Thân nhân tức giận, truyền thông chỉ trích

Thân nhân tức giận, truyền thông chỉ trích

Vụ máy bay Malaysia Airlines chở 239 người mất tích

Những lời cuối cùng từ chuyến bay

“Được rồi, chúc ngủ ngon” là những lời sau cùng từ chuyến bay MH370 bị mất tích. Đây là tiết lộ mới nhất từ cuộc họp giữa Chính phủ Malaysia và gần 400 người thân các nạn nhân trên chuyến bay vào sáng ngày 12-3 được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Các quan chức Hàng không Malaysia nói rằng, những lời sau cùng của chuyến bay MH370 được gửi về sau khi Kiểm soát không lưu Malaysia báo với buồng lái rằng máy bay chuẩn bị đi vào vùng trời Việt Nam. Quan chức Malaysia trên cũng cho rằng việc máy bay biến mất khỏi màn hình radar cũng có thể là hậu quả của một vụ cướp máy bay và những tên không tặc đã tiến hành tắt tín hiệu định vị của máy bay. Trong trường hợp đó, phi công vẫn còn có thể gửi về những mã cầu cứu bảo mật.

MH370 gửi hai gói dữ liệu động cơ trước khi mất tích

Ngày 12-3, New Scientist dẫn thông báo thứ 11 với truyền thông của Malaysia Airlines (MAS) cho hay “hệ thống truyền tải dữ liệu tự động trên phi cơ Boeing 777-200 của Malaysia Airlines đã kịp truyền hai gói dữ liệu kỹ thuật về một trung tâm giám sát động cơ trước khi biến mất khỏi màn hình theo dõi”.

Rolls Royce, nhà sản xuất động cơ Trent 800 cho chiếc Boeing 777 mất tích, đã thông báo nhận được hai báo cáo dữ liệu từ chuyến bay MH370 tại Trung tâm Giám sát sức khỏe động cơ toàn cầu ở thành phố Derby, Anh. Trung tâm này là nơi tiếp nhận báo cáo từ những động cơ của hãng đang được sử dụng theo thời gian thực.

Hai báo cáo mà Rolls Royce nhận được gồm một báo cáo được gửi lúc chuyến bay MH370 vừa cất cánh khỏi đường băng ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur (KLIA). Báo cáo còn lại được gửi lúc máy bay đang tăng độ cao để bay tới Bắc Kinh. Các dữ liệu này có thể cung cấp cho MAS một số manh mối hữu ích về tình trạng chiếc Boeing 777-200 trước khi biến mất.

Theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), những báo cáo như vậy thường được giữ bí mật cho đến khi các nhà điều tra hàng không cần sử dụng.

Hơn 400 thân nhân của các nạn nhân muốn chính quyền Malaysia trả lời những thắc mắc của họ.

Hơn 400 thân nhân của các nạn nhân muốn chính quyền Malaysia trả lời những thắc mắc của họ.

Điện thoại di động của hành khách vẫn đổ chuông?

Tại cuộc họp báo vào sáng nay 12-3 ở Bắc Kinh về vụ máy bay Malaysia bị mất tích, gia đình các nạn nhân cũng bày tỏ sự thất vọng cũng như giận dữ đối với nỗ lực cứu hộ “chậm trễ và không minh bạch” của chính phủ Malaysia và đòi đại sứ Malaysia phải lên tiếng xin lỗi.

Nhiều gia đình nạn nhân cho rằng đang có thương lượng bí mật giữa giới chức trách và bọn cướp máy bay. Nhiều gia đình các hành khách trên máy bay đã đưa ra nghi vấn khi cơ phó trên máy bay từng để hành khách vào buồng lái trong một sự việc năm 2011. Nghi ngờ của họ được “củng cố” bằng tuyên bố chính thức trước đó của Malaysia, bày tỏ hy vọng hành khách trên máy bay vẫn còn sống. Gia đình các hành khách thậm chí còn trao số điện thoại di động của một hành khách vẫn đổ chuông đến tận ngày hôm nay cho ông Datuk Iskandar Sarudin, đại sứ Malaysia tại Bắc Kinh.

Những người thân của hành khách trên máy bay muốn có câu trả lời rõ ràng xem máy bay đã hạ cánh chưa hoặc liệu hành khách trên máy bay có chuyển cuộc gọi từ số di động của họ sang một số khác hay không.

Làn sóng tức giận trên truyền thông

Trong khi đó, việc báo giới Malaysia đưa tin về việc phát hiện tín hiệu cuối cùng của MH370 tại eo biển Malacca sau đó lại phủ nhận đang dấy lên làn sóng tức giận trên truyền thông quốc tế.

Theo tờ The New York Times, các nhà chức trách Malaysia quả quyết rằng họ đang làm hết sức mình để tìm kiếm thông tin chiếc máy bay Boeing 777 mất tích hôm 8-3 của hãng hàng không Malaysia Airlines. Nhưng trên thực tế, các cơ quan chức năng lại cung cấp thông tin mơ hồ, không đầy đủ và đôi khi không chính xác về chuyến bay bí ẩn đó.

Ngày 11-3, sau 4 ngày tìm kiếm chiếc máy bay mất tích này, tờ Berita Harian của Malaysia khẳng định, Tư lệnh không quân hoàng gia Malaysia (RMAF), tướng Tan Sri Rodzali Daud, đã thông báo về việc căn cứ không quân Butterworth nhận được tín hiệu cho thấy chiếc Boeing 777 quay ngược về eo biển Malacca khi đang trong hành trình trên Biển Đông hôm 8-3.

Tờ Berita Harian trích lời ông Tan Sri Rodzali Daud cho biết: “Lần cuối cùng một tháp kiểm soát không lưu theo dõi được tín hiệu của máy bay này khi nó ở gần Pulau Perak trên eo biển Malacca lúc 14h40 ngày 8-3. Sau đó, tín hiệu hoàn toàn biến mất”.

Tờ New York Times cho biết, “tuyên bố của ông Rodzali” khiến các chuyên gia hàng không và giới chức Trung Quốc sửng sốt. Trước đó, họ nhiều lần nhận nói rằng các nhà chức trách Malaysia đã mất liên lạc với MH370 hơn một giờ trước khi bay qua Vịnh Thái Lan.

Truyền thông xã hội Trung Quốc cũng tức giận, bởi rất nhiều hành khách trong chuyến bay này là người Trung Quốc. “Malaysia, tại sao họ lại giấu thông tin quan trọng như vậy cho tới tận bây giờ?”, một bình luận đăng trên Sina.com Weibo cho biết.

Tuy nhiên, ngày 12-3, tờ Malaysia Insider lại dẫn lời ông Tan Sri Rodzali Daud lại phủ nhận thông tin đưa ra trước đó, mà nói rằng: “RMAF không loại trừ khả năng chiếc máy bay đã quay lại trước khi biến mất khỏi màn hình radar. Điều này dẫn đến công tác tìm kiếm phải mở rộng ra khỏi lộ trình chuyến bay”. Tờ Flightglobal nhận định, dường như chính phủ Malaysia thoái thác và lúng túng trong vụ việc này.

Kể từ khi bắt đầu được triển khai đến nay, chiến dịch tìm kiếm đã được mở rộng sang bờ biển phía tây Malaysia, thay vì chỉ tập trung ở phía đông như ban đầu. Sự mở rộng này diễn ra sau khi ông Rodzali hồi cuối tuần trước cho biết dữ liệu radar cho thấy “có khả năng” phi công đã thay đổi đường bay một cách khó hiểu.

Ben Burrows, phóng viên tờ Mirror của Anh nhận định, có quá nhiều bí ẩn đằng sau sự mất tích của chiếc máy bay này, và “bí ẩn ngày càng bí ẩn hơn” khi gia đình các hành khách trên chuyến bay này gọi điện thoại di động cho người thân mất tích của họ và chuông vẫn reo.

Tìm thấy phao cứu sinh nghi của máy bay MH370?

Một nhóm các ngư dân Malaysia vừa cho biết đã tìm thấy chiếc phao cứu sinh bị rách nát tả tơi và lập tức báo cáo cho Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA) tại Malacca.

Theo báo New Straits Times, chiếc phao cứu sinh (ảnh) có in dòng chữ “Boarding” (lên máy bay) nằm cách thị trấn Cảng Dickson (Malaysia) khoảng 19 km, tức cách thủ đô Kualar Lumpur khoảng 90 km. Thị trấn này nằm bên bờ eo biển Malacca.

       Hạnh Xuân

>> Việt Nam thu gọn hoạt động tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích 

>> Mở rộng phạm vi tìm kiếm trên biển và cả trên đất liền
 

Tin cùng chuyên mục