Thành phố 42 năm thay da đổi thịt ​

Kể từ ngày thống nhất đất nước 30-4-1975, Sài Gòn-TPHCM đã có những bước phát triển đầy ngoạn mục.
Đường Võ Văn Kiệt và kênh Bến Nghé xanh - sạch - đẹp Ảnh: THÀNH TRÍ
Đường Võ Văn Kiệt và kênh Bến Nghé xanh - sạch - đẹp Ảnh: THÀNH TRÍ
Rộng, dài hơn

Thong thả dạo bước cùng con cháu trên phố đi bộ Nguyễn Huệ vào một buổi chiều giữa tháng 4-2017, cụ Vương Đan Hoàn, 90 tuổi, rất vui. Gần cả cuộc đời đi qua chiến tranh nên hơn ai hết cụ hiểu rõ giá trị của hòa bình, của những buổi chiều êm đềm, lộng gió và tíu tít tiếng trẻ nói cười. Cụ nói, tuy không sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn - TPHCM nhưng với thời gian dài gắn bó với vùng đất này, cụ cảm nhận được sự thay da đổi thịt từng ngày của TP. Lúc mới bước chân tới Sài Gòn-TPHCM vào đầu những năm 1980, TP này nhỏ bé hơn hiện nay rất nhiều. Đi qua ngã tư Bảy Hiền, ngã năm Chuồng Chó, thậm chí vừa đi gần hết quận 4 là đã gặp mênh mông vườn cây. Nhiều tuyến kênh rạch như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé… nước đen và bốc mùi rất khó chịu. Đường Võ Văn Kiệt to, đẹp hiện nay, lúc ấy chỉ mới là tuyến đường nhỏ bị cắt khúc bởi nhiều công trình xây dựng xập xệ.

Có điều kiện gắn bó với quá trình phát triển đô thị của TPHCM nên Tiến sĩ - Kiến trúc sư Lê Văn Năm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TPHCM và Thạc sĩ - Kiến trúc sư Ngô Anh Vũ, Trưởng phòng Quy hoạch 1 - Viện Quy hoạch Xây dựng TPHCM thấy rõ hơn những đổi thay của TP. Theo hai chuyên gia, đến nay TPHCM đã tạo lập được cấu trúc cơ bản của một đô thị văn minh, hiện đại. Hệ thống khung giao thông gồm các tuyến xuyên tâm Tây Bắc - Đông Nam, Tây Nam - Đông Bắc, đường Rừng Sác nối với huyện Cần Giờ, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương (nối TPHCM với đồng bằng sông Cửu Long), đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (nối TPHCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ)… đã được hình thành. Các tuyến giao thông này không những làm cho giao thông thông suốt mà còn tạo điều kiện cho TP hình thành được các hành lang kinh tế, giúp phân bổ lại lực lượng lao động - sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng. Dọc theo các trục giao thông này đã hình thành hệ thống các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đóng vai trò là động lực kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sự phát triển cả về kinh tế lẫn đô thị của TPHCM đã kéo dài tới tận Nhà Bè, Cần Giờ ở phía Nam và Củ Chi ở phía Bắc và rộng lên tới tiếp giáp với Bình Dương… TPHCM vừa khởi công xây dựng Bến xe miền Đông mới với một phần đất của TPHCM và một phần đất của Bình Dương làm đầu mối giao thông là một minh chứng. Huyện Thủ Đức xưa với đa phần là đất nông nghiệp, kênh, rạch nhiều nay đã trở thành một trong những khu vực phát triển mạnh nhất TP với nhiều khu dân cư mới, hiện đại.

Ở khu vực nội thành, TPHCM gần như thay đổi từng ngày. Sự lột xác của các tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé… dễ gây sốc cho những người trước đây đã từng thấy các tuyến kênh này ô nhiễm tới mức nào. Hiện nay, dưới nước, cá đã bắt đầu sinh sôi nảy nở. Trên bờ, nhà ổ chuột đã được xóa bỏ, thay vào đó là những tuyến đường thẳng tắp với nhiều ngôi nhà hiện đại mọc lên. Quận 4, một thời là vùng “đất dữ” nay trở thành một trong những nơi có cuộc sống yên ả của TP. Đến các khu du lịch Suối Tiên, Văn Thánh, Đầm Sen…, nhiều người sẽ không thể hình dung trước kia ở đó nhếch nhác, cỏ mục um tùm ra sao.    

 Giải quyết thách thức

Cùng với sự phát triển, TPHCM đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển đô thị. Đó là ngập nước, kẹt xe và ô nhiễm môi trường. Điều đáng ghi nhận là TPHCM đã và đang nỗ lực để giải quyết chúng. Đại hội Đảng bộ TPHCM từ 3 nhiệm kỳ trước đã bắt đầu đưa các chương trình chống ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường vào chương trình trọng điểm mà TP phải tập trung nguồn lực để xử lý. Trong nhiệm kỳ này, TPHCM đưa thêm chương trình chỉnh trang đô thị vào nhóm các chương trình trọng điểm để qua đó thu hút thêm nguồn lực cho việc giải quyết các thách thức nêu trên. 

Để giải quyết ngập nước do triều cường, đầu năm 2016 TPHCM đã khởi công xây dựng đê ngăn triều trị giá gần 10.000 tỷ đồng ở khu vực Nhà Bè, quận 7. Trước đó, TPHCM đã tiến hành gia cố hệ thống bờ bao ngăn triều dọc sông Sài Gòn, lắp đặt các phay ngăn triều ở nhiều cửa sông, rạch… Đặc biệt với dự án cải thiện môi trường, chống ngập cho các lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm…, TPHCM đã thay thế hàng ngàn cống thoát nước cũ kỹ ở các lưu vực này bằng cống mới với tiết diện lớn hơn và tiến hành tách nước thải ra khỏi nước mưa. Đưa nước thải đi xử lý trước khi xả ra kênh, rạch. Việc này không những góp phần chống ngập mà còn góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường cho TP. Để chống kẹt xe, TPHCM đang hoàn thiện những đoạn cuối cùng của tuyến Vành đai 2 để có thể điều chỉnh giao thông, đưa các phương tiện vận tải, đặc biệt các phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông bên ngoài nội đô TP. Như thế, nội đô TP sẽ được giảm tải và hạn chế được tai nạn giao thông. Hai điểm nóng về ùn tắc giao thông: sân bay Tân Sơn Nhất và khu cảng Cát Lái đang được TPHCM gấp rút xử lý. Dự án xây dựng cầu vượt nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm - Phạm Văn Đồng - Nguyễn Oanh… giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đang được triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành trước kế hoạch 3 tháng. Nút giao thông Mỹ Thủy - giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực cảng Cát Lái cũng đang vào giai đoạn thi công cuối cùng. Một hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như metro, BRT đang được TPHCM đầu tư mạnh. Với hệ thống xe buýt hiện hữu, TPHCM đang nghiên cứu làm làn đường ưu tiên trên một số tuyến đường huyết mạch như Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu. 

Quan trọng hơn nữa, TPHCM đã nhìn thấy những bất cập trong việc phát triển đô thị “như vết dầu loang” hiện nay. Kiểu phát triển này là nguyên nhân chính gây ra nạn ngập nước, kẹt xe và ô nhiễm môi trường. Do vậy, TPHCM đang có kế hoạch kêu gọi đầu tư, xây dựng các đô thị vệ tinh với đầy đủ các chức năng tương đương với đô thị hiện hữu để người dân có thể sinh sống và làm việc tại đó. Ngoài ra, TPHCM cũng chú trọng kết nối với các địa phương khác trong vùng TPHCM để cùng phát triển, cùng giải quyết các tồn tại của chính mình.

Tin cùng chuyên mục