Chia rẽ vì thái độ đối với Iran

Chưa bao giờ Thượng viện Mỹ lại gặp khó khăn với việc phê chuẩn Bộ trưởng Quốc phòng như lần này. Đã qua hai lần điều trần nhưng ông Chuck Hagel vẫn chưa được Thượng viện chấp nhận và phải đợi đến cuối tháng 2-2013.

Chưa bao giờ Thượng viện Mỹ lại gặp khó khăn với việc phê chuẩn Bộ trưởng Quốc phòng như lần này. Đã qua hai lần điều trần nhưng ông Chuck Hagel vẫn chưa được Thượng viện chấp nhận và phải đợi đến cuối tháng 2-2013.

Thủ tục phê chuẩn cũng đặt ra một tiêu chuẩn mới, đó là buộc ông Hagel phải có ít nhất 60/100 phiếu thuận tại Thượng viện, điều này Nhà Trắng kêu ca rằng không có trong Hiến pháp Mỹ. Trong cuộc bỏ phiếu ngày 14-2, cựu Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Hagel chỉ đạt 58 phiếu thuận. Vấn đề nổi cộm nhất mà các đồng nghiệp đảng Cộng hòa muốn Nhà Trắng làm rõ về ông Hagel, chính là đối sách của ông đối với Iran. Nếu căn cứ trên các tuyên bố của ông trước đây thì ông Hagel được xem là người mềm mỏng với Iran. Ông từng lên tiếng chống lại lệnh cấm vận Iran cách đây 10 năm và nhiều lần kêu gọi dùng giải pháp ngoại giao thay cho quân sự với Iran. Ông cũng phản đối dùng lực lượng Mỹ chiếm đóng nước ngoài, kể cả tại Iraq.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain của bang Arizona đã nhiều lần lên án đồng nghiệp cũ của ông là không đủ cứng rắn với Iran và nếu được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, ông Hagel có thể bất lực nhìn nước cộng hòa Hồi giáo phát triển kho vũ khí nguyên tử. Ông McCain đặt vấn đề là liệu Mỹ có thể ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân hay không, khi ông Hagel từng phản đối các biện pháp trừng phạt kinh tế và can thiệp quân sự chống Tehran. Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa khác còn cho rằng thông qua Hội đồng Mỹ - Iran, ông Hagel từng là người vận động Mỹ bãi bỏ cấm vận Iran.

Với Tổng thống Mỹ Barack Obama, việc bổ nhiệm người đứng đầu ngành ngoại giao là ông John Kerry cùng với đề cử ông chủ Lầu Năm góc Hagel có nghĩa Nhà Trắng vẫn ưu tiên cho ngoại giao hơn quân sự với Iran, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế Mỹ chưa thật sự hồi phục. Ngay cả trong Hội nghị an ninh tại Munich (Đức) vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Iran đối thoại trực tiếp với Mỹ, tuy vẫn đe dọa Iran nếu họ không từ bỏ chương trình hạt nhân.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, cũng giống như nhiều chính phủ tiền nhiệm, chính phủ của ông Obama cũng vẽ ra đường ranh giới đỏ và nếu Iran vượt qua đường ranh giới đó, họ sẽ hành động. Hussein Ibish, một thành viên nhóm nghiên cứu Mỹ về Palestine nói trên tờ The Ticket rằng: “Đội ngũ của ông Obama là khuôn mặt cười nhưng được vẽ trên hầm trú bom”. Tại Nhà Trắng, các quan chức Mỹ cho biết Obama đã nhiều lần nói ông sẽ không cảm thấy e ngại nếu sử dụng vũ lực với Iran mặc dù ông muốn sử dụng hết các giải pháp ngoại giao trước tiên.

Những chi tiết liên quan đến Iran trong bản lý lịch đã làm mất điểm của ông Hagel trước Thượng viện cũng cho thấy thái độ diều hâu đã ăn sâu vào ý thức của họ. Nếu Thượng viện Mỹ muốn có một ông chủ Lầu Năm góc diều hâu hơn thì đạt được lợi ích trước mắt là giúp các ông chủ kho vũ khí của Mỹ giải quyết “hàng tồn kho”. Còn nếu nói rằng muốn duy trì hòa bình ổn định ở khu vực nào đó bằng vũ lực thì nghe không có vẻ thuyết phục, bởi cuộc chiến Mỹ tại Iraq và Afghanistan hiện vẫn còn để lại nhiều hậu quả nặng nề. Rõ ràng nhất là tình trạng bất ổn và bạo động vẫn tràn lan cho tới nay, và người dân các nước từng được Mỹ tuyên bố bảo vệ họ đang ngày đêm gánh chịu cảnh nhà tan cửa nát, cuộc sống chưa thấy tương lai. 

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục