Ngày mới ở Cần Giờ

“Ai ơi đừng đến Cần Giờ/ Dưới sông đầy sấu trên bờ đầy beo”. Câu ca xưa răn con người không nên đến vùng đất dữ Cần Giờ. Những chuyện kể về ông thần không đầu, về xã ăn thịt, về những ngôi mộ gió mà thịt xương hoặc đã vào bụng sấu dữ hoặc trôi ra biển cả làm đau thắt lòng… Nhưng nay Cần Giờ đã khác xưa.
Ngày mới ở Cần Giờ

“Ai ơi đừng đến Cần Giờ/ Dưới sông đầy sấu trên bờ đầy beo”. Câu ca xưa răn con người không nên đến vùng đất dữ Cần Giờ. Những chuyện kể về ông thần không đầu, về xã ăn thịt, về những ngôi mộ gió mà thịt xương hoặc đã vào bụng sấu dữ hoặc trôi ra biển cả làm đau thắt lòng… Nhưng nay Cần Giờ đã khác xưa.

Nghề làm muối ở Cần Giờ

Đất lành chim đậu

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Cần Giờ với tên huyện Duyên Hải thuộc tỉnh Đồng Nai. Dịp Tổng bí thư Lê Duẩn, Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt cùng Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Thơ thăm huyện Duyên Hải (tháng 11-1977), Tổng Bí thư đã có ý kiến đưa huyện Duyên Hải trở lại TPHCM. Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VI ngày 29-12-1977 ra nghị quyết sáp nhập Duyên Hải là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc TPHCM. Đây là quyết định đúng đắn mang tầm chiến lược. TPHCM từ đây có hơn 20km đường bờ biển nằm tại huyện này, diện tích tự nhiên 680,6km². Ngày 18-12-1991, Duyên Hải đổi thành Cần Giờ. Đây là vùng đất rừng ngập mặn mênh mông những cây đước, cóc kèn, ô rô, bần, nhất là cây mắm mà người Nam bộ còn gọi là cây sác. Rừng Sác trước chiến tranh là rừng nguyên sinh có giá trị vô giá về môi trường sinh thái. Các loài cây như những “người lính tiên phong” che chắn gió bão từ biển thổi vào, giữ đất phù sa, lọc nước, khử độc, tạo ra môi trường nước và không khí trong lành; hàng năm sản sinh ra nhiều chục tấn phiêu sinh vật làm nguồn thức ăn thiên nhiên cho tôm cá…

Kẻ thù thâm độc dùng chất độc hóa học hủy diệt Rừng Sác, cứ mỗi hécta bị nhuộm gần 60 lít chất độc. Màu xanh cây cỏ và mọi động vật lớn bé đều chết thảm. Duy nhất Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác vẫn sống với những chiến công “xuất quỷ nhập thần” tiêu diệt Mỹ - ngụy, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Hơn 31.000ha rừng cần sớm được khôi phục và “lá phổi xanh” đã sống lại bằng chính bộ óc của lãnh đạo thành phố và đôi tay cần mẫn của người dân. Cuối năm 1979 đầu 1980 thế kỷ trước, lực lượng Thanh niên xung phong thành phố nổi lên như những người hùng trong “Việc gì khó có thanh niên”, hàng ngàn người xông vào cuộc kiến tạo màu xanh Rừng Sác. Người dân Cần Giờ giữ mãi hình ảnh những thanh niên chân đất mà sáng đẹp, chân đạp bùn lầy, gai góc, lưng cõng cần xé, đầu đội thúng đựng đầy những tinh hoa mầm sống cho đời; hồn cốt môi trường sinh thái mai sau. Hàng trăm tấn trái đước giống mua từ Năm Căn, Minh Hải, Bến Tre chở về. Hàng ngàn trái tim suốt năm, tháng da lưng rộp vì nắng gió cặm cụi cấy từng cây đước giống như cấy lúa. Cơm ăn, nước uống có vị mặn chát nước sông Lòng Tàu mà lòng mát rượi những ngày mai sau…

Thời gian thấm thoát, đúng ngày 22-1-2000, UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, đưa Việt Nam chính thức gia nhập mạng lưới quốc tế 368 Khu dự trữ sinh quyển thuộc 91 nước trên thế giới. Rừng ngập mặn rộng 30.389ha được hồi sinh đồng nghĩa với câu ca “đất lành chim đậu”, gọi các loài động vật về, riêng khỉ có đến hàng ngàn con, màu xanh làm phong phú thêm lý luận thời thượng “hiệu suất tầm nhìn xanh” với con người.

Ngày 16-6-2005, Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Đảng bộ, nhân dân huyện Cần Giờ. Tháng 10-2005, Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 10 công dân tiêu biểu có công trong quá trình phục hồi rừng ngập mặn Cần Giờ. Vinh dự là thế nhưng trách nhiệm không nhỏ. Rừng ngập mặn Cần Giờ là rừng trồng, điều này làm nên sự duy nhất mà không nơi nào trên hành tinh có được nên nó đòi hỏi con người phải biết cách chăm sóc và tuân thủ những biện pháp lâm sinh, không giống rừng ngập mặn tự nhiên. Điều này cần được ngành chức năng quan tâm thường xuyên đúng mức.

Chuyên chở ánh sáng

Tháng 1-1984, đường (tên mới) Rừng Sác chính thức khởi công, rộng 8m, dài 36,5km từ bến phà Bình Khánh đến thị trấn Cần Giờ. Đây là con đường nhiều người cho rằng không thể làm được vì nền đất không chân, toàn sình lầy. Ngày 26-10-1983, nhóm kỹ sư và công nhân kỹ thuật Sở Giao thông bắt đầu lặn lội trong rừng ngập mặn để khảo sát tìm nơi “đặt” con đường sao cho ngắn nhất, tiết kiệm kinh phí nhất nối từ Cần Giờ đến trung tâm TPHCM. Hàng tháng ròng, nhóm khảo sát phải đối đầu với chông gai, rắn rết, mối độc, kiến dữ, cá sấu dữ, cơm cá khô, muối đâm... để thăm dò định hướng. Bắt tay vào thi công càng vất vả. Có đoạn đất sình lầy không chân đến mức đổ hàng chục mét khối đất đỏ xuống đều chìm mất tăm. Từ nghiên cứu, thử nghiệm bằng giải pháp kỹ thuật dùng xáng “cạp” cạp sâu xuống lòng đất đắp nền đường đưa đến kết quả khả quan, kỹ sư Võ Dũng, Phó Giám đốc Công ty Công trình Giao thông số 1, tiếp tục nghiên cứu thành công kỹ thuật đắp nền đường trên đất sình lầy không chân. Tại công trường, xuất hiện nhiều lao động xuất sắc được vinh dự kết nạp vào Đảng.

 

* Cần Giờ là địa danh có nguồn gốc từ tiếng Khmer - KanChoeu, theo Trương Vĩnh Ký nghĩa là “cái thúng”. Mùa xuân Mậu Dần 1698, quan Thống suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào kinh lý đất phương Nam lập xứ Sài Gòn thì tại “cái thúng” đã có cư dân Việt sinh sống ở những “làng rừng”, “làng biển” được phiên chế vào tổng Bình Dương huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn, phủ Gia Định. Họ sống bằng nghề trồng trọt trên những giồng đất cao, đánh cá ven biển, buôn bán nhỏ quanh đồn binh, đang phôi thai truyền thống văn hóa biển.

 

Đường Rừng Sác được sự ủng hộ, khuyến khích của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Các cơ quan đoàn thể quân dân chính đảng, nhân sĩ trí thức, Mặt trận Tổ quốc, thiếu nhi các quận huyện… đến thăm hỏi động viên anh em làm đường. Qua 3 đợt thi công với sự nỗ lực vượt bậc của hàng ngàn người thuộc hàng chục cơ quan ban ngành đơn vị sở tại trong thời gian gần 1 năm rưỡi, với khối lượng công việc khổng lồ: đào đắp 1,2 triệu m³ đất, 75.000m³ cát; khai thác vận chuyển 80.700m³ sỏi đỏ từ Thủ Đức; vận chuyển 500.000 tấn vật liệu máy móc; gia công chế tạo 5.000 tấn sắt thép; đúc gần 5.000m³ bê tông. Tổng trị giá thực hiện hơn 110 triệu đồng (thời giá 1982 ước tính có thể tương đương hơn ngàn lượng vàng, cách nay 33 năm). Đêm 29-4-1985, Cần Giờ không ngủ để 6 giờ sáng 30-4-1985 mừng kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam bằng việc đón chiếc xe hơi đầu tiên chạy trên đường Rừng Sác về. Không thể nói được hết những cung bậc sung sướng của người dân Cần Giờ ùa ra đường chặn xe lại, có người nghẹn ngào bật khóc tay run run sờ mó chiếc xe nhìn thấy đầu tiên trong đời. Con đường như vệt sáng lớn xuyên qua màu xanh Rừng Sác đã chấm dứt cảnh người dân và cán bộ các xã có chuyện về huyện phải mất 2 ngày lặn ngòi ngoi nước mới tới.

Ý nghĩa lớn nhất, chính con đường đã chuyên chở ánh sáng về huyện đảo này. Năm 1995, chương trình điện khí hóa Cần Giờ diễn ra như mùa hoa nở rộ. Một hệ thống điện với tổng chiều dài 135,5km đường dây trung thế, 115,3km đường hạ thế và 98 trạm biến áp, công suất 15.185kVA (riêng xã đảo Thạnh An có điện sau). Điện 3 pha ưu tiên cho sản xuất và các cơ sở du lịch. Có điện lưới quốc gia, làm thay đổi hẳn bộ mặt xã hội một huyện biển đảo xa nhất trung tâm TP, góp phần quan trọng chuyển dịch và thay đổi cơ cấu nền kinh tế.

Kỳ tích thứ tư sau 40 năm của Cần Giờ là đưa được nước ngọt thủy cục về vùng ngập mặn. Trước đó, hàng năm ngân sách TP phải cấp bù 60 tỷ đồng nước sạch mà dân vẫn không đủ dùng, nước chợ đen giá cắt cổ từ 2.000 đồng/m³ lên 20.000 rồi 40.000 đồng thậm chí có lúc bị đẩy lên đến 100.000 đồng/m³. Thấu hiểu nỗi khổ đó, phát biểu tại lễ khánh thành công trình cung cấp nước sạch huyện Cần Giờ ngày 24-4-2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chia sẻ: “Hàng ngàn đời, nay nhân dân Cần Giờ mới có được nước sạch…”.

Gần Tết Ất Mùi có việc tôi vừa ở Văn phòng UBND huyện Cần Giờ ra ghé ăn cơm trưa, gặp ông Hai Mỹ ngụ đường Duyên Hải, hỏi chuyện tết, ông Hai nói trong niềm xúc động: “Sang năm nay thứ 5 rồi, dân ở đây đều có điện, nước. Nhưng tết này sướng bội phần là 2 thứ đó có suốt ngày đêm, sung sướng lắm!”. Tự nhiên ông Hai nín lịm, nhìn tôi như “chiếu tướng” mà mặt tươi rói: “Phải không chú, nghĩ cho cùng muôn phần dân Cần Giờ được như ngày nay đều nhờ có ngày 30-4-1975 ấy”.

Những con số nóng hổi, đầy ấn tượng về kinh tế, văn hóa, xã hội… năm 2014 của huyện Cần Giờ: Giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 2.123 tỷ đồng (tăng 5% cùng kỳ). Nhuyễn thể gồm tôm, nghêu, sò, hàu đạt 14.086 tấn; sản lượng lúa đạt 1.707 tấn; mô hình chim yến, sản lượng tăng 28,7%; diêm nghiệp 1.667ha thu đạt 111.822 tấn (cao nhất trong 10 năm qua). Đặc biệt y tế, trong khi cả nước đang phấn đấu quyết liệt để năm 2015 đạt 75% dân số có bảo hiểm y tế thì huyện Cần Giờ năm 2014 đã có 61.441 người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 83,13%. Hiện 7/7 xã thị trấn toàn huyện đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020. Nay còn 27,2% hộ nghèo, xây dựng được 552 nhà tình nghĩa, tình thương, nhà đồng đội, ngôi nhà mơ ước với số tiền 50,6 tỷ đồng…

33 năm trước Cần Giờ là một trong hai huyện được TP thí điểm thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo. Nay Cần Giờ đang đứng trước những vận hội và thời cơ mới nhiều hứa hẹn xứng đáng là tiền tiêu, nơi đầu sóng của TP mang tên Bác...

LÂM THAO

Tin cùng chuyên mục