Các nước gia tăng áp lực lên CHDCND Triều Tiên

Nỗ lực ngăn kế hoạch phóng vệ tinh
Các nước gia tăng áp lực lên CHDCND Triều Tiên

Thông báo về kế hoạch phóng vệ tinh bằng tên lửa từ ngày 12 đến 16-4 để kỷ niệm 100 năm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành của CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) vào tuần trước lập tức gặp phải sự phản đối gay gắt. Ngày 21-3, bán đảo Triều Tiên nóng lên với những động thái mới đi kèm với những cảnh báo chiến tranh.

Một tên lửa giả (giữa) mô phỏng tên lửa Scud-B của Triều Tiên được trưng bày tại Bảo tàng Ký ức chiến tranh Triều Tiên ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Ảnh: AP

Một tên lửa giả (giữa) mô phỏng tên lửa Scud-B của Triều Tiên được trưng bày tại Bảo tàng Ký ức chiến tranh Triều Tiên ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Ảnh: AP

Nỗ lực ngăn kế hoạch phóng vệ tinh

Ngày 21-3, Australia và Philippines đã gia nhập nhóm nước lên án kế hoạch phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên và yêu cầu Bình Nhưỡng cân nhắc lại hành động này. Cùng ngày, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Yu Moo-ik tuyên bố rằng Seoul sẽ xử lý cứng rắn kế hoạch phóng tên lửa của Bình Nhưỡng thông qua sự phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.

Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak kêu gọi Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Nga cùng với Hàn Quốc gây sức ép với Triều Tiên để nước này từ bỏ kế hoạch trên. Theo Nhật báo JoongAng, Tổng thống Lee cho biết vấn đề trên sẽ được thảo luận trong các cuộc gặp song phương với lãnh đạo 4 nước bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân sắp diễn ra tại Seoul từ ngày 26 đến 28-3 có sự góp mặt của hơn 53 nhà lãnh đạo đến từ các quốc gia và tổ chức trên thế giới.

Theo Tổng thống Lee, “Dù Triều Tiên có viện lý do gì đi nữa, vụ phóng tên lửa này rõ ràng vi phạm Nghị quyết 1874 của HĐBA LHQ, vi phạm cam kết của Triều Tiên với tất cả các nước trên thế giới”. Nghị quyết 1874 được thông qua sau vụ thử hạt nhân thứ 2 của Triều Tiên năm 2009, cấm Bình Nhưỡng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo để tiến hành các vụ phóng tên lửa, một hành động mà Mỹ và các đồng minh coi là cái cớ để thử tên lửa tầm xa.

Mặc dù Tổng thống Lee Myung-bak không nói rõ liệu Hàn Quốc có đưa vấn đề này lên HĐBA LHQ hay không nếu Triều Tiên vẫn tiến hành kế hoạch phóng tên lửa, nhưng nguồn tin từ báo Korea Herald ngày 20-3 cho biết, Hàn Quốc đang xem xét tất cả các “giải pháp” để ngăn chặn Triều Tiên phóng vệ tinh. Trong khi đó, nhiều nguồn tin cho biết Mỹ cũng đang cân nhắc biện pháp cấm vận tài chính khác đối với Triều Tiên đồng thời dọa hủy kế hoạch viện trợ 240.000 tấn lương thực cho Triều Tiên theo thỏa thuận để nước này đóng băng chương trình hạt nhân và hoãn các vụ thử tên lửa.

Gia tăng căng thẳng

Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới thăm khu phi quân sự nằm trên biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc vào ngày 25-3 tới trước khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân ở Seoul. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng sẽ là một động thái thể hiện sự ủng hộ của Mỹ với Hàn Quốc. Ông Obama, người hy vọng sẽ tăng áp lực để Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình, sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trước cuộc họp thượng đỉnh khai mạc vào ngày 26-3.

Trong khi đó Triều Tiên vẫn khẳng định vệ tinh họ sắp phóng lên quỹ đạo không phải là tên lửa mà chỉ phục vụ mục đích hòa bình. Trước động thái của Mỹ và Hàn Quốc, ngày 21-3, Bình Nhưỡng tuyên bố bất cứ mưu toan nào của Hàn Quốc nhằm giải quyết chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng tại cuộc họp này sẽ được coi như một lời tuyên chiến. Hãng thông tấn chính thức KCNA nói rõ: “Nếu có bất cứ hành động khiêu khích nào, chẳng hạn như đưa ra một tuyên bố liên quan tới vấn đề hạt nhân của Triều Tiên tại hội nghị ở Seoul, thì đó sẽ là sự sỉ nhục khủng khiếp đối với các nhà lãnh đạo đã khuất của Bình Nhưỡng, mà mong muốn cuối cùng của họ là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.

Bình Nhưỡng chỉ trích việc Seoul quyết định tổ chức hội nghị cấp cao về an ninh hạt nhân quốc tế, coi sự kiện này là “trò trẻ con” và là hành động khiêu khích nguy hiểm. Trước đó Hàn Quốc cho biết, chương trình nghị sự của hội nghị sẽ tập trung bàn về cách thức bảo vệ các nhiên liệu hạt nhân trên thế giới và ngăn chặn hoạt động khủng bố hạt nhân.

Ngày 21-3, giới chức Hàn Quốc cho biết sẽ thay đổi lộ trình một số chuyến bay và tuyến vận tải biển để tránh cho tàu và máy bay của họ khỏi gặp nguy hiểm trong thời gian CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa.

Trước đó, CHDCND Triều Tiên đã thông báo với các cơ quan hàng không và hàng hải về đường bay của tên lửa. Theo đó tầng 1 của tên lửa sẽ rơi cách ngoài khơi bờ biển phía Tây Hàn Quốc khoảng 140km, thuộc vùng biển quốc tế giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Tầng 2 dự kiến rơi cách Phillipines khoảng 190km về phía Đông.

Hạnh Chi (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục