Thái Lan: Bom lại nổ, đồng baht rớt giá mạnh

Ngày 18-8, thủ đô Bangkok lại chứng kiến vụ nổ thứ hai gần cầu Sathorn, nhưng may mắn không có người thương vong. Cũng trong chiều 18-8, Bộ Ngoại giao Thái Lan tổ chức họp báo về vụ đánh bom với đại diện của khoảng 100 đại diện truyền thông tham dự.
Thái Lan: Bom lại nổ, đồng baht rớt giá mạnh

Ngày 18-8, thủ đô Bangkok lại chứng kiến vụ nổ thứ hai gần cầu Sathorn, nhưng may mắn không có người thương vong. Cũng trong chiều 18-8, Bộ Ngoại giao Thái Lan tổ chức họp báo về vụ đánh bom với đại diện của khoảng 100 đại diện truyền thông tham dự.

Truy tìm đối tượng khả nghi

Vụ nổ thứ hai xảy ra lúc 13 giờ 20 và vật gây nổ có thể là lựu đạn, được ném xuống từ trên cầu rơi xuống gần bãi đậu xe ở bến tàu. Cầu tàu Sathorn là cửa ngõ chính để đi lại trên sông Chao Phraya và gần một nhà ga của hệ thống đường sắt trên cao Skytrain ở Bangkok. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông vận tải Prajin Juntong cho biết, quả bom ở Sathorn không phải loại được những kẻ chuyên nghiệp sử dụng.

Vị trí đánh bom gần đền Erawan nhìn từ trên cao.

Báo Bangkok Post cho biết nhà chức trách đã xác định đối tượng khả nghi xuất hiện trong camera quan sát đường phố gần hiện trường vụ đánh bom. Mặc dù trong tuyên bố ngày 18-8, Bộ Ngoại giao Thái Lan nhấn mạnh còn quá sớm để xác định động cơ hoặc thủ phạm vụ tấn công, nhưng tờ Nation của Thái Lan dẫn nhận định của Bộ chỉ huy tác chiến an ninh nội địa (ISOC) cho rằng, có 3 nguyên nhân có thể dẫn tới vụ đánh bom: xung đột chính trị, việc cải tổ nội các và chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Báo này dẫn lời Tư lệnh lục quân kiêm Thứ trưởng Quốc phòng Thái Lan Udomdej Sitabutr, vụ đánh bom này không giống cách thức phiến quân ly khai ở miền Nam Thái Lan thường sử dụng. Nghi phạm đang bị truy lùng được cho là thuộc “một nhóm chống chính phủ ở miền Đông Bắc Thái Lan” - khu vực được coi là “sào huyệt” của phong trào Áo đỏ ở Thái Lan. Theo Tướng Somyot Poompanmuang, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, cảnh sát cũng không loại trừ khả năng bất đồng chính trị và cuộc xung đột của người Duy Ngô Nhĩ sau khi Thái Lan đã buộc 109 người Duy Ngô Nhĩ trở về Trung Quốc hồi tháng trước. Nguyên nhân thứ ba có thể xuất phát từ kế hoạch cải tổ nội các của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, theo đó sẽ thay đổi một số bộ trưởng và bổ nhiệm người bên ngoài vào các vị trí này.

Kẻ tình nghi đang bị truy lùng.

Cũng ngày 18-8, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha thông báo đã chỉ định các thành viên nội các mới và trình danh sách này lên Nhà vua để thông qua.

Ngành du lịch lao đao

Trong phiên giao dịch sáng 18-8, đồng baht đã rớt xuống 35,536 baht đổi 1USD, thấp nhất kể từ tháng 4-2009. Thị trường chứng khoán Bangkok cũng giảm tới 2,8%, mức giảm sâu nhất kể từ đầu năm đến nay, đặc biệt cổ phiếu của các công ty liên quan đến ngành du lịch đã mất 6,27%. Theo Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu đầu tư Stotz có trụ sở tại Bangkok, Andrew Stotz, vụ nổ bom xảy ra đúng vào cao điểm mùa du lịch nên có thể gây thiệt hại đến ngành này, vốn chiếm 8,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan.

Cùng ngày, 23 nước ra cảnh báo kêu gọi người dân nước này thận trọng khi đang ở Thái Lan hoặc sắp đi du lịch đến nước này. Chính phủ Thái Lan tuyên bố tất cả các nạn nhân đều có quyền hợp pháp để được bồi thường.

Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh kinh tế Thái Lan tăng trưởng chậm trong quý II-2015 do nhu cầu nội địa và xuất khẩu giảm. Số liệu thống kê chính thức cho thấy GDP của Thái Lan quý II vừa qua chỉ tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ Thái Lan đã hạ mức dự báo tăng trưởng cả năm 2015 xuống khoảng 2,7-3,2% từ mức dự báo 3-4% trước đó. Theo hãng tin Bloomberg, chi tiêu chính phủ và lượng du khách tăng đã không thể bù đắp cho sự suy giảm của nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Triển vọng của kinh tế Thái Lan cũng bị ngăn cản sau khi Trung Quốc phá giá đồng NDT khiến đồng baht mất giá đến 7% tính từ đầu năm đến nay.

 Trưa 18-8, Đại sứ quán Việt Nam dẫn nguồn các cơ quan chức năng Thái Lan khẳng định, đến nay chỉ có một trường hợp người Việt Nam bị thương trong vụ nổ bom gần đền Erawan là anh Mai Văn Trường, sinh năm 1990, quê Thanh Hóa. Sức ép của bom khiến anh bị tụ máu tại mắt và giập xương chân. Hiện anh Trường đang được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa chính quyền thành phố Bangkok (BMA General Hospital hay còn gọi là Bệnh viện Klang). Đã có ít nhất 20 người chết, 125 người bị thương trong vụ nổ bom hôm 17-8.


HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục