Sâu quy có liên quan đến cúm gia cầm ?!

Sâu quy có liên quan đến cúm gia cầm ?!

Từ cô lập đến tiêu hủy hàng loạt... song các ổ dịch cúm gia cầm vẫn tái phát và người ta đành chép miệng thôi đành… chung sống với nó như chung sống với lũ. Các nhà khoa học đã chỉ đích danh tác nhân truyền bệnh là loại chim di cư nhưng giống như truyện trinh thám, vẫn còn một số “sát thủ” giấu mặt khác mà chúng ta chưa lần ra.

Tham gia cuộc truy tìm nhọc nhằn này, TS Lê Võ Định Tường ở Phân viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên & Công nghệ Quốc gia đã đưa ra giả thuyết về mối liên quan giữa con sâu quy - vốn là con “xoá đói giảm nghèo” được nuôi làm thức ăn cho chim, cá cảnh - và bệnh cúm gia cầm. Có thật vậy không?

Sâu quy có liên quan đến cúm gia cầm ?! ảnh 1

Sâu qui

Con sâu quy tên khoa học là Alphitobius diapericus vốn là một loài côn trùng thường cư trú trong các kho lương thực, thực phẩm và nhất là trong phân và chất độn của chuồng gà. Con trưởng thành thường được gọi là con quy, sống khá lâu (ở nhiệt độ 21-240C nó sống lâu tới 400 ngày), biết chạy và bay do đó có thể phát tán khá xa.

Thức ăn chính là phân gà, xác chết và các chất hữu cơ mốc meo. Bà con nuôi sâu thường mua con quy giống từ các chủ nuôi gà công nghiệp. Các chủ nuôi gà thường nuôi và thu nhặt con quy trong đống phân gà của họ. Con quy được mua về và cho đẻ trứng trong các khay bằng nhựa hay bằng gỗ có chứa sẵn cám và thực phẩm (thường là cám nấu với vỏ thơm). Con cái sau khi nở khoảng 13 ngày bắt đầu đẻ trứng và đẻ liên tục trong suốt đời của nó. Mỗi ngày đẻ khoảng 4 trứng.

Trứng quy sau 7 - 10 ngày nở ra sâu con và lớn rất nhanh. Chúng ăn tạp đủ loại thực phẩm phế thải (từ cọng rau cho đến cơm thừa, xác động vật chết...) nên có thể coi là một loài động vật chuyển đổi rác hữu cơ thành thức ăn chim cá. Vì thế nuôi sâu quy là một nghề không những giúp kinh tế, giúp phát triển nuôi chim cá cảnh - một trong những hướng phát triển của nông nghiệp đô thị TPHCM mà còn giúp giảm thiểu rác thải hữu cơ. Nếu được nghiên cứu công nghiệp hóa, sâu quy có thể trở thành một loài gia trùng quý.

Nhưng nhiều nhà nghiên cứu ở nước ngoài đã khuyến cáo rằng loài sâu này không những là vật truyền cơ học mà còn là vật dự trữ nhiều mầm bệnh nguy hiểm cho gia cầm và cả cho sức khoẻ con người như Campylobacter và Salmonella (mầm bệnh gây nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn) Escheriachia coli, virus bạch cầu gà và một số siêu vi khác.

Các nhà khoa học cũng đã xác định một số bệnh nhân bị hen suyễn, viêm mũi, viêm kết mạc, mày đay và dị ứng khi tiếp xúc với sâu quy. Hiện nay chưa có thông tin về vai trò của sâu quy trong việc dự trữ và lan truyền virus cúm gà. Do đó bà con nuôi sâu quy, nhất là mua quy giống từ các trại nuôi gia cầm cần chú ý khảø năng lan truyền siêu vi cúm gà từ các trại gà về nhà mình.

Khu vực có nhiều người nuôi sâu quy thường có mật độ dân cư cao, chỗ nuôi sâu lại thường rất gần nơi sinh hoạt của người nên càng cần phải chú ý đề phòng. Trước mắt cần chú ý tự tạo lấy nguồn giống. Tuyệt đối không mua giống quy từ các trại có gà chết dịch. Có thể chuyển đổi nuôi sâu quy sang nuôi ruồi tò vò (hay ruồi lính đen Hermetia illucens). Loài ruồi này đã được xác định là không truyền bệnh và có nhiều ưu điểm dễ nuôi hơn sâu quy.

Trong công tác phòng chống bệnh dịch cúm gà cũng như các bệnh dịch gà khác, các nhà khoa học và các nhà quản lý cũng cần chú ý đến khu vực nuôi sâu quy tại các khu dân cư của thành phố. Thiết nghĩ chúng ta cũng cần có nhiều công trình nghiên cứu mối liên quan giữa sâu quy với cúm gà, cũng như nghiên cứu giúp bà con cô bác quy trình nuôi sâu quy sạch, sử dụng sâu quy như một công cụ xử lý rác thải hữu cơ nếu có thể. Trước hết, để góp phần phòng bệnh dịch cúm gà đang có nguy cơ bùng phát rộng, chính quyền thành phố nên có kế hoạch giúp bà con cô bác nuôi sâu quy chuyển đổi sang nuôi ruồi tò vò.

 

Tin cùng chuyên mục