Phe chống đối Ukraine thừa nhận sở hữu tên lửa Buk

Cáo buộc Ukraine khiêu khích tên lửa Buk
Phe chống đối Ukraine thừa nhận sở hữu tên lửa Buk

Trả lời phỏng vấn Reuters ngày 24-7, ông Alexander Khodakovsky, Tư lệnh Tiểu đoàn Vostok ở Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng, lần đầu tiên thừa nhận phiến quân ly khai sở hữu tên lửa Buk.

Người dân Hà Lan tưởng niệm các nạn nhân trong ngày đưa các thi thể về nước.

Người dân Hà Lan tưởng niệm các nạn nhân trong ngày đưa các thi thể về nước.

Cáo buộc Ukraine khiêu khích tên lửa Buk

Ông Alexander Khodakovsky nói tên lửa Buk do Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng cung cấp, đồng thời cáo buộc phía Ukraine cố tình khiêu khích khiến lực lượng chống đối sử dụng tên lửa Buk. Theo ông Khodakovsky, trong ngày 17-7, Ukraine liên tục mở cuộc không kích vào khu vực có máy bay dân sự đi qua để đảm bảo rằng phe chống đối sẽ dùng tên lửa Buk bắn trả.

Ông Khodakovsky xác nhận việc phe ly khai đã cướp được ba hệ thống Buk của quân đội Ukraine gần sân bay Donetsk nhưng chúng đều bị hỏng. Tuy nhiên, các hãng tin Nga khẳng định ông Khodakovsky đã bác bỏ nội dung trên. Kênh truyền hình Life News của Nga dẫn lời ông Khodakovsky tuyên bố đã bị trích dẫn sai trong cuộc phỏng vấn với Reuters.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Đức và Australia đã bay đến Kiev để thảo luận với Ukraine về việc thực hiện bản nghị quyết được HĐBA LHQ thông qua vào đầu tuần nhằm giữ nguyên hiện trường vụ tai nạn. Hiện có nhiều nghi ngại về khả năng hiện trường bị xáo trộn sẽ gây bất lợi cho công tác điều tra. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Liow Tiong Lai cho biết các chuyên gia bắt đầu xem xét phân tích hộp đen máy bay MH17 sau khi nhận được từ nhóm điều tra quốc tế do Hà Lan đứng đầu.

Theo CNN, trong ngày 24-7, Hà Lan đã nhận thêm 70 thi thể nạn nhân. Về phía Malayisa, Thủ tướng Najib khẳng định việc đưa các thi thể nạn nhân về nước sẽ mất khoảng vài tuần.

Nga trấn an giới đầu tư

Cùng ngày, các ngoại trưởng của 28 nước thành viên EU nhóm họp để thảo luận các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sau vụ tai nạn máy bay MH17. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những biện pháp bao vây này có thể đẩy nền kinh tế 2.000 tỷ USD của Nga vào thời kỳ suy thoái.

Tuy nhiên, Điện Kremlin đã lên tiếng trấn an giới đầu tư. Cố vấn kinh tế Điện Kremlin Andrei Belousov khẳng định các biện pháp trừng phạt của phương Tây không có tác động kinh tế vĩ mô đối với Nga. Bộ trưởng Thương mại Denis Manturov nhấn mạnh các biện pháp cấm vận của phương Tây không thể đẩy Nga vào thế cô lập như thời Liên Xô. Điện Kremlin khẳng định tốc độ tăng trưởng GDP của Nga năm 2014 sẽ đạt mức 1%. Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Nga năm 2014 chỉ đạt 0,2%.

Chủ tịch hãng nghiên cứu Eurasia Group ở New York, Ian Bremmer, cho rằng các lệnh trừng phạt từ EU và Mỹ sẽ không thể khiến ông  Putin  lùi bước trong việc đánh giá lại chiến lược với Ukraine.

Ngày 24-7, trong tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 20 (AEMM-20) tại Brussels (Bỉ), các bộ trưởng ngoại giao của ASEAN và EU đã lên án mạnh mẽ vụ máy bay MH17 bị bắn rơi. Các bộ trưởng kêu gọi thực hiện đầy đủ Nghị quyết 2166 của HĐBA LHQ. Tuyên bố kêu gọi tất cả các bên liên quan hạn chế mọi hành động có thể làm sai lệch hiện trường vụ tai nạn; hỗ trợ công tác tiếp cận hiện trường một cách an toàn, đầy đủ, ngay lập tức và không hạn chế, đảm bảo an toàn cho các nhân viên điều tra...

THANH HẰNG (tổng hợp)

- Hộp đen MH17 vẫn trong điều kiện tốt

Tin cùng chuyên mục