Ảnh khỏa thân tập thể - Đề tài gây tranh cãi suốt thập kỷ qua

Ảnh khỏa thân tập thể - Đề tài gây tranh cãi suốt thập kỷ qua

“Làn da con người đẹp hơn tất cả những thứ vải vóc được phủ lên đấy” - (Michelangelo - danh họa Ý). Nhằm mục đích đưa con người trở về với thiên nhiên, với nguồn cội nguyên thủy bằng tất cả vẻ đẹp nguyên sơ, thô mộc; gạt bỏ những thứ phủ che nhân tạo, hào nhoáng, họa sĩ Spencer Tunick đã tiên phong với ý tưởng, huy động, sắp đặt và chụp những bức ảnh khoả thân tập thể nổi tiếng thế giới với hàng chục ngàn tình nguyện viên, ngoài mục đích nghệ thuật, còn hướng tới các vấn đề môi sinh, cộng đồng. Tuy nhiên, đây cũng là đề tài gây tranh cãi nhiều nhất trong suốt hàng chục năm qua...

Nghệ sĩ tiên phong...

Ảnh khỏa thân tập thể - Đề tài gây tranh cãi suốt thập kỷ qua ảnh 1
Spencer Tunick đang chỉ đạo một cảnh chụp. Bức ảnh sau đó được cho là gợi nhớ lại cảnh tượng xác người chồng chất trong chiến tranh thế giới thứ II.

Spencer Tunick sinh năm 1967 tại Middletown, New York; tốt nghiệp thạc sĩ Mỹ thuật năm 1988, là họa sĩ nổi trội trong các lĩnh vực nghệ thuật đương đại như sắp đặt (Installation) và trình diễn (Performance).

Từ năm 1992 đến nay, ông càng lừng lẫy bởi các tác phẩm nhiếp ảnh chụp cảnh hàng nghìn người khỏa thân tập thể. “Tôi muốn phô bày và khẳng định vẻ đẹp thiêng liêng của hình thể, từ làn da cho đến đường gân, thớ thịt, của hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn đến vài chục nghìn người bất kể biên giới, sắc tộc, giới tính hay tôn giáo” - Spencer Tunick nhấn mạnh. 

“Bằng việc sắp xếp rất nhiều người cùng lúc khỏa trần - như chất liệu trung gian - nhằm chuyển tải những thông điệp về con người, về môi trường sống…, Tunick đã tạo nên những vẻ đẹp hình thể cuộn trào, thăng hoa trên những khung hình đẹp đẽ, hoành tráng được chọn sẵn” - nhà phê bình M. McGuinness nhận xét về ảnh của Tunick trên tờ báo danh tiếng New York Times.

Tùy theo mục đích, ý nghĩa và quy mô, mỗi cuộc chụp ảnh của Tunick luôn huy động được rất nhiều tình nguyện viên đến từ nhiều thành phố, nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Trong danh sách website của ông luôn có trên 50.000 tình nguyện viên sẵn sàng làm người mẫu, bất kể ông sẽ chụp ở bối cảnh nào. “Chỉ cần đăng ký qua mạng và nhận lịch hẹn. Bối cảnh có khi tại các quảng trường trong thành phố, có khi là một nhà kho, lúc là dòng người chảy trôi dày đặc cả một đoạn đường; lúc lại là những mỏm núi đá với độ cao hơn hai nghìn mét, hay những dòng sông băng giá...” - tình nguyện viên Salmas Alizade - người luôn tự hào góp mặt tại các cuộc chụp ảnh của Tunick, kể.

Trên thực tế mỗi đợt chụp ảnh của Tunick phải mất từ một năm rưỡi đến hai năm hoạch định chiến lược, huy động, dàn dựng, kể cả đối phó với cảnh sát và chính quyền sở tại. Bởi cho dù ở Anh, Mỹ hay châu Âu... Tunick luôn vấp phải những phản ứng dữ dội từ nhiều phía; bởi không ít ý kiến cho rằng ông là gã điên chơi trội; rằng ông chỉ mượn danh nghĩa nghệ thuật để che đậy ý tưởng, hành vi gợi dục đồi bại, xúc phạm thân thể con người, đẩy con người trở về thuở hồng hoang, “ăn lông ở lỗ”...

