Khó xảy ra chiến tranh kinh tế Trung - Nhật

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku mặc dù đã giảm nhiệt đôi chút nhưng vấn đề chưa được giải quyết tận gốc, nên căng thẳng có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku mặc dù đã giảm nhiệt đôi chút nhưng vấn đề chưa được giải quyết tận gốc, nên căng thẳng có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Ngay từ bây giờ, khi chưa xảy ra chiến tranh kinh tế nhưng những thiệt hại kinh tế của hai bên đã xuất hiện thông qua việc hàng loạt các tour du lịch qua lại giữa hai nước bị hủy bỏ cũng như nhiều hoạt động thương mại, đầu tư phải tạm gác lại, nhiều nhà máy của Nhật Bản tại Trung Quốc đã phải tạm đóng cửa. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cùng nhiều nhà lãnh đạo các nước gần đây cũng bày tỏ lo ngại rằng căng thẳng trong quan hệ Trung - Nhật có thể ảnh hưởng xấu đến kinh tế hai nước và cả kinh tế toàn cầu.

Các nhà kinh tế cho rằng hai nền kinh tế lớn thứ nhì và thứ ba thế giới này rất phụ thuộc vào nhau. Kinh tế Nhật Bản phụ thuộc vào Trung Quốc khá lớn. Theo AFP, Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Nhật Bản, trong khi Tokyo là đối tác thương mại đứng hàng thứ ba hoặc thứ tư của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng là chủ nợ lớn nhất của Nhật Bản khi nắm giữ 230 tỷ USD trái phiếu của Tokyo. Theo các chuyên gia kinh tế, khoản tiền nợ này có thể khiến Nhật Bản gặp khủng hoảng tài chính. Ngoài ra, trong vô số những mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Nhật Bản, đất hiếm chiếm vai trò quan trọng đối với Nhật Bản vì nó được sử dụng trong nhiều ngành công nghệ cao. Kim ngạch thương mại Nhật Bản với Trung Quốc năm 2011 đạt 354 tỷ USD. Hầu hết các ngành công nghiệp hàng đầu của Nhật Bản đều xem thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, trong đó đáng chú ý có các tập đoàn Nissan, Honda và Panasonic. Đó là lý do vì sao Bộ Thương mại Trung Quốc công khai lên tiếng về khả năng chiến tranh kinh tế với Nhật Bản.

Tuy vậy, nếu xảy ra chiến tranh kinh tế Nhật-Trung, không hẳn Trung Quốc sẽ bình yên. Hãng tin AFP dẫn lời các chuyên gia kinh tế đều nhấn mạnh rằng kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ bị thiệt hại nếu Bắc Kinh áp dụng các biện pháp trừng phạt Tokyo. Ông Jeremy Stevens, thuộc tập đoàn Ngân hàng Africa Standard ở Bắc Kinh, giải thích: “Trung Quốc và Nhật Bản phụ thuộc vào nhau” và sự phụ thuộc này không giới hạn ở chỗ so sánh quy mô hai nền kinh tế, vị trí của nước này là đối tác đứng hàng thứ bao nhiêu trong quan hệ thương mại của nước kia. Kinh tế gia Ivan Tselichtchev, thuộc Đại học quản trị Niigata, Nhật Bản, nhấn mạnh: “Làm yếu Nhật Bản về kinh tế sẽ đi ngược lại các lợi ích kinh tế của chính Trung Quốc”. Còn việc Trung Quốc nắm số trái phiếu 230 tỷ USD của Nhật Bản, nếu họ bán tống bán tháo số cổ phiếu này sẽ làm cho đồng yen mất giá, điều mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang mong đợi.

Ngay cả nước Mỹ, con nợ lớn nhất về cổ phiếu của Trung Quốc gần đây tuyên bố họ không xem đây là vấn đề lớn với kinh tế Mỹ. Và nếu các tập đoàn Nhật Bản đóng cửa hoặc chuyển nhà máy sang nước khác sẽ dẫn đến việc hàng loạt công nhân Trung Quốc thất nghiệp - điều đáng ngại nhất trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Theo chuyên gia Tselichtchev, các cáo buộc, “lên gân” nhau hiện nay giữa hai bên chỉ dừng lại ở mức khẩu chiến và chủ yếu là gây sức ép về mặt tinh thần. Nếu xảy ra chiến tranh kinh tế, cả hai bên đều bị thiệt hại

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục