Phản hồi bài “Thanh toán qua ngân hàng…”: Nộp tiền mặt vào tài khoản từ tháng 1 đến 3-2009: được hoàn thuế

* Mở rộng hình thức thanh toán qua ngân hàng

* Mở rộng hình thức thanh toán qua ngân hàng

(SGGP).- Báo SGGP số ra ngày 6-5-2009 đăng bài “Thanh toán qua ngân hàng: làm khó doanh nghiệp”, phản ánh việc thông tư Bộ Tài chính hướng dẫn chậm, lại chỉ chấp nhận một hình thức thanh toán qua ngân hàng khiến nhiều doanh nghiệp “mất” hàng chục tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) khi “lỡ” chuyển tiền mặt vào tài khoản của bên bán.

Cụ thể, theo Thông tư 129/2008/TT-BTC quy định kể từ 1-1-2009 việc mua bán hàng hóa có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên phải “có chứng từ thanh toán qua ngân hàng” mà không nói rõ thế nào là thanh toán qua ngân hàng. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã thanh toán bằng nhiều hình thức: ký séc, ủy nhiệm chi, nộp tiền mặt vào tài khoản bên bán…

Thế nhưng, đến ngày 20-3, Bộ Tài chính lại có công văn hướng dẫn việc thanh toán qua ngân hàng là “chuyển từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán” thì mới được hoàn thuế (tức chỉ duy nhất hình thức thanh toán này mới được hoàn thuế).

Với hướng dẫn này, mỗi nơi áp dụng một kiểu, một số tỉnh vẫn chấp nhận hoàn thế cho doanh nghiệp đã lỡ nộp tiền mặt vào tài khoản của bên bán trong thời gian chưa có hướng dẫn (từ tháng 1 đến tháng 3-2009), trong khi đó, Cục Thuế TPHCM vẫn không chấp nhận hoàn thuế. Sau bài viết phản ánh, Báo SGGP cũng đã đăng tải nhiều ý kiến bức xúc, phân tích, góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân.
 
Qua quá trình đeo bám vấn đề, đến nay Báo SGGP nhận được thông tin mới và cũng là tin vui cho doanh nghiệp: Ngày 20-7-2009, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 10220/BTC-TCT hướng dẫn về điều kiện chứng từ thanh toán qua ngân hàng để khấu trừ, hoàn thuế VAT.

Trong đó chấp nhận các trường hợp nộp tiền mặt vào tài khoản bên bán hoặc chuyển tiền vào tài khoản của bên bán trong khoảng thời gian từ 1-1-2009 đến 31-3-2009 vẫn được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào (tức được hoàn thuế). Sau thời gian này, nếu bên mua nộp tiền mặt vào tài khoản của bên bán sẽ không được hoàn thuế.

Công văn còn “mở rộng” thêm các hình thức thanh toán qua ngân hàng được hoàn thuế gồm: có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như: séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các hình thức thanh toán khác theo quy định.

Ngoài ra, các hình thức thanh toán sau đây cũng được xem là thanh toán qua ngân hàng để được hoàn thuế gồm: bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào - bán ra, vay mượn hàng mà phương thức này đã được quy định cụ thể trong hợp đồng, có biên bản đối chiếu số liệu và xác nhận giữa hai bên về việc thanh toán bù trừ, vay mượn hàng; hình thức bù trừ công nợ như vay mượn tiền, cấn trừ công nợ qua người thứ ba mà phương thức này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có hợp đồng vay mượn tiền được lập trước đó và có chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của bên cho vay sang tài khoản của bên vay đối với khoản vay bằng tiền; thanh toán ủy quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng thì việc thanh toán theo ủy quyền phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản và bên thứ ba phải là một pháp nhân hoặc thể nhân theo quy định của pháp luật.

H. NI

Thông tin liên quan

Thanh toán qua ngân hàng: Làm khó doanh nghiệp! 

Tin cùng chuyên mục