Tuy nhiên, tờ báo lớn của Mỹ Washington Post lại nhận xét: “Những bức ảnh của Tunick thật đẹp về mặt mỹ cảm. Dù đôi lúc có làm ta rợn người, nhưng đó là những xúc cảm thẩm mỹ tinh tế, nhân văn, và quả thật chúng chả liên quan gì tới sex... Đó là vẻ đẹp của tạo hóa, là tình yêu, là sự gần gụi giữa người với người, chống lại mọi sự giết chóc, đổ máu, chỉ có hòa bình, thân thiện...”.

... Và kẻ tội đồ!

Spencer Tunick từng bị bắt giữ tới 5 lần kể từ năm 1994 vì tội “tổ chức chụp ảnh khỏa thân tập thể bất hợp pháp”. Không ít lần ông đi đến đâu  cảnh sát theo chân đến đó. Năm 1994, ngay tại trung tâm Rockefeller, Manhattan (Mỹ), Tunick bị bắt giam khi đang tổ chức chụp cảnh khỏa thân trên đường phố với hàng trăm người. Ngay sau đó ông lập tức nổi tiếng đến mức kênh truyền hình danh giá HBO đã phải thực hiện tới 3 phim tài liệu về ông và về đề tài nhiếp ảnh khỏa thân.

Chính Tunick cũng từng khởi kiện chính quyền thành phố New York khi những tình nguyện viên của ông cũng bị cảnh sát bắt giữ. Trước tòa, Tunick tuyên bố rằng quyền công dân đã bị xâm phạm nghiêm trọng. Tuy luật pháp của New York không chấp nhận mọi hình thức khỏa thân nơi công cộng, nhưng Tunick lại “bẻ” rằng không có điều khoản nào của luật pháp liên bang cấm việc chụp ảnh khỏa thân. Cuối cùng, Tunick thắng kiện vẻ vang, tên tuổi ông càng được nhiều người biết đến. “Chiến thắng này không dành cho riêng tôi, mà dành cho bất cứ nghệ sĩ đương đại nào” - Tunick phát biểu ngay sau phiên tòa.

Một ngày sau phán quyết chấp thuận của Tòa án tối cao Mỹ, 150 người tình nguyện khỏa thân trên chiếc cầu nổi tiếng Williamsburg (New York) để Tunick chụp ảnh. Hàng loạt bức ảnh nổi tiếng ra đời và được triển lãm ngay sau đó với đông đảo người đến thưởng lãm, khen ngợi.

Tay máy gây tranh cãi nhất suốt thập kỷ qua

Tunick tiếp tục tiến hành nhiều cuộc chụp ảnh khỏa thân tập thể với mục đích, quy mô ngày càng rộng lớn hơn.

Năm 2001, hơn 2.000 người tại Montreal (Canada) đã tình nguyện tham gia làm mẫu cho ông. Năm 2002, hơn 2.000 người tại thành phố Bruges (Bỉ) đã không quản ngại thời tiết ẩm ướt, lạnh giá, sẵn sàng trút bỏ trang phục để làm mẫu cho Tunick.

Tại London - Anh, hơn 500 người tình nguyện đến Selfridges góp mặt vào các bức ảnh. Tại Lyon, hơn 1.500 người cả nam lẫn nữ, già lẫn trẻ cũng đã theo chân Tunick làm mẫu. Tại Desseldorf (Đức), Caracas (Venezuela), nhiều tình nguyện viên đã tụ tập trước đó và đồng loạt xuất phát khi trời còn tờ mờ sáng, bất chấp giá lạnh, họ hồ hởi kéo đến một nhà kho, bên cạnh các container để chuẩn bị làm mẫu theo đề nghị của Tunick.

Tại trung tâm Melbourne (Úc) hay dọc bờ sông Tyne ở Newcastle Gateshead (Anh), Tunick đã chụp những bức ảnh với hơn 4.000 người khỏa thân nằm chồng chất lên nhau - lên án nạn diệt chủng hàng loạt thời Đức quốc xã - những bức ảnh này sau đó được triển lãm tại trung tâm nghệ thuật đương đại lớn nhất nước Anh (Baltic Centre for Contemporary Art), được trình chiếu trên các kênh truyền hình Anh, Mỹ.

Năm 2003, Tunick nổi tiếng khắp thế giới với các bức ảnh có số lượng tình nguyện viên lên đến 7.000 người, chụp tại một nhà ga ở Barcelona (Tây Ban Nha). Nhưng con số kỷ lục cũ lại do chính ông phá bỏ và lập mới với cảnh 18.000 người khỏa thân trên quảng trường Zocalo (Mexico City, từng là trung tâm của nền văn minh Aztec) vào tháng 5-2007 vừa qua.

