Thông tư “hành” doanh nghiệp

Ngày 10-3, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp (DN). Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh chủ trì hội nghị.

Ngày 10-3, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp (DN). Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh chủ trì hội nghị.

Kết quả mới chỉ là phép cộng giản đơn

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, 4 năm qua, Chính phủ liên tục ban hành các Nghị quyết 19 (NQ19) nhằm nỗ lực thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Ghi nhận sức sống của các NQ19, song Thứ trưởng Đặng Huy Đông thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong NQ19 còn chậm. Kết quả hàng năm đạt được chỉ mới là một phép cộng giản đơn, tính trên đầu ngón tay. 

Chi cục Hải quan khu vực 1 - Cát Lái thực hiện thông quan hàng hóa tự động cho doanh nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG

“Chúng ta mới đi được một nửa chặng đường đến ASEAN 4 mà thôi. Phải có kết quả theo cấp số nhân thì mới thành công, chứ nếu công chức, cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan vẫn trì trệ, thụ động, thiếu đổi mới; nếu số cải cách, thay đổi hàng năm đếm được trên đầu ngón tay thì chúng ta sẽ không đạt mục tiêu”. Trên cơ sở phân tích những bài học thành công và chưa thành công trong triển khai thực hiện các NQ19 trước đây, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu ra nhiều khuyến nghị quan trọng. Đó là cần giải quyết từng vướng mắc tại các văn bản cụ thể; có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng, của người đứng đầu; nâng cao vai trò của các hiệp hội, nhất là các hiệp hội ngành hàng… Đặc biệt, cần phát huy vai trò của báo chí và truyền thông trong việc làm sống động quá trình triển khai thi hành NQ19, làm cho NQ luôn “nóng” và thu hút sự quan tâm của xã hội, khích lệ thêm sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp... Chia sẻ kết quả điều tra, khảo sát cảm nhận của doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2016, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải là việc thực hiện các thủ tục hành chính, pháp lý (chiếm 25% số doanh nghiệp tham gia khảo sát). Đặc biệt, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật “rất có vấn đề”, nhất là các thông tư hướng dẫn.

Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, có cùng quan điểm này. Ông dẫn chứng: “Thông tư 38/2015/TT-BTC về thủ tục hải quan quy định các biểu mẫu rất phức tạp, nếu mã hàng nhiều màu, nhiều size thì số biểu mẫu có thể lên đến 500. Một số quy định mới lại mang tính “thụt lùi” so với quy định cũ”. Bên cạnh đó, vị đại diện doanh nghiệp này còn cho biết, sự thay đổi một số chính sách, việc ban hành thu một số loại phí không nhất quán, mang tính tự phát, chồng chéo bất hợp lý tại các địa phương đang khiến doanh nghiệp “trở tay không kịp”… Doanh nghiệp hy vọng các nút thắt chính sách dần được gỡ bỏ, thay vì cởi nút này thì lại xuất hiện nút khác.

Không để nghị định chờ thông tư

Lắng nghe các ý kiến trình bày tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao việc tạo ra những diễn đàn có sự trao đổi. Một mặt đề nghị “DN và hiệp hội DN cần có lòng tin rằng Chính phủ thực sự muốn nghe, muốn giải quyết vấn đề chứ không phải nghe để đấy”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, có những việc vướng mắc ở chính sách, văn bản, có những việc lại vướng mắc ở người thực thi, nên DN cần chỉ rõ, cần có kiến nghị cụ thể để giúp Chính phủ tiếp thu, điều chỉnh kịp thời hơn”. Đáng lưu ý, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu sửa ngay một thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ đang khiến các doanh nghiệp tốn thời gian, chi phí vì kiểm tra chuyên ngành.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Tôi nghe TS Nguyễn Đình Cung nói, sau hàng loạt lời hứa hẹn và lý do, Bộ KH-CN vẫn chậm sửa đổi Thông tư 28 của bộ về Quy định hợp chuẩn, hợp quy và đánh giá sự phù hợp. Ngay tại đây, tôi muốn Bộ KH-CN cam kết xử lý vấn đề. Bao giờ sẽ sửa đổi, ban hành thông tư mới để tạo thuận lợi cho người dân?”. Báo cáo với Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh cho biết: “Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được ban hành năm 2012 và theo quy định đã hết thời hạn hiệu lực. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH-CN đã soạn thảo Dự thảo Nghị định về nội dung này và tháng 10-2016, chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp. Nghị định này đã được ban hành thì phải sửa đổi các thông tư cho phù hợp. Chúng tôi hứa 1 - 2 tháng nữa, Thông tư 28 sẽ được sửa đổi, sửa chữa theo nghị định trên”.

Chưa hài lòng với câu trả lời này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc nhở: “Khi trình nghị định lên Chính phủ, lẽ ra bộ phải có thông tư rồi. Không để nghị định có hiệu lực mà phải đợi thông tư”. Thứ trưởng Trần Việt Thanh đã hứa trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 10-3, sẽ ban hành thông tư thay thế Thông tư 28.

 Mục tiêu: đạt mức trung bình của ASEAN 4

“Với Nghị quyết 19/2017, Chính phủ đặt mục tiêu đạt trung bình ASEAN 4 trên 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh. Giai đoạn 2017 - 2020, cải thiện điểm số trên 4 nhóm trụ cột: Môi trường kinh doanh (theo WB), Năng lực cạnh tranh toàn cầu (theo WEF), Đổi mới sáng tạo (Theo Tổ chức Trí tuệ thế giới), Chính phủ điện tử (theo Liên hiệp quốc). Trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương được gắn với gần 250 chỉ tiêu cụ thể”.

(Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông)

ANH THƯ 

Tin cùng chuyên mục