Thiếu các tổ chức nghiên cứu ứng dụng đủ mạnh

GIA QUẢNG

Chương trình Phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ (KH-CN) của TPHCM đến năm 2020 đặt mục tiêu hình thành các mô hình nghiên cứu khoa học tiên tiến, với kỳ vọng góp phần thúc đẩy phát triển KH-CN mang tính ứng dụng cao, phù hợp với thực tế của địa phương. Vì thế, việc Sở KH-CN TPHCM giới thiệu chương trình phát triển tổ chức KH-CN theo mô hình tiên tiến giai đoạn 2016-2020 là thực sự cần thiết, đã thu hút sự tham gia của hàng chục đại diện các tổ chức KH-CN tại TPHCM.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học của Sở KH-CN TP, để có những mô hình KH-CN tiên tiến cho TPHCM, sở sẽ tổ chức hỗ trợ thật cụ thể các tổ chức KH-CN có hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các lĩnh vực nằm trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TPHCM gồm: Cơ khí - chế tạo; Điện tử - công nghệ thông tin (CNTT); Hóa chất, hóa dược - cao su nhựa; Chế biến tinh lương thực, thực phẩm. Khi tham gia vào chương trình, các tổ chức KH-CN được hỗ trợ 3 hợp phần, gồm: Hỗ trợ về nâng cao năng lực nghiên cứu (theo đó, các tổ chức KH-CN sẽ được hỗ trợ về hoạt động đào tạo nhân lực chất lượng cao, hoạt động hội thảo, cơ sở vật chất…); hỗ trợ về nâng cao năng lực quản lý (các tổ chức KH-CN sẽ có đơn vị tư vấn đánh giá tổ chức, hỗ trợ áp dụng các hệ thống nâng cao năng suất chất lượng, quản trị tài sản trí tuệ…); các hỗ trợ về chứng nhận doanh nghiệp KH-CN, tổ chức KH-CN.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, các tổ chức KH-CN phải có văn bản tự báo cáo và đánh giá về hoạt động của trung tâm mình, cũng như các chương trình mục tiêu phát triển của đơn vị đến năm 2020. Sau đó, Sở KH-CN TPHCM sẽ tổ chức xét chọn và ký kết biên bản ghi nhớ, đồng thời tiến hành thực hiện hỗ trợ.

Đánh giá thực trạng các tổ chức KH-CN tại TPHCM của Sở KH-CN TP cho thấy, năm 2016, TP có 227 tổ chức KH-CN đăng ký hoạt động, trong đó có 59 tổ chức KH-CN công lập và 168 tổ chức ngoài công lập, với tổng vốn đăng ký 700 tỷ đồng. Doanh thu trong 5 năm 2011-2016 đạt 2.451 tỷ đồng. Các tổ chức hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ (58%), khoa học xã hội (29%), các lĩnh vực khác chỉ chiếm 13%. Hoạt động của phần lớn các tổ chức KH-CN trên địa bàn mới chỉ tập trung phát triển mạnh về dịch vụ, trong khi chưa gắn liền với nhu cầu của xã hội, của doanh nghiệp. Đồng thời, kết quả nghiên cứu của nhiều tổ chức chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp, thiếu sự liên kết chặt chẽ với mạng lưới doanh nghiệp và chuỗi giá trị ngành.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, trong hệ thống các tổ chức KH-CN hiện còn thiếu các tổ chức nghiên cứu ứng dụng đủ mạnh về quy mô, tính liên ngành, đội ngũ nhân lực trình độ cao và hạ tầng nghiên cứu hiện đại để có thể cung cấp công nghệ và trợ giúp kỹ thuật tiên tiến, tác động mạnh tới các ngành. “Với chương trình này, chúng tôi mong muốn các tổ chức nghiên cứu tại TPHCM sẽ tham gia nhiệt tình. Sở sẽ hỗ trợ tối đa trong khả năng của mình. Cũng thông qua chương trình, chúng tôi đặt kỳ vọng sẽ có những tổ chức nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm, góp phần cho sự phát triển của TP, cũng như tạo liên kết, hợp tác giữa các trung tâm nghiên cứu, các chương trình hợp tác quốc tế”, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Dũng cũng lưu ý, các tổ chức KH-CN khi xây dựng kế hoạch phát triển phải đạt các tiêu chí cơ bản của một tổ chức KH-CN tiên tiến theo Thông tư 38 của Bộ KH-CN. Trong quá trình thực hiện, sở sẽ thuê các đơn vị tư vấn để đánh giá thực trạng của các tổ chức KH-CN. Quá trình thực hiện hỗ trợ sẽ được điều chỉnh, rút kinh nghiệm để vừa sát với tình hình thực tế vừa đi theo mục tiêu đã đặt ra.


GIA QUẢNG

Tin cùng chuyên mục