Sở hữu trí tuệ cho nông nghiệp bị “bỏ rơi”

Nhiều sản phẩm nông nghiệp không đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nên khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu, khó hướng đến xuất khẩu. Đã xuất hiện tình trạng nhiều nông dân, thương nhân dễ dàng “mượn tạm” nông sản đã được bảo hộ SHTT để sản xuất, kinh doanh, nhưng việc xử lý nạn “ăn cắp” bản quyền trong nông nghiệp vẫn còn rất nhiêu khê.

Chưa nhiều đặc sản vùng miền được bảo hộ quyền sở hữu

Hiện nay, Việt Nam có hơn 800 sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chỗ đứng trên thị trường, nhưng chỉ có khoảng 50 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, 140 sản phẩm có nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền SHTT. Trong đó, một số ít sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài như nước mắm Phú Quốc, cà phê Ban Mê Thuột, thanh long Bình Thuận, vú sữa Lò Rèn…

Thành quả trên đạt được nhờ các sở, ngành và doanh nghiệp (DN) quan tâm đăng ký sở hữu trí tuệ cho nông sản, đồng thời xây dựng quảng bá thương hiệu. Qua đó, nông sản Việt Nam đã xuất hiện ở nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia. Dù vậy, vẫn còn nhiều đặc sản nổi tiếng vùng miền không được bảo hộ SHTT đã bị nhái tràn lan như: gạo trắng hạt dài đội lốt gạo Nàng Thơm Chợ Đào, cá tra đội lốt cá basa… Không chỉ trong nước, ngay cả thị trường nước ngoài cũng bị nhái như nước mắm Phú Quốc, cà phê Ban Mê Thuột…, mà Việt Nam phải tốn khá nhiều thời gian, chi phí mới đòi lại được thương hiệu.

Sở hữu trí tuệ cho nông nghiệp bị “bỏ rơi” ảnh 1 Giống thanh long của Công ty Hoàng Phát xuất qua Úc đang bị nhiều nông dân nhái thương hiệu bán ra thị trường trong nước
Theo bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, hiện nay nhiều nông sản nước ta được các DN nước ngoài nhập về chế biến lại mang thương hiệu nước ngoài. Việt Nam có rất nhiều nông sản ngon nhưng do các địa phương, DN và nông dân vẫn chưa thực sự mặn mà trong việc đăng ký bảo hộ SHTT. Do đó, Việt Nam vẫn đứng sau Thái Lan, đứng thứ 2 trong các nước Đông Nam Á về số lượng sản phẩm chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Thậm chí, nhiều sản phẩm dù được bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn mác.
Đại diện Công ty Hoàng Phát (Long An) chuyên xuất khẩu thanh long cho hay, sản phẩm của công ty đã mua bảo hộ giống với thành phẩm đạt chất lượng tốt nhất để xuất khẩu sang các nước. Do trái thanh long của công ty có chất lượng tốt nên đã được nhiều nông dân trong nước “mượn” giống về trồng, rồi bán ra ngoài thị trường, nhưng không trả chi phí bản quyền cho công ty. Công ty đã nhờ cơ quan chức năng can thiệp, xử lý, nhưng cũng rất nhiêu khê.
Tương tự, Công ty Phúc Sinh bị “ăn cắp” bản quyền phải nhờ đến nhiều cơ quan chức năng xử lý, kiện cáo hơn 5 năm mới thành công. Theo nhiều công ty, có một thực tế là luật sư chuyên về SHTT không nhiều, nhất là lĩnh vực SHTT về nông nghiệp càng khó hơn, điều này cũng khiến việc kiện tụng ra tòa không thuận lợi.
Nên đơn giản hơn thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu 
Để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, ông Trần Giang Khuê, Cục SHTT, khuyến nghị cần sớm đăng ký bảo hộ cho nông sản, đặc sản trong nước. Để tạo được thương hiệu, DN cần phải có bộ phận nhân lực chuyên trách quản lý hoạt động SHTT với lộ trình kế hoạch, chiến lược sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu.

Ông Lê Thanh Tùng, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nhấn mạnh bên cạnh các nông sản có thương hiệu đã xuất khẩu, chúng ta cần phải chú trọng bảo hộ, quản lý các tác giả, chuyển giao bảo hộ cây giống và tạo vùng nguyên liệu ổn định. Đó chính là cơ sở ban đầu xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Song song đó, việc bảo hộ cũng sẽ giúp giữ được nguồn giống tốt, không lẫn lộn phát tác với quốc gia khác. Dù Cục Trồng trọt luôn tuyên truyền về tác hại, xử phạt các hành vi vi phạm bản quyền, nhưng có rất nhiều lý do nên rất khó xử phạt. Nhằm bảo vệ được bản quyền, địa phương cần phải quy hoạch vùng trồng cho từng loại cây, điều này sẽ giúp cơ quan chức năng giám sát dễ dàng hơn.

Theo Hội Nông dân Việt Nam, nông dân luôn có tư tưởng mua đứt, bán đoạn nên không quan tâm đến việc đăng ký SHTT, để làm được điều này thì vai trò hướng dẫn của các tổ chức, mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp cần phải nâng cao. Hội luôn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, góp phần thúc đẩy liên kết, tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn. Phần lớn các sản phẩm đã được đăng ký SHTT, chỉ dẫn địa lý đều bán được giá cao hơn từ 1,5 - 2 lần, tiêu thụ ổn định. Hiện nay, nhiều địa phương đã có giải pháp bảo hộ SHTT cho sản phẩm đặc sản địa phương, bước đầu mang lại kết quả tích cực như hạn chế rủi ro về biến động giá, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho nông sản, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập. 

Theo GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, khi đăng ký thành công SHTT sẽ khẳng định nhãn hiệu để tạo ra thương hiệu trong kinh doanh và tránh tình trạng làm giả, nhái. Xây dựng hình ảnh của thương hiệu là một phần quan trọng trong chiến lược marketing, như tên sản phẩm, logo, nhãn hiệu… Nếu có thương hiệu uy tín, sẽ “chiếm lĩnh” lòng trung thành của khách hàng, tạo sự vượt trội, thuận lợi trong giao thương với đối tác, tổ chức tín dụng

GS Võ Tòng Xuân cũng lưu ý, hiện nay thủ tục đăng ký bản quyền SHTT nông sản còn quá rườm rà đối với các tác giả, nhà sáng chế “chân đất” như nông dân. Cho nên, thủ tục đăng ký sáng chế cần được đơn giản hóa trong điều kiện Việt Nam hiện tại. Nhiều nông dân tạo được giống cây trồng mới, nhưng không đủ tài chính và trình độ văn hóa để làm thủ tục đăng ký. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc khuyến khích nhà nông lai tạo các giống mới, do không bảo đảm được bản quyền nghiên cứu.

Tin cùng chuyên mục