Hiệp ước mới hay thách thức mới?

Từ chối phê chuẩn là muốn tăng cường vũ khí?
Hiệp ước mới hay thách thức mới?

Tính đến ngày 3-12, diễn biến trên chính trường nước Mỹ vẫn chưa cho thấy tia hy vọng nào Quốc hội nước này sẽ thông qua Hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START mới), đã được Tổng thống hai nước Nga – Mỹ ký hồi tháng 4 năm nay, theo đó mỗi bên phải cắt giảm khoảng 30% kho vũ khí hạt nhân chiến lược trong 7 năm tới.

Từ chối phê chuẩn là muốn tăng cường vũ khí?

Việc Hiệp ước START mới có nguy cơ thất bại đang làm dấy lên mối lo ngại về sự khởi đầu của một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới. Thủ tướng Nga Vladimir Putin ngày 1-12 tuyên bố, nếu Quốc hội Mỹ không phê chuẩn, Nga sẽ buộc phải tăng cường kho vũ khí của mình thay vì cắt giảm nó như trong thỏa thuận. Nhà lãnh đạo Nga đánh giá START mới đáp ứng lợi ích của hai nước cũng như góp phần bảo đảm an ninh quốc tế. Theo các nhà phân tích, việc từ chối phê chuẩn hiệp ước, trên thực tế, được hiểu theo nghĩa muốn tăng cường kho vũ khí, vì vậy tuyên bố của ông Putin phù hợp với suy luận trên.

Nút thắt cuối cùng mang tính quyết định cho Hiệp ước START mới là yêu sách của Nga đòi Mỹ phải gắn vấn đề phòng thủ tên lửa vào hiệp ước mới này. Được triển khai dưới thời Tổng thống G.W.Bush, hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa được Mỹ thiết lập tại Đông Âu bị Nga cho là hành động khiêu khích và đe dọa nghiêm trọng tới an ninh nước Nga. Trong khi Washington một mực cho đó là để phòng thủ các cuộc tấn công của các nước thù địch khác. Dù Tổng thống Obama có thay đổi chút ít kế hoạch trên nhưng Nga vẫn cho rằng đó là bình mới rượu cũ.

Và để Mátxcơva đặt bút ký vào bản Hiệp ước START mới, Mỹ phải gắn kết vấn đề lá chắn phòng thủ tên lửa vào. Vào thời điểm tháng 4 năm nay Mỹ đang rất cần sự ủng hộ của Nga trước thềm Hội nghị cắt giảm vũ khí hạt nhân. Nhưng quan trọng nhất, Mỹ đang lên kế hoạch giảm số lượng vũ khí hạt nhân nhưng tăng cường chất lượng của kho vũ khí này. Vì vậy việc ký kết Hiệp ước START mới đối với Mỹ không quá khó khăn.

Nhưng giờ đây, khi đảng Cộng hòa (Mỹ) tìm cách phong tỏa hiệp ước, Nga có quyền lo ngại bởi nó liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu mà Nga cho rằng đang nhắm vào lãnh thổ của mình. Bên cạnh đó, hiệp ước được đánh giá như cơ sở tăng cường tin cậy giữa hai cường quốc hạt nhân sở hữu đến 90% vũ khí hạt nhân toàn thế giới. Nếu Mỹ từ chối START, nghĩa là đã giảm mức độ lòng tin đối với Nga, dẫn đến những thách thức mới trong quan hệ hai nước sau này.

Về nội bộ nước Mỹ, đảng Dân chủ ủng hộ hiệp ước cho rằng hiệp ước là cơ sở để Mỹ giám sát kho hạt nhân của Nga. Nếu không có hiệp ước, Mỹ không biết Nga có bao nhiêu vũ khí hạt nhân để đối phó.

Giải giáp hạt nhân toàn cầu gặp trở ngại

Nhưng có lẽ quan trọng nhất vẫn là nỗ lực giải giáp vũ khí hạt nhân toàn cầu đang bị đe dọa bởi hai cường quốc hạt nhân không làm gương trong vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân. Đại diện Ai Cập tại Liên hiệp quốc, ông Hisham Badr, từng khẳng định Trung Đông đang có cảm giác bị lợi dụng trong Hiệp ước NPT do các cường quốc hạt nhân trên thế giới không giữ lời hứa giải giới. Nghĩa là các nước lớn kêu gọi hay gây áp lực buộc các nước nhỏ giảm vũ khí hạt nhân hay không được phát triển vũ khí hạt nhân trong khi mình lại xây dựng kho vũ khí hạt nhân khổng lồ.

Trong bối cảnh Mỹ tìm cách trì hoãn việc thông qua START mới, Mátxcơva đã có những động thái cứng rắn. Tư lệnh binh chủng tên lửa chiến lược Nga (RVSN), Trung tướng Sergey Karakaev, ngày 1-12 khẳng định Nga sẽ chế tạo các giàn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới để trang bị cho RVSN. Tướng Karakaev đánh giá binh chủng RVSN hiện ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao và có đủ khả năng loại trừ mọi nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, kể cả mọi cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân.

Một cuộc chạy đua vũ trang mới có thể bắt đầu trong thập niên tới nếu Hiệp ước START mới không được ký kết và Nga, các nước phương Tây không thống nhất về lá chắn phòng thủ tên lửa mới cho châu Âu.

H.Chi

>> Bảng tương quan vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ

Tin cùng chuyên mục