SSIC khẳng định mình

Buổi sáng một ngày đầu mùa khô Giáp Ngọ, tôi đứng từ đỉnh cầu Phú Mỹ nối liền quận 7 với quận 2, TPHCM, thả tầm nhìn bao quát hết mặt bằng sản xuất của Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (viết tắt là SSIC) tọa lạc sát mép nước, phía quận 7, tôi bắt gặp cầu tàu trang trí, mấy con tàu đã chữa xong, tàu chờ vào ụ… nối đuôi nhau…; tiếng sắt thép va vào sắt thép chát chúa, ánh lửa hàn nhấp nhoáng khắp mặt bằng, máy cẩu hối hả nâng cần… như mách bảo rằng SSIC đang nhiều việc làm cho người lao động.
SSIC khẳng định mình

Buổi sáng một ngày đầu mùa khô Giáp Ngọ, tôi đứng từ đỉnh cầu Phú Mỹ nối liền quận 7 với quận 2, TPHCM, thả tầm nhìn bao quát hết mặt bằng sản xuất của Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (viết tắt là SSIC) tọa lạc sát mép nước, phía quận 7, tôi bắt gặp cầu tàu trang trí, mấy con tàu đã chữa xong, tàu chờ vào ụ… nối đuôi nhau…; tiếng sắt thép va vào sắt thép chát chúa, ánh lửa hàn nhấp nhoáng khắp mặt bằng, máy cẩu hối hả nâng cần… như mách bảo rằng SSIC đang nhiều việc làm cho người lao động.

Một góc Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn

Ngược dòng thời gian

Tính từ thời ụ Nam Trành nhỏ nhoi, được thành lập ngay sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (tiền thân của SSIC hôm nay) để kịp thời sửa chữa ghe xuồng cho bà con TP, thì SSIC đã ở vào tuổi xấp xỉ 40 rồi. Tuy nhiên, tôi chỉ ngược dòng thời gian 10 năm về trước, khi SSIC bắt đầu triển khai đóng mới con tàu biển trọng tải 4.000DWT. Đầu thế kỷ 21, đất nước ta thời điểm ấy, chỉ mới có hai tỉnh, thành là Quảng Ninh và Hải Phòng có đơn vị đóng mới được tàu biển đúng nghĩa tàu biển. Còn lại tất cả các tỉnh, thành ven biển khác, chỉ mới đóng được tàu sông hoặc tàu pha sông biển trọng tải 2.000DWT trở xuống. TPHCM cũng vậy.

Không chờ bước sang thế kỷ 21, mà ngay từ cuối thế kỷ trước, khi SSIC xây dựng cơ sở mới tại quận 7, có đà triền với sức chịu đựng vài chục tấn, nên những người làm ở Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn đều đau đáu trăn trở: “Tại sao đơn vị mình có mặt bằng đà triền như thế mà lại không đóng mới được tàu tải trọng lớn, vượt đại dương. Chả lẽ cứ bằng lòng sản sinh ra sà lan, tàu sông mãi mãi…”. Sau nhiều lần đề xuất nguyện vọng với cơ quan chủ quản, cuối năm 2003, SSIC nhận được hợp đồng đóng mới con tàu biển trọng tải 4.000DWT cho chủ đầu tư trong nước. Cả đơn vị phấn khởi, nhanh chóng triển khai những công việc cần thiết để đầu năm 2004 bắt tay vào dự án tàu biển đúng nghĩa tàu biển ấy.

Vạn sự khởi đầu nan, dù là đơn vị đã đóng mới nhiều sà lan, phà, tàu sông, nhưng khi đóng tàu biển thì SSIC mới cảm thấy từ sông ra biển là một khoảng cách công nghệ khá xa, không phải ngày một, ngày hai có thể khỏa lấp được. Tôi nhớ trong cuộc họp triển khai đóng mới con tàu biển này, Tổng Giám đốc SSIC Thái Văn Hùng đã nói: “Đóng mới con tàu biển đầu tiên, có thể SSIC không lãi được một đồng nào. Nhưng cái lãi chúng ta sẽ có được đó là: Lãi về cán bộ kỹ thuật được làm quen với công nghệ và biện pháp thi công tiên tiến. Lãi về tay nghề người thợ được nâng cao. Lãi về thương hiệu SSIC sẽ lan tỏa, có sức hút chủ đầu tư trong và ngoài nước. Có đóng thành công con tàu 4.000DWT này, SSIC mới chính thức gia nhập làng đóng tàu Việt Nam…”. Và để đón nhận nguồn chất xám từ những đồng nghiệp đã đi trước trong nghề đóng tàu biển, lãnh đạo SSIC mở rộng vòng tay mời đóng tàu Bạch Đằng - Hải Phòng vào chi viện; dành cho những cán bộ, công nhân tạm xa gia đình đến giúp đỡ mình nhiều ưu ái.

Để con tàu biển đóng mới đầu tiên bàn giao đúng tiến độ, SSIC đã tổ chức làm 2 ca liên tục. Thạc sĩ Lê Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc kỹ thuật, thi công SSIC  (bây giờ anh Quang là Tổng Giám đốc Saigon Shipmarin) cùng đội ngũ kỹ sư ngược xuôi như con thoi từ mũi đến lái, kiểm tra từng đường hàn, hạng mục lớn nhỏ. Còn người thợ đổ dòng mồ hôi cần mẫn, trách nhiệm vào sắt thép, máy móc. Họ làm việc với cả lòng khát khao về một con tàu biển bấy lâu nay. Có thể nói, suốt từ ngày thành lập đến lúc này, chưa năm tháng nào SSIC sôi động như những ngày tháng của năm 2004.

Chí quyết, lòng thuận, dù có nhiều khó khăn phát sinh trong quá trình thi công, nhưng SSIC đã chủ động tháo gỡ để con tàu Saigon Ship được hạ thủy, bàn giao đúng tiến độ. Ngày tiễn con tàu làm chuyến hải hành vượt đại dương đầu tiên đã trở thành ngày hội không chỉ của SSIC, mà còn là ngày vui chung của các đơn vị bạn bè cả nước. Đóng mới thành công con tàu biển đầu tiên ở phương Nam, SSIC đã đủ sức, đủ tầm vươn ra biển lớn.

Thừa thắng tiến tới

“Tiếng lành đồn xa”, ngay sau khi SSIC đóng thành công con tàu biển 4.000DWT đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, họ đã liên tiếp nhận được đơn đặt hàng đóng mới tàu có trọng tải lớn của chủ đầu tư trong và ngoài nước. Trong 4 năm từ năm 2005 đến 2008, SSIC đã  “khai sinh” ra dòng tàu chở hàng khô 6.500DWT, tạo nên thương hiệu của mình. Nhưng ở bài ký sự này, tôi muốn nói nhiều đến một bước đột phá ngoạn mục của SSIC, khiến nhiều đồng nghiệp trong Nam ngoài Bắc phải ngả mũ thán phục. Ấy là khi họ ký nhận được hợp đồng mới đóng đôi tàu trọng tải 5 chữ số (11.000DWT) cho chủ đầu tư Nhật Bản - Đài Loan. Vậy mà khi SSIC bàn giao con tàu nào cũng được các ông chủ khó tính móc hầu bao ra thưởng 30.000USD, vì đơn vị đã đáp ứng mọi đòi hỏi khắt khe về tiến độ, chất lượng hoàn hảo. Đóng tàu cho nước ngoài mà được thưởng quả là chuyện lạ, ở Việt Nam mới có SSIC nhận được thiện chí hẹn gặp nhau thêm nhiều lần nữa ấy.

Tàu càng có trọng tải lớn, đóng nó càng nặng nề, phức tạp. Các kỹ sư ngày chỉ đạo sản xuất trên công trường, đêm về phải miệt mài nghiên cứu bản vẽ thiết kế, bản vẽ thi công và bật máy vi tính lên tra cứu kinh nghiệm của các hãng đóng tàu lớn trong và ngoài nước để học hỏi, rồi đưa ra biện pháp thi công tối ưu, phù hợp với điều kiện đơn vị mình. Còn công nhân, từ thợ sắt đến thợ hàn, từ thợ ống đến thợ lắp máy… đều tự nguyện học tập, tu luyện cho tay nghề giỏi giang hơn. Ai cũng hiểu tạo dựng được uy tín, thương hiệu kéo khách hàng gần xa đến với mình đã khó, nhưng để giữ uy tín, thương hiệu lại càng khó khăn hơn. Thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh quyết liệt, mất uy tín, mất thương hiệu là mất tất cả.

SSIC trong những năm từ 2008 đến 2010 thật sự là một đại công trường. Những đợt thi đua nước rút hoàn thành khung sườn, mặt boong, phân đoạn lái, tổng đoạn mũi… tàu 11.000DWT nối tiếp nhau. Mùa mưa cũng như mùa khô, không ngày nào SSIC vắng tiếng máy móc, cần cẩu làm việc hết công suất. Cho nên ở SSIC lúc nào cũng có tiếng sắt thép va vào nhau chát chúa, ánh lửa hàn tung hoa khắp mặt bằng… Và rồi những nghĩ suy, sáng tạo của con người luôn làm nên những cái bất ngờ, đẩy năng suất lao động vượt cả mong đợi. Nhờ vậy mà đôi tàu 11.000DWT mới được bàn giao cho chủ đầu tư sớm hơn thời gian hợp đồng đã ký. Đóng thành công đôi tàu 11.000DWT, vị thế của SSIC được nâng lên một tầm cao mới trong làng đóng tàu biển Việt Nam, cho họ cái quyền nghĩ đến đóng mới những con tàu trọng tải lớn lao hơn.

Đi bằng hai chân

Giữa những ngày tháng căng thẳng tiến độ với công cuộc “khai sinh” những con tàu biển, thì lãnh đạo SSIC vẫn không xa rời mục tiêu xây dựng ụ khô 10.000 tấn càng nhanh càng tốt. Bởi ngay từ thời ông Trần Bá Thượng làm Giám đốc SSIC (năm 2000, ông Thượng được đề bạt lên làm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, nay đã nghỉ hưu) đã tính đến một đơn vị công nghiệp tàu thủy cần phải có đà triền để đóng mới và ụ khô để sửa chữa thì mới tồn tại và phát triển vững chắc trong cơ chế thị trường. Người kế nhiệm, anh Thái Văn Hùng cũng rất tâm đắc với đường hướng ấy nên đã tìm mọi nguồn vốn mua sắm thiết bị, máy móc lắp đặt ở ụ khô, để nó được đưa vào khai thác sớm nhất. Tháng 7-2011, cửa ụ khô được mở toang cho con tàu Âu Lạc trọng tải 15.000DWT vào phục hồi “sức khỏe”. Bắt đầu từ đó SSIC đi bằng đôi chân khỏe mạnh đóng mới và sửa chữa trong thương trường rộng mở.

Ụ khô 10.000 tấn (sửa chữa được tàu trọng tải đến 25.000DWT) của SSIC được đưa vào khai thác giữa năm tháng nền kinh tế toàn cầu suy thoái. Lượng hàng hóa lưu thông từ nước nọ đến nước kia bằng đường biển giảm sút nghiêm trọng, dẫn đến nhiều hãng vận tải dư thừa tàu bè. Tàu nằm bờ, chẳng mấy ông chủ bỏ tiền ra đóng mới phương tiện nữa. Nhiều nhà máy đóng tàu lớn, nhỏ thu hẹp sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng. Với SSIC, hợp đồng đóng mới tàu chờ hàng khô cũng vơi hẳn đi, chỉ còn đơn đặt hàng đóng phà biển và tàu chở khách du lịch… chưa khai thác đến 1/2 năng lực con người và máy móc hiện có.

Trong hoàn cảnh ấy, ụ khô 10.000 tấn đã phát huy hiệu quả của mình một cách rõ rệt. Lợi nhuận thu được từ ụ khô này sau 3 năm đưa vào khai thác đã giúp SSIC đứng vững giữa bão lốc suy thoái kinh tế toàn cầu bất ngờ ập đến. Cũng như ở mảng đóng mới, ở mảng sửa chữa, SSIC thêm một lần gây bất ngờ với đồng nghiệp. Đó là, ngay những ngày tháng, năm đầu đưa ụ khô 10.000 tấn vào vận hành đã có nhiều con tàu lớn, nhỏ ở cả hai miền Nam - Bắc tìm đến đòi được “khám chữa bệnh”, tân trang, làm đẹp. Đặc biệt, SSIC đã ký được hợp đồng dài hạn bảo dưỡng và sửa chữa đội tàu dịch vụ biển cho Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt - Xô. Hợp đồng ấy đã đủ cho ụ khô có “bệnh nhân” nằm 180/365 ngày của năm rồi. Trong một lần trò chuyện, tôi hỏi anh Nguyễn Ngọc Thông, Chủ tịch SSIC, bí quyết nào giúp đơn vị thu hút được khách hàng đến với mình giữa thời buổi việc làm cho người lao động là “gạo châu, củi quế” này? Không dài dòng lý giải, anh Nguyễn Ngọc Thông cho biết: “Cứ bảo đảm chất lượng, bàn giao tàu đúng tiến độ và giá cả phải chăng là chủ tàu tìm đến ngay…”.

Tôi nhớ, dạo tháng 6-2013 về SSIC công tác, gặp lại anh Nguyễn Công An thợ hàn bậc 6/7, tổ trưởng tổ sắt hàn 1 đang thay tôn mạn cho một con tàu nằm sửa chữa trong ụ khô. Thú thật, lúc đầu tôi cũng hơi ngạc nhiên, bởi những lần trước, tôi thường gặp anh An trong xưởng vỏ đang gia công hạ liệu cho những con tàu mới. Dường như đọc được suy nghĩ của tôi, anh An vui vẻ mở chuyện: “Nhờ ụ khô này đưa vào khai thác kịp thời, khi mảng đóng mới vơi dần hợp đồng, người lao động ở SSIC vẫn đầy đủ công việc. Mà có việc là có lương, có thưởng đúng kỳ hạn…”. Đi bằng đôi chân khỏe mạnh, SSIC đang sống những ngày như thế.

Năm 2013 ngành công nghiệp tàu thủy nước nhà thực hiện tái cơ cấu. Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) ra đời thay thế cho Tập đoàn Vinashin. Từ hơn 200 thành viên của Vinashin, sau nhiều thẩm định về năng lực hiện tại, khả năng phát triển lâu dài của Ban kinh tế Trung ương, Bộ GTVT và nhiều cơ quan chức năng khác, chỉ còn lại có 8 đơn vị lọt vào làm thành viên của SBIC, trong đó có SSIC  (TPHCM có thêm 1 đơn vị nữa là Saigon ShipMarin được lọt vào tốp 8 thành viên của SSIC). Điều ấy chứng tỏ SSIC đã khẳng định được mình trong làng đóng mới và sửa chữa tàu thủy nước nhà, khẳng định được mình giữa cơ chế thị trường cạnh tranh gay gắt…

PHẠM MINH DŨNG

Tin cùng chuyên mục