Sản xuất ở các KCX-KCN: Hàng nhiều cũng lỗ

Sau tết, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (HEPZA) đã làm việc và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Sau tết, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (HEPZA) đã làm việc và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

  • Đơn hàng tăng nhưng vẫn... khó khăn?!

Bước qua mùng 10 Tết, hầu hết doanh nghiệp ở các KCX-KCN đã hoạt động bình thường trở lại. Công nhân của Công ty TNHH Nissei Electric VN ở KCX Linh Trung 1 (sản xuất linh kiện điện tử, xe hơi) về quê ăn tết đã quay trở lại 100%. Đại diện Nissei, ông Masahiro Harada cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh đầu năm có nhiều tiến triển, công ty nhận được nhiều đơn hàng nên dự báo năm 2011 sẽ tăng sản lượng khoảng 20%.

Do vậy Công ty Nissei đang tìm mặt bằng để mở rộng nhà máy sản xuất và cần thêm khoảng 2.000 công nhân mới. Công ty Freetrend Industrial Việt Nam – đơn vị có số lao động đông nhất ở các KCX-KCN – cũng thế, sau tuần làm việc đầu tiên, hơn 91% lao động trong số 18.000 lao động của công ty đã trở lại làm việc. Năm 2011, đơn hàng của Freetrend Industrial Việt Nam cũng tăng khoảng 15%...

Việc mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp đã được lãnh đạo HEPZA hỗ trợ bằng cách tìm và giới thiệu mặt bằng, giới thiệu tuyển dụng lao động… Tuy nhiên, trước nỗi lo chung của doanh nghiệp về vốn, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý HEPZA, cho biết sẽ tạo điều kiện, giới thiệu doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, giải quyết sớm nhất nhu cầu bức xúc cho doanh nghiệp.

Vấn đề mâu thuẫn chính là niềm vui đơn hàng tăng nhưng lại trở thành gánh nặng của các doanh nghiệp trước thực trạng đầu năm nhiều loại hàng hóa rục rịch tăng, giá cả biến động. Tỷ giá đô la bất ngờ tăng mạnh khiến các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất lỗ nặng. Kèm theo đó, lãi suất vốn vay cũng tăng cao, trong khi các đơn hàng đã nhận từ trước theo giá cũ, khiến các doanh nghiệp đau đầu.

Đặc biệt, tình hình thiếu điện ở các KCX-KCN đang trở thành vấn đề thời sự bức xúc. Ngành điện vừa trang bị cầu dao tự động ở các doanh nghiệp, khi doanh nghiệp sử dụng quá lượng điện ấn định thì cầu dao sẽ tự động ngắt điện. Chuyện tréo ngoe khi Nhà nước liên tục có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, kêu gọi đẩy mạnh sản xuất còn ngành điện lại ban hành “hạn ngạch” điện, kìm hãm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

  • Lương thấp nên lao động chuyển dịch

Ông Hồ Xuân Lâm, Trưởng phòng Quản lý lao động HEPZA, cho biết năm nay các doanh nghiệp thuộc HEPZA cần tuyển khoảng 50.000 lao động. Trong khi đó, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý HEPZA lập luận, năm nào các công ty cũng kêu thiếu lao động, thật ra chỉ là sự chuyển dịch lao động, tức công nhân nghỉ việc chỗ này làm việc chỗ khác theo kiểu… cũ người mới ta.

Theo ông, nguyên nhân của việc dịch chuyển lao động một phần là do các doanh nghiệp chăm lo các chế độ cho công nhân chưa tốt. Nếu doanh nghiệp làm tốt chính sách chăm lo cho người lao động sẽ giữ chân được họ. Chẳng hạn như Công ty TNHH Nissie Electric VN có đến 1.000 chỗ lưu trú cho công nhân với giá chỉ 20.000 đồng/người/tháng và trước tết công ty ứng lương, hỗ trợ vé tàu xe cho công nhân về quê ăn tết nên công nhân vẫn quay trở lại làm việc đạt 100%.

Do vậy, để giữ chân công nhân, không làm xáo trộn lao động, “các công ty cần nâng cao chế độ đãi ngộ, chăm lo tốt các chế độ chính sách làm cho công nhân yên tâm sản xuất, đóng góp lâu dài cho công ty”, ông Vũ Văn Hòa nói

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục