Sáng chế vì môi trường

Nhiều bạn trẻ đam mê sáng tạo đã có các sáng kiến hữu ích cho cuộc sống, góp phần hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường. Các sáng kiến khi “trình làng” đã được hỗ trợ, tiếp sức. Tinh thần đổi mới sáng tạo đang được thúc đẩy trong cộng đồng trẻ ở Việt Nam.
Thiết thực
Mong muốn thay đổi thói quen sử dụng các loại ống hút nhựa, anh Trần Minh Tiến (ngụ huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) đã nảy ra sáng kiến thay thế bằng ống hút làm từ… cỏ. Cỏ bàng, mọc tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Từ các thân cỏ cao hơn 1m, cỏ được đục bỏ các ngăn bên trong ống, cắt thành khúc dài khoảng 20cm, dùng làm ống hút. Ống hút cỏ bàng có màu xanh tự nhiên, được làm sạch và cung cấp cho thị trường TPHCM, Bình Dương, Long An...
Không chỉ làm ống hút cỏ tươi, anh Tiến còn làm ống hút cỏ khô. Mỗi ống hút cỏ có giá từ 600 - 1.000 đồng. Sáng kiến của anh Tiến đã giúp nhiều người dân ở vùng quê có thu nhập tốt hơn từ việc thu hoạch cỏ bàng. Trong khi đó, Nhóm hoạt động cộng đồng Eco Việt Nam (gồm các bạn trẻ từ Trà Vinh) lại trình làng sáng kiến xe đạp gắn thiết bị lọc nước. Khi đạp xe, xe đạp hoạt động đồng thời tạo ra dòng điện, sử dụng cho nhiều mục đích: sạc pin dự phòng, lọc nước gắn bên hông yên xe… Hiện nay, nhóm đang hoàn thiện xe và chạy thử nghiệm, kiểm tra năng suất lọc nước rồi phổ biến cho người dân.
Cũng góp phần hạn chế rác thải nhựa, bạn Nguyễn Trà Mi cùng các cộng sự Trương Bội Linh, Karl Wallkum (Đức) ở Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM) đã tái chế rác thải nhựa thành sợi nhựa nguyên liệu cho máy in 3D. Chia sẻ về sáng kiến này, Nguyễn Trà Mi cho hay nguồn nguyên liệu cho máy in 3D hiện nay là các hạt nhựa mới, được mua từ các nhà sản xuất với giá thành khá cao (hơn 500.000 đồng/kg). Trong khi đó, nước ta lại là một trong 4 nước có lượng rác thải nhựa ra biển lớn nhất trên thế giới. Việc thu gom, tái chế rác thải nhựa vẫn còn nhiều hạn chế và chưa được thực hiện rộng rãi. Trước thực tế này, Nguyễn Trà Mi cùng cộng sự bắt tay vào việc tái chế rác thải nhựa thành nguyên liệu cho máy in 3D.
Sáng chế vì môi trường ảnh 1  Nguyễn Trà Mi (thứ 4 từ phải sang) cùng các nhà sáng chế trong và ngoài nước chạy thử máy biến rác thải nhựa thành sợi nhựa nguyên liệu
Biến ý tưởng thành hiện thực, nhóm bắt tay vào chế tạo máy móc - máy nghiền nhựa, máy đùn sợi nhựa - để biến rác thải nhựa, những thứ không ai dùng đến thành sợi nhựa nguyên liệu. Hai máy này không quá lớn và không quá phức tạp nên nhóm dự kiến khi đặt rộng rãi ở cộng đồng (xã, phường hoặc cụm dân cư), mọi người ai cũng có thể vận hành được. Gia đình nào có rác thải nhựa có thể mang rác đến, tự vận hành máy để làm ra sợi nhựa, có giá trị cao hơn so với vứt bỏ hoặc bán ve chai.
Cộng đồng sáng chế
Ông Nguyễn Trọng Nhân, Giám đốc Fablab Sài Gòn - Fablab đầu tiên trong hệ thống Fablab ở Việt Nam, nhận xét các sáng kiến trên đều có ích cho cộng đồng, góp phần trực tiếp giải quyết các vấn đề xử lý nước sạch, tái chế rác thải, bảo vệ môi trường… Các sáng kiến này hoàn toàn có thể nhân rộng. Tiêu biểu, sáng kiến ống hút cỏ đã được các cửa hàng ở TPHCM và các tỉnh lân cận chào đón, cung cấp không đủ nhu cầu. Sáng kiến về tái chế rác thải nhựa thành sợi nhựa nguyên liệu cho máy in 3D đang được nhiều nhà sáng chế, nhà đầu tư quan tâm.
Theo ông Nguyễn Trọng Nhân, những năm gần đây, các bạn trẻ sáng tạo sôi nổi hơn và kết quả cũng rõ ràng hơn. Các ý tưởng sáng tạo rất dồi dào. Tuy nhiên, để từ sáng kiến thành sản phẩm phục vụ cuộc sống thì còn là cả quá trình. Các sáng chế trên đã có nguyên mẫu hoàn thiện và cần tiếp tục được hỗ trợ về công nghệ, nguồn vốn đầu tư để phát triển quy mô lớn, phục vụ cộng đồng.
“Nhiều nước trong khu vực và trên thế giới có hệ sinh thái hỗ trợ các sáng chế, từ công nghiệp phụ trợ, máy móc, mạng lưới con người, hỗ trợ vốn, đầu tư mạo hiểm… Vì thế, những sáng chế được chấp nhận dễ dàng hơn, tạo ra nhiều sản phẩm. Trong khi đó, chúng ta thiếu sự hỗ trợ cần thiết, khiến chặng đường từ sáng kiến thành sản phẩm thực tế của nhà sáng chế gian nan hơn rất nhiều”, ông Nhân nhận xét.  
Hỗ trợ các nhà sáng tạo, Fablab Sài Gòn đã kết hợp cùng Không gian sáng tạo khởi nghiệp TPHCM (Saigon Innovation Hub - SIHUB) và mạng lưới các Fablab Việt Nam tổ chức giới thiệu về các dự án, sáng kiến trên để các chuyên gia đổi mới sáng tạo, nhà sáng chế ở trong và ngoài nước hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn. Sáng kiến ống hút bằng cỏ bàng đã được Tiến sĩ Yogesh Kulkarni, Giám đốc Fablab Ấn Độ, gợi ý sử dụng máy sấy cỏ tươi bằng năng lượng mặt trời. Giải pháp này giúp chất lượng ống hút khô đồng đều, không bị nứt, màu sắc cũng tươi đẹp hơn, và đặc biệt hữu ích khi bước vào mùa mưa, không phải lo lắng về thời tiết. Nhờ đó, năng suất tăng khoảng 30%.
Với mong muốn ngày càng có nhiều sản phẩm “made in Vietnam”, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Trọng Nhân cho hay Fablab Sài Gòn và các Fablab ở Việt Nam luôn mở cửa tự do, chào đón những người có ý tưởng có thể đến, tạo ra, hoàn thiện sản phẩm cụ thể.
Hệ thống Fablab Việt Nam (gồm 7 Fablab) có sẵn các thiết bị máy móc cơ bản về điện tử, máy móc công nghệ cao, máy cắt laser, máy in 3D… để người đam mê sáng tạo có thể tự hiện thực hóa ý tưởng của mình, tạo ra các sản phẩm. Đồng thời, cùng trao đổi, học hỏi hoàn thiện sản phẩm và khởi nghiệp bằng một sản phẩm cụ thể. Tại đây, các nhà đầu tư cũng có thể tìm hiểu dự án, sản phẩm của người yêu thích sáng tạo để thương mại hóa các sản phẩm.

Tin cùng chuyên mục