Hôn nhân dị tộc

7 phát hiện

Vài con số
7 phát hiện

Việc kết hôn với người nước ngoài là quyền của mỗi công dân từ lâu đã được pháp luật Việt Nam công nhận trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ và hạnh phúc. Tuy nhiên, bên cạnh các cuộc hôn nhân tự nguyện cũng có không ít trường hợp biến tướng. Trong xu thế hội nhập, đặc biệt sắp tới khi VN gia nhập WTO, với làn sóng người nước ngoài đủ mọi quốc tịch vào Việt Nam làm việc, dự báo hiện tượng hôn nhân dị tộc sẽ tăng cao. Vấn đề nhạy cảm này nên được nhìn nhận như thế nào?

  • Phát hiện thứ nhất
    Người Việt Nam vẫn thích lấy chồng/vợ Việt Nam
7 phát hiện ảnh 1

Chân dung những cô gái VN trên trang web vietnamcupid.com của tổ chức môi giới hôn nhân có trụ sở tại Malaysia.

Theo thống kê số lượng đăng ký kết hôn “có yếu tố nước ngoài” của Sở Tư pháp TPHCM, tỷ lệ kết hôn giữa người VN với người VN (định cư tại nước ngoài - Việt kiều) chiếm cao nhất: gần 60%, 40% còn lại thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

  • Phát hiện thứ hai
    Từ Đài Loan chuyển sang... Hàn Quốc

Theo thống kê của Sở Ngoại vụ, Sở Tư pháp TPHCM và cả Bộ Tư pháp VN, hiện tượng “lấy chồng Đài Loan” đột ngột tăng cao vào các năm 1997 cho đến 1999 (81%), đến thời gian gần đây thì giảm hẳn (chỉ còn 20%-23%), thay vào đó là xu hướng kết hôn với công dân Hàn Quốc (tăng đột biến vào năm 2005 và 6 tháng đầu năm 2006). Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu, đó là do tác động của báo chí và dư luận về việc bạo hành của các ông chồng Đài Loan với các cô dâu VN. Mặt khác, một phần do ảnh hưởng không nhỏ của phim ảnh và lối sống Hàn Quốc đối với xã hội VN.

  • Phát hiện thứ ba
    Chỉ tập trung ở một số khu vực

Qua thống kê, điều tra xã hội học của Ủy ban Vì Sự tiến bộ phụ nữ TPHCM, những nơi có nhiều phụ nữ VN lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc là thuộc các quận 5, 6, 8 - nơi có nhiều người Hoa sinh sống và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi. Theo chị Trịnh Thị Bích, Trưởng phòng Hộ tịch, Lý lịch tư pháp và quốc tịch Sở Tư pháp TPHCM là: “Do các huyện này có nhiều nhà máy, hãng, xưởng, xí nghiệp của các doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc, cũng là nơi tập trung nhiều nữ công nhân VN nên nảy sinh giao lưu, quen biết”.

  • Phát hiện thứ tư
    Lấy chồng để giải quyết... thất nghiệp!

Bản tổng hợp điều tra xã hội học về thực trạng hôn nhân có yếu tố nước ngoài do Hội Liên hiệp phụ nữ TP khảo sát năm 2004 cho thấy, trình độ học vấn của các cô dâu VN phổ biến là cấp II, cấp III (trên 70%), nghề nghiệp chủ yếu là nội trợ hoặc nghề tự do (72%). Nguyện vọng sau khi kết hôn của các cô là được đi làm hoặc học một nghề phù hợp để tìm việc làm (75%). Phía chú rể Đài Loan, phần lớn là dân lao động nông thôn, khó có điều kiện kết hôn tại bản địa do trình độ, thu nhập thấp. Những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt như tuổi cao, có khuyết tật về thân thể, tâm thần… chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (2,36%), chứ không quá… ầm ĩ như các phương tiện thông tin thời gian qua đã đưa.

  • Phát hiện thứ năm
    Hôn nhân tốc độ

Về hoàn cảnh gặp gỡ, quen biết và điều kiện tìm hiểu trước kết hôn có đến 85% thông qua các tổ chức môi giới hôn nhân trong và ngoài nước, kế đến qua giới thiệu từ họ hàng, bạn bè, người quen đã lấy chồng/vợ ngoại quốc trước đó. Thời gian tìm hiểu từ 1 đến 3 tháng, rất nhiều trường hợp cô dâu, chú rể chỉ biết mặt nhau 1 tuần đã tiến tới hôn nhân (67%), 86% đến thời điểm làm thủ tục đăng ký kết hôn chỉ mới gặp mặt nhau từ 1 đến 3 lần, đặc biệt các cô dâu lấy chồng Đài Loan chỉ có thể giao tiếp qua phiên dịch (72%), không kịp biết rõ cả họ tên nhau và trên 60% chung sống trước kết hôn.

  • Phát hiện thứ sáu
    Va chạm pháp lý

Luật pháp VN và luật một số nước trên thế giới có sự khác nhau về điều kiện và độ tuổi kết hôn. Ví dụ, nguyên tắc cơ bản ở ta là hôn nhân tự nguyện, bình đẳng, xuất phát từ cơ sở tình yêu, một vợ một chồng… thì ở Mỹ cho rằng hôn nhân là hợp đồng dân sự, chỉ cần đôi bên thỏa thuận, không cần dựa trên cơ sở tình yêu. Về độ tuổi kết hôn, luật nước ta quy định nữ từ 18, nam từ 20 trở lên mới được kết hôn thì ở Anh, mọi công dân chỉ cần đủ 16 tuổi đã có thể kết hôn; ở Úc là 18; ở Pháp nam 18 và nữ chỉ cần đủ 15; ở Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc nam 18, nữ 16 tuổi… Như vậy, nếu người VN lấy công dân của các nước đó thì giấy chứng nhận kết hôn của họ là trái pháp luật VN. Khi đó, việc vợ/chồng người nước ngoài xin bảo lãnh chồng/vợ người VN sẽ không thực hiện được.

  • Phát hiện thứ bảy
    “Tuyên thệ” thay cho “xác nhận độc thân”

Tại một số nước, công dân không có loại giấy nào gọi là “xác nhận tình trạng hôn nhân” (Anh, Mỹ, Canada, Đan Mạch…) - tức giấy chứng nhận độc thân do chính quyền xác nhận như ở ta - thay vào đó là giấy tự cam kết hoặc tự tuyên thệ độc thân. Tuy nhiên, độ xác thực của giấy này không đảm bảo. Trường hợp công dân VN bị lừa dối trong hôn nhân, tức về sau mới phát hiện ra đối tượng đã có vợ/chồng trước đó thì có thể kiện ra tòa án quốc tế hoặc tòa án nước sở tại để đòi bồi thường nhưng trên thực tế việc này không dễ dàng thực hiện.

SONG PHẠM

Vài con số

- Cả nước hiện có khoảng 180.000 công dân VN kết hôn với người nước ngoài hoặc có yếu tố ngước ngoài, trong đó trên 80% là phụ nữ.

- Từ năm 1998 cho đến nay có trên 10.700 phụ nữ vượt biên trái phép ra nước ngoài lấy chồng, chủ yếu là sang Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan.

- Hiện tại Đài Loan có khoảng 100.000 cô dâu VN, còn Hàn Quốc cũng đã có khoảng 20.000 cô dâu VN (bằng con đường chính thức).

(Nguồn: Thống kê của Bộ Công an và Báo cáo tại Hội nghị bàn về vấn đề phụ nữ VN kết hôn với người nước ngoài tháng 6-2006).

Tin cùng chuyên mục