Thờ ơ bảo vệ con trên mạng xã hội

Mạng xã hội ngày càng phổ biến và trở thành một công cụ trong giao tiếp hàng ngày. Tuy nhiên, mặt trái của công nghệ này là việc thiếu kiểm soát thông tin có thể dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc mà đôi khi do sự vô tâm, người lớn đã gây ra cho chính con em mình.

Con cái chúng ta giỏi thật!

Những ngày qua, câu chuyện bé V.H. ở quận Gò Vấp, TPHCM, tự tử bất thành gây xôn xao diễn đàn các bà mẹ. Chuyện ban đầu khá đơn giản, sau kỳ thi học kỳ 2, mẹ của V.H. đăng lên facebook cá nhân các thông tin khoe con học giỏi, xuất sắc, khoe sẽ cho con nghỉ hè ở đây, ở kia… Chẳng ngờ rằng facebook của mẹ V.H. lại kết nối với facebook của cô bé. Vậy là bạn bè của V.H đọc được các bài “khen con”, hả hê chọc ghẹo cô bé lớp 6 này. Không chịu nổi áp lực, V.H đã có lựa chọn tiêu cực nhưng may mắn là được phát hiện và ngăn cản kịp thời.

Một phụ huynh kể lại câu chuyện của mình nhưng ở chiều ngược lại. Sợ con tự cao, thiếu khiêm tốn nên dù con học khá tốt nhưng trên mạng xã hội, chị lại thường xuyên chê bai con mình, phê phán cái này cái nọ… Dần dà bé ngày càng tỏ ra chán nản, học hành sa sút. Mãi đến khi cô giáo chủ nhiệm mời lên tâm sự, bé mới tiết lộ rằng cảm thấy tự ti, mặc cảm bởi không hiểu vì sao mẹ lại cứ không vừa lòng về mình. Cô giáo nói lại với phụ huynh, chị đành chấm dứt việc đưa thông tin con lên mạng bởi không hiểu đưa thế nào mới tốt.

Bà Trần Thị Ngọc Nữ, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, trong một cuộc tọa đàm về bảo vệ trẻ em, cho biết đã có trường hợp cha mẹ đến đón con trễ, kẻ gian đến trường đóng giả người thân để đón bé. Kẻ gian có đủ thông tin như tên tuổi cha mẹ, người thân, kể cả các chi tiết gia đình để thuyết phục thầy cô giáo, may mắn là cha bé đến kịp.

Thực tế, tình trạng cha mẹ đưa hình con cái lên các trang mạng xã hội đã trở thành điều khá phổ biến hiện nay và theo đánh giá của các chuyên gia tâm lý, đa số tạo ảnh hưởng xấu đến con em của chính họ. Ví dụ trường hợp gia đình có 2 con, việc đăng thông tin, hình ảnh thành công của đứa này sẽ tạo tâm lý xấu đến đứa con còn lại.

Thờ ơ bảo vệ con trên mạng xã hội ảnh 1 Hãy để cho trẻ thoải mái sống hồn nhiên
“Bạo hành” trong vô thức

Có một sự thống nhất giữa các chuyên gia tâm lý về trẻ em khi nói về hiện tượng các bậc phụ huynh đưa thông tin, hình ảnh của con mình lên mạng. Họ cho rằng đó là một sự “bạo hành” về tinh thần mà các bậc phụ huynh đã không để ý đến. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng “con mình thì mình đưa lên chứ đâu có đưa con người khác” nhưng họ lại không để ý đến một việc là liệu những đứa trẻ con họ có đồng ý hay không việc sử dụng hình ảnh của mình.

Đặc biệt, với những đứa bé còn quá nhỏ, việc đưa hình ảnh, nhất là các hình ảnh nhạy cảm càng gây ấn tượng không tốt. Nếu dạo qua các trang mạng xã hội mà các bà mẹ hay “sinh hoạt”, không khó để thấy hình ảnh các bé khóc, cười, vui chơi được các bà mẹ đưa lên. Nhiều hình ảnh trong đó đều trong tình trạng sinh hoạt cá nhân tại nhà như khi đang tắm, ăn uống, ngủ… Một số trường hợp trẻ tuy còn nhỏ nhưng đã biết phản ứng với việc bị ghi hình như che mắt, né tránh nhưng các bậc phụ huynh thay vì chấm dứt lại càng cố quay, chụp với lý do “chúng từ chối nhìn thật dễ thương”.

Có một thực tế là đối với cha mẹ, con cái luôn là tuyệt vời nhất nhưng việc lấy hình ảnh, tâm trạng của con cái để nói thay nỗi niềm, tâm trạng của mình thì quả… lợi bất cập hại. Như trường hợp chị Thanh Hà, một nhân viên văn phòng, khi đưa hình ảnh đứa con 4 tuổi của chị cãi lại cha nó. Theo chị, hình ảnh đứa bé cãi vã đầy ngây ngô với người lớn thật dễ thương nên cần phải đưa lên mạng. Nhưng thật bất ngờ là bên cạnh người quen tỏ ý ủng hộ, rất nhiều ý kiến lại vào chê bai, dè bỉu, thậm chí cười cợt… Kết quả, chính chị không chịu nổi phải xóa thông tin nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu con chị có thể đọc được sau này?

Một chuyên gia tâm lý phân tích, đã là bình luận chắc chắn phải có khen, có chê, có tích cực và cũng không ít mang tính tiêu cực, nhưng một thực tế không thể phủ nhận là dù trong điều kiện nào, trẻ đều là người bị động.

Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng là việc cha mẹ đã vô tình biến con mình thành mục tiêu cho những tên tội phạm trên mạng. Nhiều trường hợp, danh sách bạn bè của cha hay mẹ lên đến hàng ngàn người, liệu ai có thể biết được trong số đó có người có động cơ xấu. Và thế là chính chúng ta, những bậc cha mẹ hay người thân trong gia đình đã đặt con em mình vào một mối nguy hiểm thường trực.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đề xuất Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Theo đó, mức xử phạt cho hành vi vi phạm về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với các mức xử phạt lên đến 10 triệu đồng. Như vậy, nếu được thông qua, việc đưa thông tin trẻ em lên mạng sẽ có một cơ sở pháp lý để thi hành. Đây cũng có thể xem như là một công cụ cần thiết để chấn chỉnh tình trạng lợi dụng hình ảnh trẻ em trên các mạng xã hội.

Tin cùng chuyên mục