Tình yêu hóa sức mạnh vô biên

Tình yêu hóa sức mạnh vô biên

Đêm nào cũng vậy, giữa khuya thức giấc, việc đầu tiên của Oanh là ngóc đầu dậy nhìn vào ngực trái của chồng, thấy nó còn nhấp nhô là mừng lắm, Mừng ghê lắm!

Tình yêu hóa sức mạnh vô biên ảnh 1

Chị Oanh giúp chồng băng vết thương đã theo anh mấy mươi năm qua.

Đầu năm 1988, Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Bí thư Chi đoàn Nhà máy Dệt Thắng Lợi, dẫn đoàn viên thanh niên đến thăm và tặng quà là một cây đàn guitar cho anh em thương bịnh nặng đang điều trị tại khoa B4, Bệnh viện 175. Người duy nhất biết đàn tại khoa B4 lúc đó là anh thương binh Nguyễn Văn Lực. Người thương binh trẻ ấy ốm nhom, thở không ra hơi vì vết thương lủng phổi không thể lành, máu lúc nào cũng rỉ đỏ mảnh băng nhưng những ngón tay gầy guộc lại uyển chuyển rượt đuổi trên phím đàn làm bật lên những giai điệu thánh thót của bài hát “Hương thầm”. Hình ảnh ấy đã để lại cho cô Phó bí thư Đoàn những nỗi niềm xao xuyến, khó quên.

Như là định mệnh, ít tháng sau đó, em trai Oanh bị thương trong khi đang làm nhiệm vụ cũng được chuyển vào khoa B4, Bệnh viện 175. Thời gian thăm nuôi em trong bệnh viện, Oanh gặp lại Lực, bệnh nhân lâu năm của khoa B4. Vết đạn của chiến trường biên giới Tây Nam khoét sâu vào nửa bên ngực phải của anh thành một lỗ thủng lớn bằng miệng bát, một bên phổi bị cắt mất. Những bệnh lý về mạch máu đã khiến vết thương anh luôn trong tình trạng có thể bung máu bất kỳ lúc nào và việc ghép vết thương trở thành cuộc thách đố giữa sự sống và cái chết.

Thương binh Nguyễn Văn Lực đành cùng vết thương sống lầm lũi trong bệnh viện giữa 4 bức tường trắng vì mẹ anh ở Long Xuyên xa xôi chỉ có thể lâu lâu lên thăm con, anh em lại không có. Thế là, vừa thăm nom em, Oanh vừa tự nguyện chăm sóc tinh thần, chăm sóc vết thương cho người thương binh trẻ. Cha Oanh biết chuyện, chỉ nói với con một câu: “Coi chừng, duyên cũng là nợ đó con!”. Nhưng Oanh nói với cha: “Cha ơi, anh Lực đã vì đất nước chấp nhận thiệt thòi, mất mát, sao con lại không thể đến với anh, cùng anh chia sẻ khó khăn của cuộc đời riêng, giúp anh vượt qua thương tật để sống hạnh phúc”.

Và đám cưới anh chị diễn ra đơn sơ ngay tại bệnh viện trong niềm vui của các y bác sĩ hàng ngày điều trị cho anh.

Một năm sau, chị sinh đứa con đầu tiên. Đêm trở dạ, chị quặn mình trong cơn đau, định kêu chồng dậy đưa đi nhưng nhìn sang bắt gặp gương mặt xanh xao của anh, lại thương quá, không nỡ làm anh lo thêm. Thế là, một mình chị gắng gượng trở dậy, lui cui lấy đồ mang theo. Anh chợt tỉnh hỏi vợ: “Em sắp sinh rồi à?”. Chị nhịn đau nói: “Chưa đâu, anh ngủ tiếp đi”. Và trong dãy hành lang vắng lặng của khoa B4, chị mang cái bụng lặc lè, bám vào tường cố di chuyển đến khoa sản dãy bên kia. Chị đâu có hay anh cũng đang yếu ớt bám tường đi theo sau lưng vợ, vừa kịp đỡ khi chị khụy xuống và kêu to gọi mọi người đến giúp đỡ. Bé gái đầu tiên ra đời được hai vợ chồng đặt tên là Nguyễn Thị Chung Thủy và bé gái thứ hai khi ra đời cũng được chọn cho cái tên tương tự, Nguyễn Thị Thủy Chung, như lời nguyện ước của tình yêu và sự gắn kết vợ chồng.

22 năm sống bên nhau bằng tình yêu thủy chung, vợ chồng người thương binh trẻ ấy đã vượt qua vô vàn khó khăn về đời sống kinh tế. Trợ cấp thương tật của anh gần như chi hết cho những toa thuốc đặc trị và khối lượng bông băng, gạc anh phải dùng hàng ngày để băng bó và cầm cự cho vết thương khỏi bung máu bất ngờ. Với đồng lương Phó ban quản lý một ngôi chợ nhỏ ở quận 5, chị tiện tặn vun vén lo cho bữa ăn hàng ngày của 4 người và cho 2 con học lên đại học.

Căn nhà nhỏ ẩm thấp luôn bốc mùi mỗi khi nước từ kênh Tàu Hủ dâng cao, nay đã được chính quyền địa phương giúp tu sửa, trở thành căn nhà sạch sẽ hơn, ấm áp hơn. Trong ngôi nhà nhỏ đó gần như không có chỗ cho lời than vãn mà chỉ có tiếng cười nhỏ nhẹ của chị với những câu chuyện vui trong công việc chị kể lại cho anh nghe. Chỉ những khi không có mặt anh, chị mới khẽ đưa tay áo lên lau giọt nước ngấn trên mắt.

Tình yêu đã tiếp thêm cho vợ chồng người thương binh ấy sức mạnh vô biên!

TRẦN CÔNG DANH
(67B Hùng Vương, P4 Q5, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục