Việt Nam chuẩn bị vào WTO

Nông nghiệp sẽ là mặt trận quyết liệt!

Nông nghiệp sẽ là mặt trận quyết liệt!

Tháng 2-1887, Tối cao pháp viện Mỹ tung ra định nghĩa chính thức rằng Solanum lycopersicum là một loại rau (vegetable). Solanum lycopersicum không gì khác hơn là quả cà chua. Sở dĩ Tối cao pháp viện Hoa Kỳ nhảy vào công việc thuần túy thuộc giới thực vật học là do Mỹ muốn hợp pháp hóa việc nâng thuế đánh vào tất cả loại rau nhập từ Tây Ấn.

Vụ này khiến chúng ta liên tưởng đến sự kiện cuộc chiến basa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cách đây vài năm. Tất cả đang nằm trong cái gọi là chiến tranh mậu dịch toàn cầu – một cuộc chiến trong thế giằng co, trong đó “thương lượng thì nhiều nhưng khoan nhượng thì ít”...

  • Sẵn sàng choảng nhau u đầu sứt trán
Nông nghiệp sẽ là mặt trận quyết liệt! ảnh 1

Cà chua từng là nguyên nhân của cuộc chiến mậu dịch Mỹ-Canada.

Các mặt hàng nông nghiệp là một trong những trọng tâm của cuộc chiến mậu dịch toàn cầu. Trở lại vụ cà chua – mặt hàng đang là nguyên nhân gây chiến tranh giữa Mỹ và đồng minh Canada. Dân Mỹ dùng trung bình 8kg cà chua/người/năm. Cà chua đem lại 1,4 tỷ USD cho nông dân Mỹ, chủ yếu trồng ở Florida và California. Qua Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ký năm 1994 (thời Tổng thống Bill Clinton), cà chua Canada tràn vào Mỹ và hiện chiếm 43% thị phần (hạ gục cà chua Bỉ và Hà Lan).

Giống vụ cá ba sa Việt Nam, nông dân Mỹ than rằng cà chua Canada vi phạm luật chống phá giá (anti-dumping). Tháng 10-2001, Mỹ nâng thuế cà chua Canada lên 30%. Nông dân Canada phản ứng bằng cách thành lập Liên minh mậu dịch cà chua (Tomato Trade Alliance) và lên án cà chua Mỹ cũng bán phá giá tại thị trường mình. Chi phí trồng cà chua lồng kính ở Florida cao gấp 5 lần so với Ontario và dân Canada cho rằng họ bị “trừng phạt” bởi đơn giản tìm được cách trồng cà chua rẻ hơn. Vụ việc chưa đến hồi ngã ngũ (năm 1998, Mỹ và Mexico từng “khó ở” với nhau quanh chuyện cà chua)…

Chính các mặt hàng nông nghiệp chứ không phải công nghiệp mới thật sự là trọng tâm của chiến tranh mậu dịch. Thật dễ hiểu, người ta có thể không đi xe hơi nhưng không ai có thể nhịn ăn. Các vụ tranh cãi quanh thịt bò, cá, gia cầm, chuối… gần đây đã nói lên điều này. Đó cũng là lý do tại sao thuế nhập khẩu mặt hàng nông nghiệp ít được giảm.

Trong khi các hàng hóa sản xuất được giảm thuế từ 40% còn 4% - tính trung bình toàn cầu, các mặt hàng nông nghiệp vẫn chịu mức thuế nhập khẩu 40-50%. Trong vài trường hợp, khi thuế được hạ do bị chỉ trích, các nước giàu tìm cách lèo lách bằng việc tạo ra “hàng rào không thuế” (non-tariff barrier) với hàng lô điều khoản phức tạp nhằm làm hoang mang các nhà xuất khẩu nước ngoài vốn không thể “cập nhật” và thấu đáo các chi tiết sửa đổi và bổ sung liên tục trong luật thương mại – một thứ luật chơi vừa chặt chẽ vừa lỏng lẻo.

Trung Quốc và EU cũng từng choảng nhau u đầu sứt trán qua cuộc chiến mậu dịch sản phẩm nông nghiệp, từ khi Trung Quốc trở thành thành viên WTO vào tháng 12-2001. Hai bên liên tiếp trả đũa nhau. Từ ngày 16-3-2002, EU cấm nhập mật ong và nhiều mặt hàng thực phẩm Trung Quốc. Trước đó, 13-3-2002, Trung Quốc tuyên bố ngưng nhập các loại mỹ phẩm chứa nguyên liệu lấy từ não, tế bào thần kinh, ruột, nhau, máu động vật… từ 18 quốc gia trong đó có 13 thành viên thuộc EU. Tất cả mỹ phẩm sản xuất từ những nguyên liệu trên phải biến mất khỏi thị trường Trung Quốc từ ngày 20-4-2002.

Quyết định này gây ảnh hưởng không ít cho doanh số châu Âu tại thị trường mỹ phẩm Trung Quốc với trị giá 4,3 tỷ USD, nơi có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Cuối cùng, có thể nhìn thấy tính chất quyết liệt của chiến tranh mậu dịch khi theo dõi các màn so găng giữa hai khối kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ và châu Âu.

Trên sàn đấu kéo dài hơn hai năm qua, Mỹ có lúc đã nâng thuế 100% hàng xa xỉ nhập từ châu Âu. Mỗi sáu tháng, vài mặt hàng được thêm vào hay bớt ra để phù hợp bối cảnh thời sự của cuộc chiến. Các mặt hàng châu Âu có tên trong danh sách chịu thuế 100% gần đây là thực phẩm đóng hộp, pin, vải lanh, muối tắm (bath salt), rau diếp xoăn (chicory), phó mát, túi xách hiệu Louis Vuitton… Đòn này khiến châu Âu mất trắng 300 triệu USD/năm. Trả đũa, châu Âu nâng thuế chuối và thịt bò Mỹ đồng thời gây khó dễ cho các công ty Mỹ trong đó có Microsoft, Bristol-Myers Squibb, Dow Chemical, Monsanto…

  • Cuộc chiến con tôm – một điển hình

Cần nhắc lại, cách đây không lâu, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan (nhà xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới), cũng đối mặt đơn kiện từ Liên minh ngành tôm miền Nam Mỹ (Southern Shrimp Alliance – SSA), nơi đại diện 8 bang Louisiana, Alabama, Georgia, Florida, Mississippi, North Carolina, South Carolina và Texas (bang nhà của Tổng thống George W. Bush). Năm 2002, Việt Nam xuất tôm đông lạnh vào Mỹ đứng thứ ba sau Thái Lan và Trung Quốc. Trước tình hình trên, để hạn chế tình trạng tôm Mỹ bị đánh gục bởi tôm nhập khẩu, SSA tiến hành chiến dịch quy kết một số nước châu Á và Mỹ Latin bán phá giá tôm vào thị trường nước mình.

Thành lập năm 2001, SSA là tổ chức ngành tôm đa liên bang đầu tiên tại Mỹ. Ngoài việc thuê công ty luật Dewey Ballantine tại Washington DC (hãng luật gần đây giúp công nghiệp thép Mỹ thắng vụ kiện thép nhập khẩu bán phá giá), SSA còn thuê công ty vận động hành lang Livingston Group và một công ty luật tại New Orleans (Jones Walker) để củng cố mặt trận đối nội. SSA cũng được giúp từ Mexico (với đại diện là Phòng ngư nghiệp và đánh bắt cá quốc gia – CANAINPESCA). Ngoài ra, SSA còn được chính quyền bang Louisiana ủng hộ. Thống đốc Louisiana, Mike Foster, từng tuyên bố tài trợ 350.000 USD.
 
Đầu năm 2003, Thượng viện Mỹ còn chuẩn y tài trợ 2 triệu USD riêng cho công nghiệp tôm South Carolina và 35 triệu USD cho các nhà sản xuất tôm tại miền Nam – một kết quả nhờ dự luật của thượng nghị sĩ Fritz Hollings (phe Cộng hòa, đại diện bang South Carolina)… Trung tuần tháng 6-2006, cuộc chiến tôm Việt Nam-Hoa Kỳ dường như hạ nhiệt khi hãng luật Dewey Balantine (đại diện SSA) gửi văn bản lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ đề nghị rút tên 19 doanh nghiệp Việt Nam khỏi danh sách yêu cầu đánh giá lại mức thuế chống bán phá giá.

Thực tế nhiều năm gần đây, mậu dịch tự do chỉ là một khái niệm, dù trong các hội nghị toàn cầu, vấn đề này luôn nằm ở trang nhất trong chương trình nghị sự. Khi tuyên bố tháo bỏ hàng rào thuế cho 48 nước nghèo nhất thế giới, EU đồng thời lập chính sách bảo hộ nhằm cản bớt các chuyến tàu chuối, gạo và đường ào ạt cập cảng thị trường mình. Chính xác hơn, EU chỉ ưu đãi vài nước thuộc khối ACP (châu Phi, Caribê và Thái Bình Dương – phần lớn là thuộc địa cũ của họ).

Tương tự, khi gia hạn chính sách miễn thuế cho các nước thuộc Hạ Sahara (châu Phi) cách đây không lâu, Mỹ cũng lập hàng rào chặn bớt hàng dệt và may mặc châu Phi… Khi bước vào cuộc cạnh tranh thương mại toàn cầu khốc liệt, am hiểu luật chơi là điều bắt buộc quan trọng hàng đầu nhưng chưa phải là yếu tố duy nhất đem lại thành công. Điều cần nhấn mạnh là luật chơi chỉ có thể phát huy tối đa hiệu quả khi nó song hành với chính sách ngoại giao khéo léo và một sách lược phát triển kinh tế vững vàng, ổn định và lâu dài.

Lê Thảo Chi

Tin cùng chuyên mục