Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XII

Xây dựng Nhà nước pháp quyền: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước

Xây dựng Nhà nước pháp quyền: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước

Tại phiên khai mạc kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XII, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh có bài phát biểu quan trọng, trong đó chủ yếu đề cập đến quan điểm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

Dẫn Nghị quyết Đại hội X, Tổng Bí thư nói: “Mấu chốt của đổi mới phương thức lãnh đạo là Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng cương lĩnh, đường lối, quan điểm, chủ trương, các nghị quyết, nguyên tắc giải quyết các vấn đề lớn, có ý nghĩa chính trị quan trọng. Đảng lãnh đạo nhưng không làm thay Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đề phòng và khắc phục khuynh hướng tổ chức Đảng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc làm thay, cũng như khuynh hướng các cơ quan Nhà nước thụ động, né tránh trách nhiệm, việc gì cũng xin ý kiến cấp ủy Đảng. Xây dựng Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả”.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ảnh 1

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (phải) chúc mừng đồng chí Nguyễn Minh Triết tái đắc cử Chủ tịch nước. Ảnh: MINH ĐIỀN

Thiết nghĩ, để thực hiện được những yêu cầu trên, không có con đường nào khác là phải hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức quản lý Nhà nước muốn có hiệu quả, hiệu lực phải bằng công cụ pháp luật. Từ những năm 1922, trong bài “Việt Nam yêu cầu ca” có 8 điều thì có một điều (Điều 7) Người viết:

“Bảy xin Hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Rõ ràng, ở đây tư tưởng của Người về pháp quyền hay cụ thể hơn là Nhà nước pháp quyền cần phải được Hiến định.

Tư tưởng về sự ngự trị của luật, về tính tối cao của luật đã được đưa ra rất sớm trong các học thuyết kinh điển về Nhà nước và pháp luật, đặt nền móng cho lý luận về Nhà nước pháp quyền. Hiện nay lý luận về Nhà nước pháp quyền đã được phát triển thêm và đang được coi là cơ sở để xây dựng Nhà nước và pháp luật ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng không thể có một mô hình Nhà nước pháp quyền như một khuôn mẫu bất biến để áp dụng ở tất cả các nước bởi lịch sử, truyền thống dân tộc, bản chất giai cấp ở các nước không giống nhau.

Theo Hiến pháp sửa đổi đã được công bố tại Chương I: Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - Chế độ chính trị, ở Điều 2 có bổ sung thêm cụm từ: Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền không xa lạ và được coi như một trong những giá trị quý báu chung của toàn thể loài người. Nhân loại hình thành lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền không phải một sớm một chiều. Quan niệm Nhà nước pháp quyền được đưa ra nhằm chống lại Nhà nước chuyên chế, cực quyền, chống lại sự độc đoán, lạm quyền và nằm trong trào lưu chung của hệ tư tưởng giải phóng, dân chủ.

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền, “những câu hỏi lớn đặt ra với Đảng cộng sản cầm quyền không chỉ là Đảng lãnh đạo như thế nào trong điều kiện kinh tế thị trường mà còn là Đảng lãnh đạo và hoạt động như thế nào cho phù hợp với Nhà nước pháp quyền.

Nhà nước pháp quyền là phương thức tổ chức dân chủ quyền lực Nhà nước mà theo đó pháp luật là cơ sở cho việc thực hiện quyền lực cũng như thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mọi chủ thể khác trong xã hội. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.  

Phương thức lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được khái quát chung trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ: “Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác; bằng tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể. Đảng không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị”. Khẳng định như vậy là hoàn toàn đúng đắn và khoa học. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai và vận hành chính trị, quan hệ giữa Đảng với Nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung vẫn đặt ra nhiều câu hỏi và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng vẫn là vấn đề cần đầu tư nhiều lý luận và thực tiễn.

Quan điểm không được lẫn lộn giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý của Nhà nước là điều dễ thống nhất nhưng khi thực hiện lại xuất hiện vấn đề là không nên tách rời hai phạm vi này vì đó là hai chức năng có quan hệ khăng khít. Đã có nhận định rằng, trong thực tế, ở cấp cơ sở, hoạt động của hai lĩnh vực trên rất khó phân biệt và không thể quan niệm Đảng chỉ lãnh đạo bằng đường lối mà phải cụ thể, quan tâm đến mọi nhu cầu của nhân dân nên vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi nguy cơ Nhà nước hóa Đảng và Đảng hóa Nhà nước.

Một khi Đảng chưa đổi mới về tổ chức, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước thì chính sự phi pháp quyền của Nhà nước sẽ làm yếu kém Đảng. Nhà nước càng pháp quyền chứng tỏ Đảng đã thực sự đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước.

DIỆP VĂN SƠN

Tin cùng chuyên mục