Phía sau Casino Sài Gòn

Casino… không sòng bạc

Casino… không sòng bạc

Ở các thành phố trên thế giới, những nơi được gọi là “casino” đều có tổ chức sòng bạc, riêng Sài Gòn không phải vậy. Tại Sài Gòn trước năm 1975 có 2 rạp chiếu bóng cùng mang tên Casino: Casino Sài Gòn và Casino Đa Kao, đều thuộc phạm vi quận 1.

Casino… không sòng bạc ảnh 1

Rạp Vinh Quang, trước kia còn có tên là rạp Casino Sài Gòn.

Rạp Casino Sài Gòn, nay đổi tên là Vinh Quang, ở góc ngã tư Pasteur-Lê Lợi, mặt tiền của rạp nhìn ra đường Pasteur. Rạp Casino Đa Kao, nay đổi tên là Cầu Bông, ở vòng cung đường Đinh Tiên Hoàng chạy tới Cầu Bông thuộc phạm vi quận Bình Thạnh.

Sát cạnh rạp Vinh Quang (Casino Sài Gòn) có một lối vào nhỏ hẹp, bề ngang rộng chưa tới 1 mét, một bên là văn phòng của lớp múa Những ngôi sao nhỏ (thuộc rạp Vinh Quang), một bên là cửa hàng mỹ nghệ Tranh ghép gỗ Hoàng Trang, mở rộng dần thành con hẻm hình chữ L ngược. Đấy là “Hẻm Casino”, cách đây trên 30 mươi năm là khu vực ăn uống nổi tiếng của Sài Gòn.

Vào đây là vào nơi ăn uống thanh lịch với phong cách Hà Nội xưa: bánh cuốn Bắc, miến gà, phở gà, xôi gà, bún chả (thịt nướng)… “Hẻm Casino” thuở ấy rộn rã nam thanh, nữ tú ra vào suốt ngày, nhất là mỗi chiều thứ bảy, cả ngày chủ nhật, sau khi cùng dòng người “bát phố”. Bây giờ “Hẻm Casino” chỉ còn là một trong vô vàn những nơi ăn uống của thành phố đông dân nhất nước này. Lớp trẻ hôm nay không mấy ai biết danh tiếng “vang bóng một thời” của khu ăn uống này, không biết cả tới danh tính “Hẻm Casino”.

Bây giờ, bánh cuốn Bắc vẫn hiện diện trong con hẻm này nhưng mờ nhòa giữa vô vàn nơi khác. Nếu để nhắc tới, người ta sẽ nhắc ngay tới bánh cuốn Tây Hồ, cũng ở đường Đinh Tiên Hoàng. Nếu tìm ăn miến gà kiểu Bắc, không ai nhớ tới khu ăn uống bên cạnh rạp chiếu bóng Vinh Quang, mà trực chỉ tới cửa hàng “miến chửi” ở đường Nguyễn Du, đối diện Bưu điện thành phố. Và đã từ nhiều năm, nếu muốn ăn cho biết các món quà xứ Bắc, người ta thường đến khu ăn uống dọc dài đường Hải Triều, quận 1.   
   
Quán cà phê Thái Chi

Sát bên phía tay trái của rạp Cầu Bông (Casino Đa Kao), trên con đường nhỏ hẹp, chạy thẳng từ đường Võ Thị Sáu tới đường Trần Quang Khải, cà phê Thái Chi ở ngay khúc đầu đường, số 5 Nguyễn Phi Khanh. Bây giờ quán nhỏ này (trong quán chỉ đặt được 4-5 cái bàn nhỏ) vẫn giống như xưa nhưng “bà chị Thái Chi” đã mất trên 30 năm, quán do mấy người cháu gái trông nom từ đó.

Những năm 1960-1970, tới uống cà phê Thái Chi đa số là khách quen: những công chức ngành phát thanh truyền hình, sĩ quan quân đội, văn nghệ sĩ… và đa số là người miền Bắc (dân Hà Nội cũ), gặp nhau mỗi sáng, uống một tách cà phê nóng để nói đủ thứ chuyện trên đời. Bà chủ quán Thái Chi, không rõ bao nhiêu tuổi (có ai hỏi tuổi phụ nữ bao giờ), đối đáp với bất cứ người khách nào, dù khách trọng tuổi, cũng xưng là “chị”.

Bàn ghế tinh tươm, sạch sẽ, chỗ ngang đầu khách ngồi uống cà phê có đính dải nhựa bông, phòng hờ khách xức tóc bằng dầu bóng có tựa đầu cũng không làm tường hoen ố. “Bà chị” luôn chậm rãi, mang tách cà phê đặt trên bàn cho khách và tự tay nhấc từng cái phin ra mà không để khách phải đụng tay vào.

“Bà chị” thường cằn nhằn những ai không biết luật lệ ở đây, là uống cà phê không thể vội vàng, bừa bãi. Như một nhân vật có cá tính, quán cà phê Thái Chi được xem là một quán cà phê đáng nhớ ở Sài Gòn. Sau này có thêm vài quán khác nên bây giờ đi trên đường Nguyễn Phi Khanh, sẽ thấy khách ngồi uống cà phê dọc dài một khoảng hè đường, như một “phố cà phê”.

NGUYỄN ĐẠT

Tin cùng chuyên mục