Chủ nhà trọ thời công nghiệp

Không chỉ biết kiếm tiền

Không chỉ biết kiếm tiền
  • Chân dung nữ chủ nhà trọ

Người phụ nữ dung dị, đậm chất Nam bộ ở xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương ấy, bây giờ ai cũng biết. Chị là Nguyễn Thị Phước, người mà công nhân hay gọi bằng cái tên rất tình cảm: “Dì Yến”.

Không chỉ biết kiếm tiền ảnh 1
Một buổi sinh hoạt của các nữ chủ nhà trọ với Hội Phụ nữ xã An Bình

Chị Phước hồi tưởng, những năm 90 của thế kỷ trước, xã An Bình, ngoại ô thị trấn Dĩ An, trở thành vùng đệm của tam giác công nghiệp TPHCM - Đồng Nai - Bình Dương. Thanh niên trẻ tứ xứ ùn ùn kéo về đây làm công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất lân cận. Trong xã, nhà có nhiều đất thì cất phòng, người ít đất thì ngăn nhà ra cho thuê để tăng thu nhập. Cả “những nhà đầu tư” trên thành phố cũng về đây mua đất xây nhà cho công nhân thuê. An Bình trở nên náo nhiệt vì dân tứ xứ.

Trong nhà cũng có mấy phòng trọ, chị Phước chứng kiến các em công nhân tăng ca vất vả, lại xa nhà, cuộc sống nhiều bất trắc. Tỷ lệ nạo phá thai trong công nhân nữ ở Trung tâm Y tế xã An Bình và các điểm y tế tư nhân của địa phương đã đến hồi báo động. Nằm trong Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã chị Phước thấy xót xa, hoạt động công tác phụ nữ của xã lâu nay mới chỉ lo cho chị em địa phương còn lực lượng nữ nhập cư  chưa có hướng nào chăm lo.

Thế là, chị Phước đưa ra một mô hình “CLB nữ chủ nhà trọ”. Chính quyền địa phương rất ủng hộ chị và mô hình đầu tiên ấy chính thức được khai sinh tháng 8-2002. Công việc gặp không ít khó khăn trong buổi đầu bởi nhiều người khi nghe chị đặt vấn đề tham gia CLB tỏ ý ngần ngại: “Lo trông coi nhà trọ không xong còn sinh hoạt cái gì, mà CLB có mang lại cho tụi  tui cái gì không, hay chỉ mất thời gian của tụi tui?”…

Không nản, chị Phước mang chính những phòng trọ trong nhà mình ra thử nghiệm cho mọi người thấy bằng cách đưa ra các nội quy như: người đến thuê chỗ ở phải có chứng minh nhân dân, giấy tạm vắng; nam nữ thuê chung phòng phải có đăng ký kết hôn; không tổ chức ăn nhậu trong phòng trọ, không làm ồn vào đêm khuya; 22 giờ đóng cửa… Rồi chị liên tiếp kêu gọi chị em trong hội phụ nữ xã An Bình tham gia làm mẫu. Cuối cùng, một CLB gồm 19 hội viên mang tên CLB ấp Bình Đường 2 ra đời.

Ban đầu, UBND xã An Bình ra quyết định hoạt động cho mỗi CLB, sau đó giao cho Hội Phụ nữ xã quản lý. CLB sinh hoạt vào ngày 15 hàng tháng, phí hội viên là 10.000 đồng/người/tháng. Số tiền này dành thăm hỏi mỗi khi người nhà hội viên và công nhân ở trọ có việc hiếu, hỉ. Các CLB nữ chủ nhà trọ còn thành lập CLB tổ chức tiết kiệm mùa xuân, CLB tổ chức tương hỗ…

  • Hiệu quả của một mô hình

Chủ nhiệm các CLB nữ chủ nhà trọ này còn kêu gọi các mạnh thường quân khắp nơi hoặc chủ nhà trọ trong vùng hỗ trợ một số công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Tháng 10-2002, bà Hà Thị Yến Chi, ở CLB ấp Bình Đường 3, đã cho cô công nhân quê Bắc Giang mang bầu sắp đến ngày sinh trọ miễn phí 3 tháng, sau khi cô này sinh nở mẹ tròn con vuông mới báo tin cho người nhà vào đón hai mẹ con về. Từ đó đến nay, hàng năm gia đình cô công nhân này đều điện thoại, gửi quà cảm ơn bà Chi đã cưu mang mẹ con cô trong lúc khó khăn nơi đất khách. Năm 2004, có hai anh em, anh 11 tuổi, em 10 tuổi đến ở trọ cùng ba mẹ, không may, mẹ các em bị bệnh mất sớm, các CLB nữ chủ nhà trọ của xã đã kêu gọi các nữ chủ nhà trọ hỗ trợ một khoản tiền thường xuyên vào mỗi tháng để các em tới trường cho đến hôm nay.

Thời gian đầu, địa phương chỉ cho công nhân các nơi khác tạm trú 3 tháng, các chị em trong CLB nữ chủ nhà trọ bàn bạc và xin tăng thêm cho công nhân đến ở trọ được tạm trú 6 tháng. Các chủ nhà trọ tham gia CLB có trách nhiệm phổ biến các tài liệu về dân số, sức khỏe vị thành niên, sinh hoạt tình dục an toàn và hướng dẫn công nhân về Luật An toàn giao thông…

Về hình thức tuyên truyền, do công nhân làm lệch giờ nên các nữ chủ nhà trọ tranh thủ gặp đâu nói đó, tỉ tê ở mọi lúc, mọi nơi. Liên quan đến những vấn đề nóng như phòng tránh thai, đình công đúng luật…, các CLB nữ chủ nhà trọ mời chuyên gia về giảng theo chuyên đề miễn phí cho công nhân. “Mỗi khi có đình công, chúng tôi khuyên, công nhân họ nghe lắm vì họ tin chúng tôi” - chị Vương Bạch Mai, thành viên CLB nữ chủ nhà trọ ấp Bình Đường 3 tâm sự.

Mô hình CLB nữ chủ nhà trọ ở xã An Bình đang ngày càng phát triển và từng bước hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý xã hội của xã. Từ 19 hội viên của CLB nữ chủ nhà trọ ấp Bình Đường 2, nay cả xã An Bình đã tăng lên 5 CLB với 76 hội viên, giải quyết chỗ ở cho trên 10.000 công nhân. Mô hình CLB nữ chủ nhà trọ ở An Bình không chỉ có các nữ chủ, nay đã có 2 chủ nhà trọ là nam giới tham gia CLB: anh Nguyễn Văn Hoàng (ấp Bình Đường 2) và anh Nguyễn Văn Lý (ấp Bình Đường 3). Đoàn thanh niên xã An Bình từ năm 2003 đến nay cũng đã thành lập được 4 CLB nhà trọ thanh niên. Hiện nay, mô hình CLB nữ chủ nhà trọ đã lan ra các địa phương lân cận như: Thị trấn Dĩ An, Thuận An, thị xã Thủ Dầu Một, xã Bình An, xã Tân Đông Hiệp.

Thời gian gần đây, chị Nguyễn Thị Phước, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Bình, đã được Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Bình Dương mời giúp phát triển mô hình CLB nữ chủ nhà trọ công nhân. Cuối tháng 5 vừa qua, Hội Phụ nữ  tỉnh Bình Dương đã về khảo sát và học tập kinh nghiệm mô hình CLB nữ chủ nhà trọ ở An Bình.

Đình Hải

Tin cùng chuyên mục