Tô Hoàng Thùy Trâm

Khơi dậy thế giới tuổi thơ trong mỗi người

Khơi dậy thế giới tuổi thơ trong mỗi người
Khơi dậy thế giới tuổi thơ trong mỗi người ảnh 1

Ai cũng có ước mơ, hoài bão để theo đuổi nhưng hiếm người đam mê lập trang web riêng về hoạt hình. Cô bé Tô Hoàng Thùy Trâm, chủ nhân website thegioihoathinh, cho rằng, sự đam mê của cô không vì mục đích kinh doanh mà vì muốn chia sẻ, khơi dậy thế giới tuổi thơ trong mỗi người và nhất là cho những ai từng bị mất tuổi thơ như cô.

  • Tìm lại tuổi thơ qua hoạt hình

Khi sinh Trâm ra, ba mẹ không còn gắn bó, hạnh phúc nên tuổi thơ của cô là những chuỗi ngày buồn, thiếu tình thương. Vì thế, trang web thegioihoathinh mang đậm tình cảm và chất chứa nhiều hoài bão.

Có nhiều cách để nhớ về quá khứ, sao Thùy Trâm lại chọn phim hoạt hình? Trâm kể: “Ngày đó, nhà tôi làm gì có tivi để đón xem chương trình “Những bông hoa nhỏ”. Hằng ngày, tôi canh 7 giờ tối là chạy sang nhà hàng xóm xem ké. Qua những lần xem phim đó, tôi thường rơi nước mắt trước cảnh Tarzan bị bỏ rơi trong phim giống tuổi thơ của tôi. Những bộ phim hoạt hình theo tôi từ đó”.

Đến bây giờ, gia tài của cô gái sinh năm 1979 này là bộ sưu tập hơn 300 bộ phim (mỗi bộ từ 1 đến nhiều đĩa) của hầu hết các hãng phim hoạt hình lớn trên thế giới, chưa kể rất nhiều sách, tư liệu, hình ảnh về phim hoạt hình. Trâm cho rằng, với trẻ thơ, thế giới phép màu có ông Bụt, bà tiên luôn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Chỉ có kỹ thuật điện ảnh hiện đại mới đưa vương quốc nhiệm màu ấy hiển hiện trước mắt trẻ.

Trâm bảo rằng, phim hoạt hình không chỉ dành cho trẻ em mà còn lôi cuốn cả khán giả lớn tuổi vì nó chuyển tải nhiều bài học về lòng nhân ái. Trong Forum – diễn đàn của website, nhiều bậc phụ huynh viết: “Phim hoạt hình giúp người lớn hiểu con mình hơn và những đứa con cũng hiểu hơn về tình yêu thương của cha mẹ, và điều quan trọng là chúng sẽ trưởng thành hơn”.

  • Mơ ước một  “Vương quốc tuổi thơ”

Thùy Trâm cho biết, cô xây dựng trang web mang tính xã hội cao. Để không đụng chạm đến vấn đề bản quyền, cô không bán đĩa phim hoạt hình, chỉ giới thiệu và bình luận, viết những bài phân tích phim hay để tư vấn phụ huynh tìm mua phim phù hợp với con em mình vì hiện nay có không ít bộ phim hoạt hình mang tính bạo lực, sex.

Ngoài ra, trang web còn có diễn đàn để các em nhỏ cũng như phụ huynh chia sẻ cảm nghĩ và trao đổi ý kiến. Đặc biệt, Trâm thường tổ chức những buổi offline - gặp nhau ngoài đời - để vui chơi với các em, Trâm mượn các nhà văn hóa để làm sân chơi.

Ngoài trang web, Trâm có một shop hàng lưu niệm nhỏ bán một số sản phẩm như gối, album, thiệp, đồ chơi… mang hình những nhân vật hoạt hình quen thuộc để đáp ứng nhu cầu của các em, phụ huynh. Những sản phẩm này đều nhập từ chính hãng bên Trung Quốc (nhiều hãng phim hoạt hình có nhà máy sản xuất đồ chơi đặt tại Trung Quốc) nên không ảnh hưởng đến bản quyền.

Trâm tự lên mạng đặt mua hàng từ chính hãng, sau đó nhờ những người bạn đi du lịch hoặc hướng dẫn viên du lịch nhận hàng đã đóng thùng, sau đó mang giùm về Việt Nam. Trâm tự làm cuộc thống kê và thấy rằng, đồ chơi trẻ em chiếm đến 37% trong các loại hàng hóa phục vụ trẻ, do đó mặt hàng kinh doanh chính của cô là đồ chơi về các nhân vật hoạt hình và là đối tượng khách hàng chính.

Trâm cho biết, một công ty chuyên về công nghệ thông tin khá nổi tiếng ở Việt Nam đã đặt vấn đề mua lại trang web của cô để làm một chương trình chung trong dự án lớn của họ nhưng cô không bán. Tuy nhiên, cô đang suy nghĩ về lời mời của một công ty có khu đất khá lớn ở Bình Dương trong việc góp ý tưởng kết hợp xây dựng một trung tâm giải trí dành cho thiếu nhi.

“Mơ ước của tôi là sẽ xây dựng một điểm vui chơi như một “Vương quốc tuổi thơ”, nơi các em đến chơi, được đắm mình trong thế giới tuổi thơ với những nhân vật yêu thích trong phim hoạt hình. Và khi phụ huynh dẫn các em tới đây chơi sẽ có chuyên viên tâm lý trò chuyện. Tôi có thể bán vé từng phần hay trọn gói. Mô hình này tôi đã viết thành lời và đang vẽ 3D”, Trâm bật mí.

KHÁNH KHÔI

Tin cùng chuyên mục