Nhịp cầu nối những bờ vui

Nghe tiếng “sư ông xây cầu” đã lâu, tôi may mắn gặp được hòa thượng Thích Như Niệm, trụ trì chùa Pháp Hoa (quận Phú Nhuận, TPHCM) tại hội thảo về di sản của giáo sư Trần Văn Giàu và ngỏ lời muốn được theo chân thầy đi trao cầu từ thiện. Vừa hay hai ngày sau thầy tổ chức khánh thành một cây cầu ở tỉnh Bến Tre…
Nhịp cầu nối những bờ vui

Nghe tiếng “sư ông xây cầu” đã lâu, tôi may mắn gặp được hòa thượng Thích Như Niệm, trụ trì chùa Pháp Hoa (quận Phú Nhuận, TPHCM) tại hội thảo về di sản của giáo sư Trần Văn Giàu và ngỏ lời muốn được theo chân thầy đi trao cầu từ thiện. Vừa hay hai ngày sau thầy tổ chức khánh thành một cây cầu ở tỉnh Bến Tre…

Cây cầu mang tên liệt sĩ Lê Đình Chi bắc qua rạch An Bường nối ấp Thạnh Mỹ và ấp An Bình của xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre được hòa thượng Thích Như Niệm tài trợ 130 triệu đồng xây dựng.

Xóa nghèo hơn giúp ngặt

Cầu An Bường nằm ở giữa ấp Thạnh Mỹ và ấp An Bình (xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre). Đây là cây cầu nối liền tuyến lộ liên ấp về trung tâm xã, tuyến đường huyết mạch lưu thông về xã và qua huyện Ba Tri bằng phà Mỹ An - An Đức. Tuyến đường liên ấp này phục vụ các hộ dân của bốn ấp trên địa bàn xã đi lại hàng ngày. Ấy vậy mà cây cầu bê tông cũ làm đã hơn mười năm nên xuống cấp trầm trọng, bà con phải lấy ván gỗ, gạch dặm vá khắp nơi. Chị Lê Thị Thanh Loan, nhà ở ngay chân cầu, ngày ngày đi làm mướn, bao phen sụp hố, trượt chân lúc qua cầu nên xe hỏng, người đau, hàng hóa đổ. Em Lê Thị Nhi, học sinh lớp 71 Trường Trung học cơ sở Mỹ Hưng, không nhớ bao nhiêu lần đi từ nhà đến trường, qua cầu bị trượt chân té nhào, nên đành bỏ buổi học…

Ông Trần Văn Tây, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ An, buồn bã bảo, chứng kiến cảnh bà con đi lại khổ sở như vậy, đau lòng lắm nhưng đành chịu vì đây là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh, nên không biết lấy đâu ra kinh phí xây cầu mới. May thay, nghe tiếng về “sư ông xây cầu”, các cán bộ Ủy ban Nhân dân xã Mỹ An gửi thư thỉnh nguyện.

Nhận được thư, hòa thượng Thích Như Niệm cử ngay đệ tử là đại đức Thích Trí Thuận, trụ trì chùa Vĩnh An (ấp An Lợi, xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) xuống khảo sát. “Vì có rất nhiều nơi cần giúp đỡ nên mình phải làm kỹ, xem nơi nào cần kíp hơn thì làm trước”, thầy Như Niệm cho biết. Khi hồ sơ được duyệt, thầy liền tài trợ 130 triệu đồng, nhân dân địa phương góp 20 ngày công lao động… 60 ngày sau, cây cầu dài 30m, ngang 2,2m được cắt băng khánh thành và được hòa thượng Thích Như Niệm đặt tên là cầu liệt sĩ Lê Đình Chi (1912 - 1949, luật sư, T.G.) để tưởng nhớ một trí thức có công trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc.

Từ đầu năm 2000, đến nay hòa thượng Thích Như Niệm đã tổ chức xây dựng được 254 cây cầu (trung bình 100 triệu đồng/cầu), riêng năm 2014, đã hoàn thành 17 cây cầu, tặng nhiều địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhất là ở Bến Tre. Thầy bảo, dành nhiều ưu ái cho xứ dừa vì đây không chỉ là một trong những tỉnh nghèo, khó khăn của cả nước mà còn là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Có biết bao thế hệ người dân xứ dừa kiên trung, bất khuất, hy sinh vì sự nghiệp giữ nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Mỗi năm xây tặng trung bình 12 cây cầu nên bà con yêu mến gọi hòa thượng Thích Như Niệm bằng biệt danh “sư ông xây cầu”. Hỏi chuyện này, thầy khiêm tốn bảo: Nhà Phật có câu “vạn sự tùy duyên”, việc thầy xây cầu cũng là duyên - một cái duyên do mình ngộ ra và quyết tâm theo đuổi.

Để biến ý tưởng thành hiện thực, ban đầu, thầy Như Niệm dùng chính số tiền đền bù giải tỏa hai miếng đất được thừa kế của gia đình mình để xây cầu. Rồi tiếng lành đồn xa, các phật tử và người dân ở khắp nơi hoan hỉ góp tiền. Thế là thầy lập quỹ xây cầu ở chùa Pháp Hoa để mọi người cùng chung sức chung lòng. Bà Nguyễn Kim Dung, đã cùng gia đình hỗ trợ 100 triệu đồng xây cầu liệt sĩ Lê Đình Chi là một ví dụ. Bà tâm sự: “Mẹ tôi khi mất để lại cho con cháu 100 triệu đồng, là số tiền bà tích cóp cả đời người. Muốn số tiền bà để lại thêm ý nghĩa nên chúng tôi phát tâm lập quỹ để làm từ thiện. Khi biết hòa thượng Như Niệm xây cầu ở xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, chúng tôi đã đóng góp cùng thầy làm việc nghĩa”.

Xuống địa phương nào thấy có cây cầu khỉ, cầu tạm, thầy lập tức làm hồ sơ. Mỗi khi có địa phương xin xây cầu, đích thân thầy hoặc đệ tử đến tận nơi khảo sát, rồi tài trợ tiền để nhờ Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường của tỉnh chịu trách nhiệm thi công và nhân dân địa phương cùng thực hiện. Ông Trịnh Văn Y, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Bến Tre, nhiều năm gắn bó với hòa thượng Thích Như Niệm trong công tác xây dựng cầu giao thông nông thôn cho biết: “Đã gần 80 tuổi nhưng khi muốn hỗ trợ cho một cây cầu nào, con lộ nào, hòa thượng cũng đến tận nơi để xem xét hoàn cảnh của người dân. Mưa, bão, nắng, gió không ngại, hòa thượng xắn quần, tay cầm guốc rồi bước trên những chiếc cầu khỉ, bì bõm lội sình đến với bà con để khảo sát, động viên.”

Mỗi cây cầu được xây là đong đầy kỷ niệm. Ngày khánh thành cây cầu ở huyện Mỏ Cày, (Bến Tre) có một phụ nữ đứng nhìn cây cầu mới mà nước mắt rưng rưng. Hỏi chuyện, thầy mới biết ngày trước mẹ chị mất mạng vì đi qua cầu khỉ trượt chân té xuống kênh. Cha chị quyết chí lao động cật lực mong tích cóp được đủ tiền để xây dựng một cây cầu chắc chắn. Thế nhưng, tâm nguyện chưa hoàn thành mà ông đã lâm trọng bệnh và qua đời. Giờ đây, đứng ngắm cây cầu bê tông vừa khánh thành, gắn với kỷ niệm đau buồn của gia đình, người phụ nữ đó không khỏi chạnh lòng.

Ngày khánh thành cây cầu nối liền hai xã Bình Khánh Đông và Bình Khánh Tây của huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, người dân vui như hội. Trước đây, chợ ở bên Bình Khánh Tây, người dân ở Bình Khánh Đông làm ra nông sản, đứng bên này thấy chợ, nhưng muốn giao thương phải mất nửa giờ đi vòng. Cầu xây xong bà con chỉ mất năm phút là ra đến chợ. “Giao thông nông thôn được nối, nông dân trực tiếp trao đổi nông phẩm mình làm ra mà không phải qua trung gian, không bị tư thương ép giá. Chừng đó cũng đủ giúp bà con không chỉ tháo được ngặt mà còn dần bớt đi cái nghèo,” thầy Như Niệm tâm sự.

Hầu hết những cây cầu đều được thầy đặt tên của những nhà cách mạng, bậc trí sĩ, anh hùng, liệt sĩ như: cầu Trung tướng Nguyễn Bình (xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), cầu Phan Triêm (xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre), cầu liệt sĩ Nãm Thắng (ấp Phú Lộc, xã An Định, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), cầu Giáo sư - Nhà giáo nhân dân - Anh hùng lao động Trần Văn Giàu (ấp Ông Bụi, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An)… Những cây cầu bê tông được trang trọng gắn tên những chí sĩ, anh hùng, liệt sĩ… là một dịp giáo dục truyền thống, tôn vinh, tri ân những người có công với nước. Công trình càng ý nghĩa gấp bội!

Đặt tên những cây cầu như vậy một phần là do dòng máu cách mạng chảy trong huyết quản của thầy.

Làm từ thiện phải có tầm

Cả đời thầy Như Niệm luôn hết lòng cho các hoạt động từ thiện - xã hội. Thầy trực tiếp tổ chức Tuệ Tĩnh đường giúp đỡ những người nghèo khó, không nơi nương tựa. Hoạt động của Tuệ Tĩnh đường tồn tại suốt 1/4 thế kỷ, hàng ngàn lượt người nghèo đã được các lương y khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí. Ngoài ra, thầy còn ủng hộ tiền cho các quỹ khuyến học, quỹ nghĩa tình đồng đội, quỹ bảo trợ bệnh nhân nghèo… do Báo SGGP và các đơn vị phát động.

Thầy tâm sự: “Làm từ thiện không những cần cái tâm mà phải có tầm. Cứu trợ bằng tiền, gạo, vật chất, chỉ mang tính tức thời. Xây cầu, làm đường là giúp người dân phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất của họ. Đó là mình cho họ cần câu chứ không nên cho con cá”. Tâm niệm thế nên thầy miệt mài đi đến khắp nẻo miền quê chia sẻ khó khăn với người dân. Trong cuộc vận động xây dựng giao thông nông thôn ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Ban trị sự chùa Pháp Hoa và thầy Như Niệm luôn dành sự ủng hộ tích cực. Chùa còn cứu trợ thiên tai giúp nhân dân các tỉnh miền Nam Trung bộ và Tây Nguyên 3,608 tỷ đồng và 5 tấn gạo, ủng hộ quỹ học bổng, quỹ vì người nghèo, quỹ vì trẻ em khuyết tật của quận Phú Nhuận, TPHCM với số tiền 362 triệu đồng và 4 tấn gạo…

Hòa thượng Thích Như Niệm cho biết, muốn làm từ thiện thì phải làm từ tâm chân chính, có tiền thôi chưa đủ mà phải có tâm tận tụy, đến tận nơi để hiểu về con người, vùng đất ấy… mới có hiệu quả. Cần thay đổi tư duy trong công tác từ thiện. Theo thầy, làm từ thiện không những phải đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đại đa số người nghèo khó mà còn giúp họ có dịp tìm hiểu để chuyển hóa tâm thức và phấn đấu vươn lên.

Hòa thượng Thích Như Niệm, thế danh là Lê Văn Tam, sinh năm 1937, xuất gia từ năm 10 tuổi tại chùa Pháp Hoa và trụ trì chùa từ năm 1962. Hòa thượng hiện là Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Phó trưởng Ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Từ thiện xã hội, Thành hội Phật giáo TPHCM.

Tháng 9-2011, hòa thượng Thích Như Niệm được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, do “đã có thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa và xã hội - từ thiện từ năm 2006 - 2010, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Tháng 11-2011, hòa thượng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba do “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Hòa thượng còn được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, kỷ niệm chương cao quý khác.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục