Mỹ xem xét áp thuế cá tra: Công bằng ở đâu?

Trước thông tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ tăng mức thuế chống bán phá giá (CBPG) khá cao đối với cá tra Việt Nam (VN) sau đợt xem xét hành chính thuế CBPG vào thị trường Mỹ giai đoạn từ 1-8-2008 đến 31-7-2009, tại cuộc họp diễn ra ở TPHCM ngày 14-9, Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) vẫn giữ quan điểm, sản phẩm cá tra VN không bán phá giá tại Mỹ.
Mỹ xem xét áp thuế cá tra: Công bằng ở đâu?

Trước thông tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ tăng mức thuế chống bán phá giá (CBPG) khá cao đối với cá tra Việt Nam (VN) sau đợt xem xét hành chính thuế CBPG vào thị trường Mỹ giai đoạn từ 1-8-2008 đến 31-7-2009, tại cuộc họp diễn ra ở TPHCM ngày 14-9, Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) vẫn giữ quan điểm, sản phẩm cá tra VN không bán phá giá tại Mỹ.

Mỹ xem xét áp thuế cá tra: Công bằng ở đâu? ảnh 1

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá basa Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi Mỹ tăng mức thuế chống bán phá giá. Ảnh: T. L.

  • Tăng sản lượng không đồng nghĩa với bán phá giá

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep cho biết, cho đến thời điểm này, những thông tin bất lợi cho cá tra VN (sau lần xem xét thứ 6 - POR6) chỉ mới là dự thảo sơ bộ, vẫn chưa được phía Mỹ chính thức công bố nên các cơ quan VN chưa thể có văn bản chính thức cho phía Mỹ. Tuy nhiên, nếu thông qua và đưa ra quyết định cuối cùng, mức thuế CBPG mới mà nhiều DN xuất khẩu cá tra của VN sẽ phải chịu là 4,22 USD/kg, mức cao nhất từ trước đến nay và bằng khoảng 130% so với giá bán sang Mỹ (dự kiến, phía Mỹ công bố vấn đề này vào rạng sáng nay, theo giờ VN và có thể sẽ có thay đổi).

Việc tính thuế cho lần xem xét mới sẽ được tính từ tháng 3-2011. Hiện nay, có 2 doanh nghiệp (DN) không bị áp thuế CBPG được hưởng thuế suất 0%, 3 DN chịu mức thuế thấp 0,52%, còn lại nhiều DN đang bị áp thuế với mức khá cao.

Việc đưa ra dự thảo với mức thuế cao là một trong những rào cản của DOC nhằm kìm hãm việc tăng sản lượng nhập khẩu cá tra VN vào thị trường Mỹ trong 1 năm gần đây. Theo khảo sát của các tổ chức thương mại quốc tế, cá tra đã trở thành loại thực phẩm đứng trong tốp 10 loại thực phẩm được ưa chuộng tại Mỹ. Cho đến nay, cá tra VN đã xuất khẩu đến 127 quốc gia trên thế giới với tốc độ tăng trưởng hàng năm khá cao.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Hùng Vương, Phó Chủ tịch Vasep cho biết, dù ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng xuất khẩu cá tra VN trong năm 2010 đạt tăng trưởng cao so với năm 2008 và 2009. Trong 9 tháng năm 2010, xuất khẩu cá tra sẽ vượt 1 tỷ USD và dự kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm 2010 sẽ là 1,5 tỷ USD. Đó là con số trong mơ mà ngành thủy sản VN chưa nghĩ tới.

  • Chọn cá Philippines để so sánh là không hợp lý

Theo lệ thường, để điều tra biên độ phá giá với một quốc gia mà Mỹ chưa công nhận có nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam, DOC lấy căn cứ từ quốc gia thứ 3 để so sánh giá thành (nuôi trồng, chế biến…) sản phẩm với giá bán tại thị trường Mỹ. Trước đây, DOC chọn Bangladesh làm nước tham chiếu để xem xét, đánh giá, áp thuế CBPG lên sản phẩm cá tra VN. Nhưng lần này, DOC chọn Philippines làm nước tham chiếu.

Việc thay đổi này, ông Trương Đình Hòe cho rằng, hoàn toàn không phù hợp, giá thức ăn cho cá của VN khoảng 0,5 USD/kg, trong khi Philippines gần 2 USD/kg, chi phí lao động, phí quản lý DN… tại nước này cũng cao hơn hẳn VN. Nhưng điều đáng nói, DOC mới chỉ lấy số liệu thực tế từ 36 ao nuôi của Philippines, sản lượng khoảng 12 tấn đem so với sản lượng hơn 1 triệu tấn của VN là vô cùng khập khiễng và vô lý. Hiện nay, Philippines sản xuất khoảng 40.000 tấn/năm và không đủ tiêu thụ nội địa. Việc lấy giá bán lẻ và tình hình nuôi cá ở một nước có sự khác biệt và chênh lệch quá lớn như Philippines để so sánh và áp thuế là không chính xác và không công bằng cho cá tra VN.

Ông Andrew B.Schroth (Công ty Luật quốc tế GDLSK) cho biết, việc kết luận áp thuế sơ bộ này với cá tra VN vì DOC chịu áp lực của Hiệp hội Cá da trơn của Mỹ. Các DN nội địa nước này gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với cá tra nhập khẩu từ VN. Về những rủi ro xảy ra cho DNVN trong lần xem xét thứ 6, theo luật sư Andrew B. Schroth, quyết định này sẽ ảnh hưởng đến nền công nghiệp cá tra VN, với kinh nghiệm làm việc lâu năm trong hỗ trợ tư vấn các DN thủy sản VN về CBPG và với những dữ liệu thông tin hợp lý và thuyết phục hiện nay, DNVN có thể đảo ngược tình thế. Trong khoảng thời gian 6 tháng, phía VN cần có những giải pháp thuyết phục, để DOC xem xét lại, trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng

MỸ HẠNH – CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục