Thận trọng khi mua trả góp lãi suất 0%

Để kích cầu tiêu dùng, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp (DN) chuyên doanh sản phẩm điện tử, điện máy, các công ty du lịch… tung ra gói mua hàng trả góp lãi suất 0%. Mới nghe, tưởng chừng rất hấp dẫn, nhưng thực tế không hẳn như vậy.
Thận trọng khi mua trả góp lãi suất 0%

Để kích cầu tiêu dùng, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp (DN) chuyên doanh sản phẩm điện tử, điện máy, các công ty du lịch… tung ra gói mua hàng trả góp lãi suất 0%. Mới nghe, tưởng chừng rất hấp dẫn, nhưng thực tế không hẳn như vậy.
 
Trên thị trường, hiện có khá nhiều quảng cáo về phương thức mua trả góp lãi suất 0%, trong đó phổ biến gồm trả góp toàn phần (100%) hoặc bán phần. Để được tham gia mua hàng trả góp lãi suất 0%, người mua chỉ cần có thẻ tín dụng là được. Phương thức được tổ chức dưới hình thức các cửa hàng, siêu thị điện máy, các DN... liên kết tài chính với các ngân hàng trong nước. Người tiêu dùng muốn mua trả góp sẽ được tư vấn mở thẻ tín dụng ghi nợ cho khách tại các ngân hàng mà cửa hàng đó liên kết. Tất nhiên, khách phải đảm bảo các điều kiện phía ngân hàng đưa ra. Chẳng hạn, để có được thẻ tín dụng Techcombank (liên kết với Thiên Hòa), khách hàng phải đáp ứng có thu nhập tối thiểu từ 6 triệu đồng/tháng trở lên. Phí chuyển đổi giao dịch chủ thẻ thanh toán cho ngân hàng là 2,7% giá trị món hàng; phí thường niên 300.000 đồng/năm. Chưa kể, ngay khi mua được sản phẩm (điện tử, điện máy…), khách còn phải đóng thêm phí thu hộ, phí bảo trì sản phẩm..., tùy trị giá món hàng. Ví dụ, chiếc máy tính bảng Galaxy Tab S2 giá 13.990.000 đồng, trả trước 30%, góp 0% lãi suất trong 6 tháng, người mua phải trả thêm 404.000 đồng (gồm phí bảo hiểm rủi ro, phí thu hộ...). Điều này có nghĩa, lãi suất tuy là 0%, nhưng người tiêu dùng phải trả phía sau đó hàng loạt loại phí khác!

Một vấn đề khác cũng cần lưu ý, đó là các mặt hàng trả góp lãi 0% thường được đẩy giá lên cao hơn giá thị trường. Chỉ cần làm một so sánh: cùng một mặt hàng nếu mua trả ngay sẽ được khuyến mãi giảm giá, kèm theo nhiều ưu đãi, nhưng mua trả góp, giá phải trả cao hơn giá đã khuyến mãi ít nhất 5% - 10%!  Lấy ví dụ tại Viễn Thông A, có chương trình hoàn 50% thuế VAT đối với một số sản phẩm như điện thoại HTC One M9 (giá 13.979.000 đồng), iphone 6 16Gb Gold (16.990.000 đồng)… Nhưng không áp dụng cho khách mua sản phẩm trả góp 0% lãi suất. Chỉ tính nhẩm thôi, chiếc điện thoại iphone 6 mua trả góp 0% lãi suất đã cao hơn mua trả ngay gần 850.000 đồng! Chưa kể các khoản phí phải trả đi kèm. Tương tự, tại siêu thị điện máy Thiên Hòa, cũng không áp dụng giảm giá với chủ thẻ thành viên (vàng hoặc bạch kim giảm 2%  - 5%, tùy thẻ) khi mua trả góp 0%.

Mô hình bán hàng trả góp khá phổ biến ở các nước phát triển, vì nó phù hợp khả năng chi trả của đông đảo người có thu nhập vừa phải, sinh viên, các bà nội trợ... Tuy nhiên, nhìn ở góc độ người bán, chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng, Giám đốc Công ty tư vấn ISM cho rằng, phần lớn các công ty bán hàng trả góp 0% đều liên kết với công ty cho vay tài chính hoặc ngân hàng, do vậy ít nhiều đều tính lãi suất. Con số 0% chủ yếu để quảng cáo hấp dẫn người tiêu dùng. Đứng ở góc độ người mua hàng, ông Ngô Đình Dũng khẳng định, đừng quá tin vào các quảng cáo mua hàng trả góp lãi suất 0%. Bởi căn cứ vào thực tế, tổng số tiền mua hàng sau trả góp thường cao hơn so với mua hàng trả tiền mặt trực tiếp một lần. Chưa kể tới các chiêu trả góp 0% trong 1 - 2 năm đầu (ví dụ: bán nhà, căn hộ cao cấp), sau đó lãi suất thả nổi, thì người tiêu dùng chỉ còn cách còng lưng trả nợ. Do vậy, theo ông Dũng, khách hàng nên cân nhắc, dò giá thật kỹ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm; đồng thời đề ra phương án, tính tới khả năng trả nợ. Đối với các mặt hàng giá trị lớn, số tiền trả nợ chỉ nên chiếm khoảng 1/3 thu nhập mỗi tháng; còn các mặt hàng giá trị nhỏ, thì số tiền trả chỉ nên chiếm khoảng 10% - 15% thu nhập hàng tháng là vừa.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục