Thu phí đối với phương tiện ô tô tại TPHCM: Cần lộ trình và kiên quyết

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TPHCM về việc nghiên cứu tính khả thi áp dụng thí điểm hệ thống thu phí giao thông điện tử đối với loại hình phương tiện ô tô trên địa bàn TP, hôm qua 12-11, Viện Nghiên cứu Phát triển TP đã tổ chức cuộc tọa đàm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm tìm lời giải khả thi trong việc nghiên cứu, quy hoạch hệ thống thu phí giao thông ở TP để trình UBND TP xem xét quyết định.
Thu phí đối với phương tiện ô tô tại TPHCM: Cần lộ trình và kiên quyết
  • Trước mắt sẽ thí điểm, chưa triển khai đại trà

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TPHCM về việc nghiên cứu tính khả thi áp dụng thí điểm hệ thống thu phí giao thông điện tử đối với loại hình phương tiện ô tô trên địa bàn TP, hôm qua 12-11, Viện Nghiên cứu Phát triển TP đã tổ chức cuộc tọa đàm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm tìm lời giải khả thi trong việc nghiên cứu, quy hoạch hệ thống thu phí giao thông ở TP để trình UBND TP xem xét quyết định.

Theo đó, các ý kiến cho rằng, việc thu phí ô tô là rất cần thiết. Tuy nhiên, để đề án thực sự phát huy hiệu quả thì những người đứng đầu TP cần phải dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Rất cần thiết

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (đơn vị chuyên nghiên cứu về hệ thống thu phí tự động ở Việt Nam) cho biết: Theo khảo sát tại nhiều quốc gia, chi phí do việc mất thời gian vì ùn tắc giao thông chiếm khoảng 2% GDP. Cụ thể, theo báo cáo nghiên cứu của Urban Mobility năm 2007, ùn tắc giao thông gây ra tổn thất như sau: 4,2 tỷ giờ do đình trệ giao thông; 2,9 tỷ gallon nhiên liệu hao phí; tổng chi phí hao phí là 78,2 tỷ USD. Trong khi đó, hàng năm tình trạng ùn tắc giao thông tại TPHCM và Hà Nội kéo theo thiệt hại về kinh tế - xã hội ước tính lên đến gần 14.000 tỷ đồng (mỗi ngày thiệt hại lên đến khoảng 20 tỷ đồng). Do đó, với tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay ở TPHCM việc thu phí điều tiết giao thông là một giải pháp tạo sự phù hợp giữa cung và cầu.

Do lượng phương tiện cá nhân tăng nên tình trạng kẹt xe tại TPHCM càng ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Đ. LÝ

Do lượng phương tiện cá nhân tăng nên tình trạng kẹt xe tại TPHCM càng ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Đ. LÝ

Bởi lẽ, với việc thu phí sử dụng bằng zero như hiện nay, lượng người sử dụng xe rất nhiều và rất phung phí so với trường hợp họ phải trả phí. Đặc biệt việc thu phí để điều tiết giao thông sẽ giúp người sử dụng phương tiện đi lại ý thức hơn về chi phí phải trả khi sử dụng giao thông trong điều kiện cầu lớn hơn cung, phí này bao gồm cả phí trả cho việc gây thêm ùn tắc giao thông do chính phương tiện của họ gây ra.

Liên quan đến vấn đề này, TS Khuất Việt Hùng, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch và quản lý GTVT đưa ra dẫn chứng, theo tính toán, hiện nay với khoảng 3,6 triệu xe gắn máy cần tới 2,5 triệu m2 đất để làm điểm đậu xe; còn đối với khoảng 400.000 xe hơi cần 4, 4 triệu m2 đất để đậu xe. Trong khi đó, trên các trục đường chính (giao thông động), nếu xe hơi chiếm 10% số phương tiện trong dòng giao thông thì sẽ chiếm 55% diện tích giao thông động. Điều này cho thấy diện tích đường để phục vụ cho các phương tiện ô tô là rất lớn, trong khi diện tích mặt đường ở TP hiện nay là rất hạn chế. Do đó, việc áp dụng thu phí đối với các phương tiện ô tô vào khu vực trung tâm TP là rất cần thiết.

Về vấn đề này, PGS-TS Phạm Xuân Mai, Khoa Kỹ thuật giao thông Trường Đại học Bách khoa, TPHCM bày tỏ sự ủng hộ: “Theo tôi việc nghiên cứu, quy hoạch hệ thống thu phí giao thông ở TP là cần thiết. Tuy nhiên vấn đề ùn tắc giao thông tại TPHCM hiện đang diễn ra ngày càng trầm trọng và không chỉ xảy ra ở khu vực trung tâm mà còn lan tỏa ra các khu vực ngoại thành TP. Do đó, ngoài việc nghiên cứu thu phí đối với xe ô tô, chúng ta cần nghiên cứu thu phí đối với loại hình xe gắn máy để nhằm hạn chế lượng phương tiện cá nhân đổ vào TP”.

Cần có lộ trình và sự kiên quyết khi triển khai

Bên cạnh việc đồng tình với phương án thu phí giao thông đối với ô tô mà UBND TP đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng để đề án sớm được triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả, TP cần phải có cơ chế chính sách phù hợp và lộ trình rõ ràng trong vấn đề triển khai phương án.

Ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nói: “Nếu chúng ta đã xác định rõ tính khả thi của đề án thì TP cần triển khai áp dụng ngay phương án này. Bởi lẽ, với tình hình thực tế giao thông đang bị quá tải hiện nay ở TP thì việc triển khai thu phí giao thông đối với phương tiện ô tô là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để cho phương án được triển khai thông suốt và thực sự phát huy tác dụng, TP cần có một cơ chế chính sách hợp lý, nhất là vấn đề nguồn vốn thực hiện. Mặt khác, do đây là vấn đề liên quan và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, do đó khi triển khai thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cho nên trong quá trình triển khai thực hiện đòi hỏi những người đứng đầu TP phải có sự quyết đoán, tránh trường hợp thấy một vài người kêu ca là dừng thì sẽ không ăn thua gì”.

Đồng quan điểm này, kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TPHCM cho rằng, để phương án thu phí được diễn ra hiệu quả, vấn đề đầu tiên TP và các đơn vị lập phương án cần phải đưa ra lộ trình rõ ràng, tránh để xảy ra tình trạng phương án đưa ra nhưng cứ để kéo dài hết năm này qua năm nọ là không khả thi.

Trước những vấn đề các đại biểu đặt ra, đại diện Sở GTVT nhìn nhận: Chủ trương hạn chế xe cá nhân ở TP đã được Chính phủ và UBND TP cho phép nghiên cứu áp dụng. Còn đối với vấn đề thu phí đối với ô tô hiện chỉ là phương án gợi mở, việc triển khai hay không vẫn đang trong giai đoạn xem xét và triển khai theo cách nào cho hợp lý và phù hợp với điều kiện thực tế của TP mới là vấn đề quan trọng.

Bởi lẽ, nếu triển khai việc này sẽ kéo theo nhiều vấn đề giao thông cần phải điều chỉnh về mặt cơ chế như: Cách thu phí như thế nào? Xử phạt ra sao? Vùng nào được thu, vùng nào không được thu? Việc áp dụng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tiến độ triển khai một số dự án trên các tuyến trục đường chính ở TP hiện nay?...

Tuy nhiên, đây là chủ trương đã được Thành ủy, UBND TP đưa ra nên phải nghiên cứu kỹ trước khi triển khai áp dụng. Nếu khả thi thì sẽ áp dụng ở mức thí điểm chứ chưa thể triển khai đại trà.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục