưa của Việt Nam như máy vò, máy sấy trà trên 80 tuổi, tham quan vườn trà cổ thụ và thưởng thức trà Ô Long do Công ty CP Trà Cầu Đất sản xuất. 

Các hoạt động bề nổi của Lễ hội Trà 2006 chủ yếu diễn ra tại sân khấu Quảng trường Đà Lạt nằm cạnh hồ Xuân Hương thơ mộng nhưng ngay từ khi mới đến địa phận Lâm Đồng là KDL Mađagui khách đã cảm nhận được không khí riêng của Lễ hội trà bằng việc thưởng thức trà và trong suốt hành trình khám phá mùa đông Đà Lạt, khách có thể làm quen với nghệ thuật ẩm thực trà tại các KDL Văn hóa trà Trâm Anh, Tâm Châu, Trà Tiên Phong Quán, Prenn…

Ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc Trung tâm Lễ hội Văn hóa – Du lịch tỉnh Lâm Đồng, và cũng là tác giả kịch bản tổng thể kiêm đạo diễn chương trình lễ hội, đã dành nhiều công sức cho các chương trình bế mạc đêm Noel thể hiện bản sắc văn hóa đặc thù của Đà Lạt. Phải làm sao kết hợp vốn văn hóa truyền thống của 3 miền, của người dân tộc thiểu số với văn hóa mến khách của người cao nguyên trong không gian văn hóa của trà Việt. Đó là điệu múa ngày hội, là nụ cười của các sơn nữ, là hình tượng những cánh hoa dã quỳ với sức sống mãnh liệt trong cái tiết lạnh giá của đêm mùa đông cao nguyên.

Lễ hội Văn hóa Trà chỉ diễn ra trong 4 ngày (từ tối 21 đến tối 24-12-2006) nhưng có thể xem đây chính là một điểm nhấn của mùa du lịch Việt Nam mùa đông 2006.

Y VĂN

Ông Trương Văn Thu (PCT UBND tỉnh Lâm Đồng kiêm Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Văn hóa Trà 2006) nhấn mạnh: “Tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hiệp hội chè Việt Nam tổ chức Lễ hội Văn hóa Trà Việt Nam lần đầu tiên là nhằm tôn vinh người làm trà cả nước trong đó có vùng Lâm Đồng – nơi chiếm tới 1/3 sản lượng, diện tích trà cả nước. Qua lễ hội nhằm xúc tiến công tác quảng bá cho thương hiệu trà Việt Nam, tăng cường xuất khẩu và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, xúc tiến - thu hút các nhà đầu tư đến với Lâm Đồng”.

Tin cùng chuyên mục