Giỗ tổ Hùng Vương - Sinh khí của dân tộc

Huyền sử.
Giỗ tổ Hùng Vương - Sinh khí của dân tộc

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Sự kiện. Ngày 23-3-2007 với 85,95% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động, quy định người lao động nghỉ một ngày vào lễ giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch) nhưng vẫn hưởng nguyên lương. Luật mới được áp dụng từ giỗ Tổ năm nay (26-4-2007).

Giỗ tổ Hùng Vương - Sinh khí của dân tộc ảnh 1

Dâng lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm 2006.

Suy gẫm. Sống là tri ân, một phần căn bản của đạo làm người. Trong gia đình thì biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên vốn là cội nguồn, nhờ đó cháu con ngày nay có được cuộc sống. Lòng biết ơn này được tôn lên thành đạo Ông Bà, và tượng trưng cụ thể, giản dị qua bàn thờ gia tiên với ngày giỗ riêng cho mỗi nhà, hay từ đường của một gia tộc với ngày giỗ hội hàng năm chung cho cả họ.

Tương tự, trong một nước thì con dân cùng biết ơn thủy tổ của mình. Thủy tổ ấy được tôn là Quốc tổ. Thiết lập quốc lễ giỗ Tổ là xác định một ngày giỗ chung cho toàn dân, không phân biệt thành phần dân tộc và xu hướng tín ngưỡng hay chính kiến. Từ đường chung cho cả dân tộc là đền Hùng ở đất tổ Phú Thọ.

Người phương Nam nếu vì đường xa cách trở thì đã có đền Hùng thứ hai, nằm trong khu vực Thảo Cầm Viên, không xa cổng chính. Nguyên đây là đền Kỷ niệm (Temple de Souvenir) do người Pháp cất (1926), đổi làm đền Quốc tổ Hùng Vương (khoảng 1954-1956), nay là đền Hùng Vương (từ 1975), do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TPHCM (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1) quản lý. Ngoài ra, cả nước hiện có hơn 1.400 địa điểm, di tích, kiến trúc thờ Vua Hùng.

Trước kia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18-2-1946 quy định ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch) là một trong những ngày kỷ niệm lịch sử và “những viên chức công nhật tòng sự tại các công sở” được nghỉ một ngày hưởng lương (www.archives.gov.vn). Sau đó, do chiến tranh vệ quốc, việc nghỉ lễ tạm gác lại. Khi thảo luận dự án Bộ luật Lao động (1994), việc phục hồi ngày giỗ Tổ được đặt ra nhưng không được đồng thuận!

Năm nay phục hồi ngày giỗ Tổ thành quốc lễ hoàn toàn hợp với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tuy nhiên, tỷ lệ 85,95% số phiếu tán thành tại Quốc hội cũng đáng để suy nghĩ. Nếu thế, có lẽ các cơ quan truyền thông càng nên tích cực triển khai ý nghĩa thiêng liêng của ngày giỗ Quốc tổ, sao cho mọi người thấm thía rằng giỗ Quốc tổ Hùng Vương sẽ tạo thêm điều kiện và hoàn cảnh thuận lợi cho toàn dân hướng về cội nguồn, tình yêu nước, đoàn kết dân tộc, biết tự trọng với truyền thống lịch sử.

Việc tổ chức lễ giỗ Quốc tổ cần thoát khỏi thói quen chỉ hoành tráng ở hình thức mà nên đi sâu hơn nữa vào tâm thức linh thiêng của dân tộc. Đừng biến giỗ Tổ chỉ giản đơn là lễ hội góp phần phát triển du lịch. Cần đi vào chiều sâu văn hóa của nòi giống Rồng Tiên vốn luôn tự hào với bề dày nghìn xưa văn hiến. Về dài lâu, còn phải tiếp tục suy tư tìm cách phát huy tinh thần ngày giỗ Quốc tổ, sao cho toàn dân cảm nhận đúng nghĩa đây là việc bảo trọng mạch sống thiêng liêng ngầm chảy từ đời này sang đời khác, dẫu vô hình nhưng chính là sinh khí xuyên suốt cả dân tộc để un đúc một giống nòi kiêu hùng, bất khuất. 

Huyền sử. Theo hai sách cổ (thế kỷ 15) là Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên thời Hậu Lê, và Lĩnh Nam chích quái (góp nhặt chuyện lạ đất Lĩnh Nam) của Trần Thế Pháp, tạm giản lược nguồn gốc dân Việt như sau:

Cháu ba đời Thần Nông là Đế Minh đi chơi phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh cưới Vụ Tiên, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục làm vua, xưng hiệu Kinh Dương Vương, cai trị từ núi Ngũ Lĩnh xuống phương Nam (gọi là đất Lĩnh Nam). Kinh Dương Vương xuống chơi thủy phủ, cưới Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm thay cha trị nước, xưng hiệu Lạc Long Quân, rồi cưới Âu Cơ sinh ra một bọc nở thành trăm con. Con trưởng lên làm vua, xưng hiệu Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang. Cha truyền con nối 18 đời, đều xưng hiệu Hùng Vương.

DŨ LAN LÊ ANH DŨNG

Tin cùng chuyên mục