Tại đây, trước ống kính lừng danh của Tunick, 18.000 con người khỏa thân nằm co mô phỏng hình thái của thai nhi trong bụng mẹ. Tunick đã chụp được bức ảnh đầy ấn tượng về khung cảnh đó trong ánh sáng ban mai từ ban công của những ngôi nhà bao quanh quảng trường. “Nó mang lại ấn tượng ấm áp, hạnh phúc” - rất nhiều người trầm trồ tại triển lãm ảnh của Tunick ngay sau đó.

Với chiếc loa cầm tay, Tunick đứng trên một giá đỡ có bánh xe có thể nâng lên, hạ xuống, ông mướt mồ hôi sắp xếp đám đông tình nguyện viên khổng lồ. Hàng ngàn tình nguyện viên khi đồng loạt giơ cao tay, ngửa người ra sau, khi sấp mặt xuống đất, khi chồm dậy, vươn người, xếp thành hình tháp, hình mũi tên, lúc đồng loạt duỗi, co...

Hàng trăm cảnh sát được triển khai xung quanh khu vực để đảm bảo những người hiếu kỳ giữ khoảng cách với các tình nguyện viên, khu vực cấm bay trên bầu trời cũng được thiết lập. Đâu vào đấy, thường là từ trên cao, khi đã chọn được góc ảnh thích hợp, Tunick bấm máy ghi lại hàng loạt cảnh tượng độc đáo, hoành tráng.

Khỏa thân tập thể vì cộng đồng

Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) sau đó đã ủy nhiệm Spencer Tunick tiến hành các đợt chụp ảnh nhằm quảng bá, nâng cao nhận thức của con người về hiện tượng nóng lên toàn cầu. Rất nhiều tình nguyện viên đã khỏa thân trên dòng sông băng Aletsch đang tan chảy ở Thụy Sĩ (di sản thế giới Unesco) - những cơ thể trần truồng tím tái vì rét... Nhưng những bức ảnh để lại thật ấn tượng.

Năm 2005, Trung Quốc - từng là quốc gia phản đối kịch liệt ảnh khỏa thân tập thể - cũng đã rầm rộ tổ chức đợt chụp ảnh nhằm hưởng ứng Cuộc vận động phòng chống ung thư vú vốn đang lan tràn tại đất nước này - với sự tham gia của rất nhiều ngôi sao điện ảnh tên tuổi của đại lục.

Năm 2006, tại Peter’s Hill - London, Hội bảo vệ động vật PETA (Anh) cũng đã huy động hàng nghìn người khỏa thân chụp ảnh, nhằm mục đích cảnh báo con người hãy bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, chống lại hiện tượng dùng da, lông thú vào các mốt thời trang...

Mới đây (18-10-2007), hàng trăm tình nguyện viên người Trung Quốc đã đồng ý chụp ảnh nude tập thể để kêu gọi mọi người chú tâm hơn tới các vấn đề về môi trường do nhiếp ảnh gia He Yuanbo khởi xướng, trong chiến dịch bảo vệ thiên nhiên Love Life, Protect Water - nhằm cảnh báo môi trường sinh thái của xứ sở Vạn lý Trường thành gần đây đã bị biến đổi nghiêm trọng như thế nào. “Khoảng 20 năm trước, rõ ràng tôi sẽ bị bắt nếu khỏa thân nơi công cộng. Nhưng bây giờ chính phủ và người dân Trung Quốc đã bắt đầu chấp nhận những hình thức nghệ thuật thế này” - He Yuanbo phát biểu trên tờ Chongqing Evening News.

Ngày nay, dẫu vẫn còn không ít những chỉ trích, phong trào chụp ảnh khỏa thân tập thể ngày càng được tổ chức nhiều hơn, trên bình diện rộng lớn với nhiều mục đích hơn. Và Spencer Tunick, nhà nhiếp ảnh lừng danh thế giới, bằng những tác phẩm hết sức độc đáo, đã khẳng định được “đẳng cấp” cùng những mục đích không riêng cá nhân mình - đã được thế giới chấp nhận, ngay cả nhiều quốc gia, tín ngưỡng với những cảm quan dè dặt, cực đoan.

Song Phạm
(Nguồn: Halesgallery, i-20 gallery,
www.usatoday.com, Netmode, Wikipedia)

Tin cùng chuyên mục