Tạo môi trường khuyến khích mọi người viết sách, đọc sách

Ngày 18-4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam.
Những buổi giao lưu ra mắt sách tại Đường sách TPHCM ngày càng nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Ảnh: HỒ SƠN
Những buổi giao lưu ra mắt sách tại Đường sách TPHCM ngày càng nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Ảnh: HỒ SƠN

Đến dự có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng đại diện lãnh đạo bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương.

Theo thống kê của Bộ TT-TT, qua 5 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam, toàn ngành xuất bản đã xuất bản được 160.000 xuất bản phẩm với 1,9 tỷ bản, tăng 20% về số cuốn và số bản sách. Chất lượng xuất bản phẩm được nâng cao, cung cấp cho xã hội khối lượng lớn thông tin, kiến thức của nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao dân trí và phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của mọi đối tượng bạn đọc...

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Ngày sách Việt Nam đã về được đến cấp huyện, xã; tủ sách về đến lớp học và hộ gia đình; giờ đọc sách vào đến lớp học; Tết đến mọi người lì xì, mừng tuổi bằng sách; hàng năm đã tổ chức Giải thưởng sách Quốc gia. Đã có 10 nhà xuất bản có hình thức xuất bản điện tử. Bộ trưởng Bộ TT-TT cũng khẳng định sẽ có thêm nhiều cơ chế chính sách mới được ban hành để góp phần chấn hưng văn hóa đọc. Ngày sách, tủ sách, đường sách, hội chợ sách, giờ đọc sách phải được phổ cập rộng rãi. Giải thưởng sách Quốc gia sẽ được đổi mới, tổ chức với quy mô, giải thưởng lớn hơn, thu hút sự quan tâm của xã hội. Hợp tác quốc tế về sách rộng rãi và đa dạng hơn.

Theo một khảo sát quốc tế năm 2016, Việt Nam chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Thời gian dành cho đọc sách hàng tuần, cao nhất là Ấn Độ với gần 11 giờ, một số nước châu Á như Nhật Bản là 4 giờ, xếp thứ 28, Hàn Quốc là 3 giờ, xếp thứ 29. Trong khi Việt Nam là khoảng 1 giờ. Người Việt Nam thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới/ người/ năm, nhưng trong đó 2,3 cuốn là sách giáo khoa. Như vậy, mỗi người mỗi năm chỉ thực sự thụ hưởng gần hai cuốn sách và thuộc nhóm thấp trên thế giới. Trong khi, Malaysia là 12 cuốn sách/ người/ năm, gấp 3 lần Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn các cá nhân, doanh nghiệp, nhà xuất bản đã dành tài chính và tấm lòng của mình để đưa sách và tri thức đến với người dân ở những vùng khó khăn, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Song Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng nỗ lực hơn nữa để Ngày sách Việt Nam và văn hóa đọc đi vào thực chất, lan tỏa đến mọi ngõ ngách, mọi cơ quan, mọi ngành, cấp... bởi đâu đó vẫn còn chưa tích cực, mang tính hình thức. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Tôi hy vọng mỗi cán bộ, đảng viên, công chức và mỗi người dân sẽ ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của sách, của việc đọc sách, từ đó dành một quỹ thời gian nhất định trong một ngày học tập, làm việc và lao động cho việc đọc sách, nhằm tích lũy những kiến thức bổ ích, làm giàu thêm cho đời sống văn hóa, tinh thần của mình”.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ TT-TT, đơn vị được giao chủ trì triển khai Ngày sách Việt Nam, phải là đầu mối kiến nghị các chính sách, trong đó có cả chính sách kinh tế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà xuất bản, đơn vị làm sách đưa sách về mọi nơi. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan cần tích cực lồng ghép các phong trào, từ xây dựng gia đình văn hóa, phong trào khuyến học, khuyến công, khuyến nông… gắn với văn hóa đọc. Phải tiếp tục tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất, khuyến khích mọi người viết sách để có nhiều tác phẩm tốt, tác phẩm hay; tôn vinh nhiều tác giả, văn nghệ sĩ, tôn vinh những người đưa sách đến cộng đồng, đến với mọi người, mọi nhà.

Chiều 18-4, Ngày sách Việt Nam lần thứ 6 khai mạc tại Hà Nội thu hút sự tham gia của 84 đơn vị với khoảng 100 gian hàng. Trong suốt thời gian diễn ra ngày sách, ban tổ chức sẽ trưng bày, giới thiệu các hình ảnh, hiện vật về sách được làm từ các chất liệu khác nhau qua các thời kỳ; các hình ảnh giới thiệu về các hoạt động của Ngày sách Việt Nam trên toàn quốc qua các năm; trưng bày, giới thiệu các thể loại sách tiêu biểu từng mô hình. Nhiều hoạt động giao lưu gặp gỡ giữa các tác giả, đơn vị xuất bản… cũng sẽ được tổ chức. 

Từ ngày 19 đến 27-4, tại Đường sách TPHCM sẽ diễn ra tuần lễ “Khuyến đọc: Sách và cộng đồng trẻ”, trưng bày những tủ sách khuyến đọc dành cho thiếu nhi, 10 tựa sách truyền cảm hứng sáng tạo dành cho giới trẻ, và những tựa sách chủ đề “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Từ ngày 20-4 đến hết ngày 25-4, tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM diễn ra chương trình “Ngày hội đọc sách”, triển lãm sách quý, sách hay, sách đẹp, sách đạt giải trong những năm gần đây và giới thiệu các đầu sách mới, bán sách giảm giá, phục vụ đọc sách tại chỗ. Vào lúc 9 giờ ngày 21-4 sẽ diễn ra chương trình “Ngày hội đọc sách trẻ em” tại Trung Tâm VLS (lầu 4, số 45 Đinh Tiên Hoàng, quận 1) do Hội quán Các bà mẹ tổ chức. 

Tại Đà Nẵng, từ nay đến hết ngày 21-4, ngay dưới chân cầu Rồng, UBND quận Hải Châu phối hợp với Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa) tổ chức Hội sách Hải Châu - TP Đà Nẵng năm 2019. Hội sách Hải Châu năm nay có chủ đề “Sách - Văn hóa và phát triển”, quy tụ hơn 200 gian hàng của 57 đơn vị gồm các NXB, doanh nghiệp phát hành sách, các công ty văn hóa, truyền thông trong nước cùng với 22 đơn vị xuất bản nước ngoài đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản… Ước tính, hội sách có hơn 50.000 tên sách với khoảng trên 10 triệu bản sách đầy đủ các thể loại.

V.XUÂN - Q.YÊN - X.THÂN

Tin cùng chuyên mục