Mỹ có thoát hiểm, các nước đang phát triển cũng bị tổn thương

Phe Cộng hòa nhượng bộ nhưng bất thành
Mỹ có thoát hiểm, các nước đang phát triển cũng bị tổn thương

Ngày 10-10 (giờ địa phương), Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) nhóm họp tại thủ đô Washington (Mỹ). Theo kế hoạch, giới chức tài chính các nước sẽ thảo luận về những phương án kiểm soát tác động từ việc Chính phủ Mỹ đóng cửa cũng như những hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu nếu Mỹ bị vỡ nợ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Hạ viện John Boehner vẫn chưa “nhìn về một hướng”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Hạ viện John Boehner vẫn chưa “nhìn về một hướng”.

Phe Cộng hòa nhượng bộ nhưng bất thành

Cuộc họp của G-20 diễn ra sau cuộc gặp kéo dài 90 phút giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Hạ viện John Boehner. Cuộc gặp đã thất bại khi không đạt được thỏa thuận nào để chấm dứt cuộc khủng hoảng ngân sách, mặc dù trước đó Nhà Trắng đã hoan nghênh đề xuất mới của phe Cộng hòa, theo đó tăng mức vay nợ cho chính phủ liên bang đến ngày 22-11.

Đề nghị nâng trần nợ ngắn hạn được các nghị sĩ của phe Cộng hòa mô tả là có thể giúp tránh cho nước Mỹ lần đầu tiên rơi vào kịch bản vỡ nợ và được giới quan sát sở tại đánh giá là một động thái có phần “nhượng bộ” của phe Cộng hòa nhằm tháo gỡ bế tắc về vấn đề chi tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, Tổng thống Obama vẫn giữ lập trường chấp nhận đề xuất trên nếu không đặt điều kiện đi kèm. Reuters cho biết, hai bên sẽ tiếp tục thảo luận trong nội bộ mỗi đảng.

Trong lúc này, tỷ lệ tín nhiệm của người dân Mỹ đối với chính quyền của Tổng thống Obama đã xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 40 năm qua. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến của Viện Gallup mới công bố ngày 10-10, cho thấy chỉ có 18% người dân Mỹ hài lòng với cách điều hành đất nước của chính phủ.

Thế giới lại lo lắng

Cuộc họp lần này của các bộ trưởng tài chính G-20 diễn ra vào thời điểm thị trường tài chính toàn cầu đang theo dõi sát sao các động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên quan tới quyết định ngừng các gói cứu trợ thông qua chương trình mua lại trái phiếu dài hạn. Nhiều nước lo ngại kế hoạch trên của FED nếu được thực hiện sẽ làm thu hẹp dòng vốn đầu tư vào các nước đang phát triển, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của các nền kinh tế mới nổi và thị trường tài chính toàn cầu.

Trong khi đó, cuộc chiến trần nợ công của nước Mỹ cũng làm dấy lên quan ngại cho nhiều tổ chức tài chính thế giới như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Lãnh đạo IMF và WB đã lên tiếng kêu gọi Washington cần nhanh chóng tháo gỡ những bất đồng chính trị để đạt được một thỏa thuận về vấn đề ngân sách và trần nợ công. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde, nhấn mạnh nếu Mỹ thất bại trong việc nâng trần nợ công thì không chỉ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế nước này mà còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu “theo hiệu ứng đập tràn”. Còn Chủ tịch WB Jim Yong Kim nhận định: “Ngay cả khi Mỹ thoát hiểm vỡ nợ cũng tác động thật sự tới các thị trường đang phát triển bởi đây là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh hiện nay”. Theo ông Jim Yong Kim, hiện giá trái phiếu chính phủ tăng và thị trường chứng khoán giảm đang tác động trực tiếp tới xuất khẩu của Mỹ. Trong khi đó, 50% xuất khẩu của nước này là sang các thị trường đang phát triển. Ông Jim Yong Kim cho biết WB vẫn đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến về khủng hoảng nợ công tại Mỹ cũng như hối thúc các nhà hoạch định chính sách nhanh chóng hành động để tìm ra giải pháp hiệu quả, ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực lan rộng ra các nền kinh tế toàn cầu.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng cảnh báo việc Quốc hội Mỹ không nâng mức trần nợ công trước ngày 17-10 sẽ không chỉ đẩy nước Mỹ đối mặt với tình trạng vỡ nợ mà còn khiến các quốc gia thuộc OECD đối mặt với nguy cơ trở lại suy thoái, trong khi tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục