Thách thức doanh nghiệp bất động sản

Một trong những tiêu chí quan trọng để khách hàng quyết định mua nhà là tình hình giao thông đi lại hàng ngày của khu vực dự án đó có thông thoáng không; có bị ngập do mưa và triều cường không? Trong thời gian qua, thực tế cho thấy hai yếu tố quan trọng nói trên đã thực sự thách thức các doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng dự án.
Thách thức doanh nghiệp bất động sản

Một trong những tiêu chí quan trọng để khách hàng quyết định mua nhà là tình hình giao thông đi lại hàng ngày của khu vực dự án đó có thông thoáng không; có bị ngập do mưa và triều cường không? Trong thời gian qua, thực tế cho thấy hai yếu tố quan trọng nói trên đã thực sự thách thức các doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng dự án. 

Kẹt, ngập trên diện rộng

Theo đánh giá của các chuyên gia, mỗi năm lượng xe tại TPHCM tăng 10% trong khi đường giao thông chỉ tăng 2%. Thời gian qua, tuy có khá nhiều công trình giao thông mới hoặc nâng cấp được đưa vào sử dụng nhưng việc cải thiện tình hình giao thông cũng không mấy khả quan. Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) TPHCM, đến cuối năm 2014, thành phố có khoảng 6,4 triệu xe gắn máy và 600.000 ô tô, là địa phương có lượng xe gắn máy đứng đầu cả nước. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông có mức tăng rất thấp - chỉ khoảng 2%/năm. Tuy hàng năm đều có thêm cầu, đường được xây dựng mới (riêng năm 2015, dự kiến làm mới khoảng 34,5km đường và xây mới 10 cầu), nhưng đánh giá về những hạn chế trong phát triển hạ tầng giao thông, Sở GT-VT đã nhận định phương tiện giao thông cá nhân và số lượng người nhập cư vào TPHCM tăng cao, sẽ tiếp tục gây quá tải cho hệ thống hạ tầng giao thông đô thị.

Tại khu Nam, mật độ xây dựng còn khá thưa nhưng đã xảy ra tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm tại các cửa ngõ dẫn vào trung tâm thành phố

Quan sát vào giờ cao điểm tại các cửa ngõ của thành phố, nơi nào cũng xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông. Cửa ngõ phía Đông có khá nhiều tuyến đường, cầu hầm kết nối vào các quận trung tâm. Tuy nhiên, chuyện kẹt xe trên các tuyến như xa lộ Hà Nội, Đồng Văn Cống, Phạm Văn Đồng… không phải là chuyện hiếm. Ông Nguyễn Khánh Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đất Xanh, nói rằng từ ngày đường Phạm Văn Đồng thông xe, tưởng chừng đường Đinh Bộ Lĩnh ít kẹt xe hơn nhưng thực tế thì  ngược lại. Bởi đường Phạm Văn Đồng thông thoáng nên lượng xe “dồn cục” khá nhanh tại đầu đường Đinh Bộ Lĩnh đoạn trước Bến xe Miền Đông, gây nên tình trạng kẹt xe khá trầm trọng. Mấu chốt của vấn đề là sự liên thông giữa các tuyến đường chưa có nên những con đường mới chưa phát huy hết tác dụng. Cùng với việc kẹt xe thì những ngày qua, nhiều khu vực của thành phố như chìm trong biển nước sau những cơn mưa lớn, gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Chuyển hướng phát triển

Nếu trước đây, khi xét về vị trí để tránh kẹt xe thì người mua nhà thường chọn các dự án khu Nam hay khu Đông của thành phố. Bởi hai khu vực này đường sá còn khá thông thoáng, có nhiều đường để đi vào trung tâm. Nhưng nhận định này hiện nay không còn phù hợp nữa. Tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) rất thường xuyên kẹt xe, mặc dù các dự án địa ốc mới tại khu vực này chưa được xây dựng nhiều. Khu Đông như quận 2, quận 9, Thủ Đức trước kia cũng là sự lựa chọn của nhiều người, nhưng bây giờ cũng bắt đầu nghĩ lại. Kinh nghiệm các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản cho biết họ thường triển khai dự án cận kề các trục đường giao thông lớn, tuyến metro để dễ dàng kết nối với khu trung tâm và nhiều khu vực khác. Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học, cho rằng kẹt xe, ngập nước thực sự thách thức các nhà quản lý tại TPHCM. Không chỉ là số lượng xe cộ tăng quá nhanh mà còn có lý do hàng ngày người dân di chuyển theo kiểu “con lắc” từ ngoại ô vào trung tâm thành phố và ngược lại để làm việc, học tập. Do đó, chọn nhà gần nơi làm việc là giải pháp tốt nhất cho từng cá nhân để tránh kẹt xe và khi có ngập nước cũng “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể chọn  giải pháp này được. Ngoài ra, khu Nam, khu Đông được xem là “túi nước” của thành phố, nhưng thời gian qua tốc độ đô thị hóa khu vực này diễn ra quá nhanh, trong khi đó việc xây dựng hồ điều tiết, phát triển hệ thống thoát nước chưa được quan tâm đúng mức cũng là vấn đề cần xem lại.

Riêng vấn đề ngập nước, giám đốc một doanh nghiệp đầu tư bất động sản cho biết, những dự án tại khu Nam TP nếu phê duyệt cách đây 10 năm thì “cốt nền” đều đã “lỗi thời”, nhiều khu dân cư xây dựng 10 năm trở về trước hiện nay đối diện với tình trạng ngập nước rất lớn. Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng đã tính đến phương án chống ngập cho nhiều chục năm sau. Ông Nguyễn Anh Tâm, Giám đốc Công ty Tài Nguyên cho biết, khi xây dựng dự án chung cư Kenton (Nhà Bè), ông đã tính đến việc chống ngập theo kịch bản của biến đổi khí hậu khi xây dựng “cốt nền” của dự án cao 9m so với mực nước biển. Hay ông Trần Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhà Việt Nam cho biết, đã xây dựng cốt nền cao hơn mức phê duyệt 1m khi triển khai dự án BCR tại quận 9. Mới đây, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM đã ban hành hàng loạt đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 tại khu vực Tây Bắc theo hướng phát triển khu vực này thành khu đô thị sinh thái, hình thành các khu trung tâm thương mại, y tế, giáo dục… Đây được xem là sự chuyển hướng phát triển cho đô thị trong thời gian tới.

ĐỖ TRÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục