Ký ức Đồng hồ

Ký ức Đồng hồ
Ký ức Đồng hồ ảnh 1

Trường Nguyễn Thị Minh Khai.

Hồi đó tôi ham làm nữ sinh Trường Gia Long bởi một lý do riêng chẳng giống ai. Ba má tôi là nông dân rặt, lên Sài Gòn buôn bán bươn chải để “kiếm cái chữ” cho con cái nên đặt mọi hy vọng vào chúng tôi: “Con trai bây phải ráng đậu Trường Pétrus Ký, con gái ráng vô Trường Gia Long”. Vì vậy, vô tình từ tấm bé tôi đã xem nữ sinh Gia Long là “phe ta”, còn Trường Pétrus Ký là “phe địch”.

Ngày đầu tiên mặc áo dài trắng bước vào ngôi trường cũ kỹ, đồ sộ, ngước mắt nhìn cái đồng hồ cổ to tướng trước cổng, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động, tự hào. Rồi lần đầu tiên được ngồi trên chiếc xe màu trắng có vẽ hoa mai vàng của trường chạy ngang qua trước cổng Trường Pétrus Ký, chúng tôi lại càng hồi hộp. Bọn con trai tan trường reo hò ầm ĩ khi thấy xe Trường Gia Long chạy ngang qua. Còn tôi vừa ngước mắt nhìn cái đồng hồ trước cổng trường của họ, vừa thầm nhủ: “Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu!”.

Năm tháng trôi qua, nhiều sự kiện lịch sử lớn đã làm thay đổi cuộc đời chúng tôi. Trường Pétrus Ký trở thành Trường Lê Hồng Phong, còn trường chúng tôi thành Trường Nguyễn Thị Minh Khai nhưng ý thức “ganh đua”, “đối đầu” trong lòng tôi và một số bạn học khác vẫn còn nguyên. Số phận run rủi làm sao mà mỗi khi tôi đi đến trường hay đi bất cứ nơi đâu cũng phải chạy xe ngang qua trường “đối thủ”, phải liếc nhìn cái đồng hồ cũ kỹ trước cổng đó và thầm nghe nó giục giã: “Nhanh lên kẻo muộn!”.

Dù cuộc sống của những năm đầu sau khi chiến tranh kết thúc thật nhiều khó khăn, thiếu thốn, tôi vẫn chắt chiu giữ cho mình một tấm áo dài trắng để đi học, đi thi, đi “ăn nói”. Đó là một thứ “giáp trụ” để tôi đủ tự tin học hành nghiêm túc, để tôi phải tự răn mình trước những cám dỗ nhằm vào tuổi mới lớn. Tôi quen dần với những tiếng reo hò, trêu chọc của bọn con trai Trường Lê Hồng Phong mỗi khi tôi mặc áo dài, mang phù hiệu Minh Khai đạp xe qua cổng trường của họ. Cái đồng hồ “đối thủ” bỗng chốc trở thành trợ thủ đắc lực để nhắc nhở tôi đi đâu cũng phải đúng giờ, đừng để mọi việc muộn màng, trễ nải...

Những năm tháng đi học xa xứ, xa Sài Gòn tôi nhớ da diết mái trường Gia Long - Minh Khai cổ kính của mình, nhớ cái đồng hồ cũ kỹ thân thương vẫn chào đón tôi ngày ngày đến lớp, nhớ từng góc nhỏ bụi bặm, rêu phong trong sân trường... Và ác một nỗi, tôi cũng nhớ cái cổng trường “đối thủ” ngày xưa với cái đồng hồ còn thân thiết hơn một người bạn tốt; tôi nhớ bọn con trai nhí nhố trêu chọc mình trước cổng Trường Pétrus Ký - Lê Hồng Phong, cái bọn “đối phương” đã khiến chúng tôi lao vào học hành, thi cử với tất cả sức trẻ, niềm tin sẽ chiến thắng “chúng nó” trên đường vào đại học.

Trong mớ hành trang của mình để đi học xứ người tôi lại chắt chiu đem theo một tấm áo dài trắng. Ai cũng ngạc nhiên, chỉ riêng tôi hiểu đó sẽ là người bạn đường tin cậy nhắc nhở, động viên tôi học hành, phấn đấu sao cho không hổ danh học trò của một ngôi trường vốn là niềm tự hào của người Sài Gòn suốt mấy chục năm qua.
 
Ngày nay tôi vẫn thầm cám ơn số phận đã ban cho tôi cái may mắn lại được ngày ngày đi làm ngang qua ngôi trường “đối thủ” ngày xưa. Tôi vẫn ngước mắt nhìn lên cái đồng hồ (bây giờ là một cái mới tinh) và vẫn nghe nó giục: “Nhanh lên kẻo muộn!”. Nhịp sống ở Sài Gòn là vậy, bao giờ cũng gấp gáp, hối hả, dồn dập.

Thỉnh thoảng tôi về lại mái trường xưa, chào hỏi các thầy cô, thăm lại từng dãy lớp học cũ kỹ, thăm cả cái đồng hồ vẫn chào đón tôi như một người bạn cố tri. Kỷ niệm ùa về an ủi, xoa dịu những nỗi nhọc nhằn, đớn đau do cuộc sống đem lại. Tôi từng xa Sài Gòn, từng nhớ Sài Gòn, nơi có những ngôi trường đã đem lại cho tôi hành trang bước vào đời: tri thức, tình thương, lòng nhân ái...

HUỲNH NGỌC VÂN
(Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
28 Võ Văn Tần, Q3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục