Lừa đảo cho thuê chứng chỉ bán thuốc tây

Nhà thuốc điêu đứng
Lừa đảo cho thuê chứng chỉ bán thuốc tây

Với thủ đoạn giả danh người đứng tên dược sĩ, lấy chứng chỉ hành nghề bán lẻ thuốc tây của người khác đem cho thuê lòng vòng… một số đối tượng tại TPHCM đang tạo lập một đường dây lừa đảo hàng trăm triệu đồng của các nhà thuốc. Nghi vấn đây là đường dây tội phạm mới có sự tiếp tay của cán bộ cơ quan quản lý nhà nước.

Nhà thuốc Nhân Đức điêu đứng vì bị lừa gạt thuê chứng chỉ hành nghề dược.

Nhà thuốc Nhân Đức điêu đứng vì bị lừa gạt thuê chứng chỉ hành nghề dược.

Nhà thuốc điêu đứng

Phẫn nộ và uất ức là tâm trạng của chị Vũ Thị Thùy Linh, chủ nhà thuốc Nhân Đức ở 42 Nguyễn Hữu Tuyến, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TPHCM, khi kể về quá trình bị lừa. Chị Linh cho biết, vào tháng 5-2011, chị có nhu cầu mở một nhà thuốc tây và đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để trang bị cơ sở vật chất. Tuy nhiên, do không có chứng chỉ hành nghề dược đứng tên nhà thuốc theo quy định nên chị Linh phải tìm người thuê.

Vào thời điểm này, một người bạn của chị Linh đã giới thiệu dược sĩ tên Nguyễn Tuấn Long, đang làm việc tại chuỗi nhà thuốc V.Phano. Chị Linh tìm gặp thì Long bảo chứng chỉ bán thuốc của mình đã cho thuê rồi nhưng hứa sẽ tìm của người khác cho chị Linh thuê. Đổi lại Long lấy phí dịch vụ 20 triệu đồng, đồng thời phải trả trước 6 tháng tiền thuê chứng chỉ với giá 5,5 triệu đồng/tháng, mua phần mềm quản lý 5 triệu đồng. Vị chi số tiền chị Linh bỏ ra lên tới 58 triệu đồng.

Thỏa thuận xong và đã ứng tiền, Long lấy chứng chỉ hành nghề dược của ông Nguyễn Mạnh Hùng cho thuê với lời hứa sau 2 tháng sẽ hoàn tất các thủ tục, nhưng quá 2 tháng, Long vẫn không làm được. Bức xúc vì đợi lâu, không bán được thuốc nhưng vẫn mất tiền thuê chứng chỉ, chị Linh xin giảm tiền thuê nhưng Long không chịu và nói lo cho “dịch vụ bán trước”. Tin lời, chị Linh đồng ý và được Long giới thiệu ông Trần Văn Tâm (39 lô E Lò Gốm, P7, Q6) để ông này lo lót với chi phí 5 triệu đồng.

“Không biết ông Tâm lo lót thế nào mà mấy ngày sau có đoàn của Sở Y tế TPHCM xuống thẩm định. Sở Y tế thẩm định đạt về cơ sở vật chất nhưng thiếu hóa đơn xuất nhập thuốc và chứng từ thuế”, chị Linh nói. Nhưng khi chị Linh đề nghị Long đi đóng thuế để hoàn tất thủ tục thì Long lật lọng đòi thanh lý hợp đồng để đem chứng chỉ cho một nhà thuốc ở quận 12 thuê… “Cả nhà em khóc dở mếu dở từ 7 tháng nay”, chị Linh nghẹn ngào.

Có sự tiếp tay?

Theo anh Chu Thanh Luân, khi liên hệ với Nguyễn Tuấn Long thì ông này giới thiệu đang công tác tại Bệnh viện 7A (TPHCM), nhưng có làm việc ở đây hay không thì không biết. Còn trong cam kết với chủ nhà thuốc Nhân Đức, Long khai cư ngụ tại 466 Nguyễn Trãi, P8, Q5, TPHCM nhưng hộ khẩu thường trú tại số 5 đường số 6, khu dân cư Nam Hùng Vương, P.An Lạc, Q.Bình Tân.

Theo điều tra của phóng viên, Nguyễn Tuấn Long là dược sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề dược năm 2010. Nhận thấy có nhu cầu thuê chứng chỉ này nhiều lại giá cao, Long đã cấu kết với một số người để hình thành đường dây cho thuê lòng vòng và làm giá dịch vụ “cò”. Được biết, trong tay của Long có tới cả chục chứng chỉ bán thuốc và đem cho thuê, ép giá và dở trò lừa đảo với nhiều nhà thuốc mới mở hoặc cần thuê. Trong đó phải kể đến chứng chỉ mang tên Khuất Bá Linh và Nguyễn Mạnh Hùng.

Chứng chỉ của Nguyễn Mạnh Hùng được Sở Y tế TPHCM cấp tháng 4-2011 nhưng chị Vũ Thị Thùy Linh liên lạc với ông Hùng nhưng ông này nói không biết đã được cấp chứng chỉ hay chưa vì trước đó gửi hồ sơ cho Nguyễn Tuấn Long “lo hộ” do ở tận Đắc Lắc nhưng đã 1 năm nay chưa thấy Long trả kết quả. Do đó, không ngoại trừ Long đã xin được chứng chỉ cho ông Hùng và ẵm luôn, đồng thời giả mạo chữ ký của ông Hùng để ký hợp đồng cho thuê, làm thủ tục thuế…

Cùng ảnh tên Nguyễn Tuấn Long nhưng Sở Y tế TPHCM cấp 2 chứng chỉ hành nghề dược khác nhau.
Cùng ảnh tên Nguyễn Tuấn Long nhưng Sở Y tế TPHCM cấp 2 chứng chỉ hành nghề dược  khác nhau.
Một điều khó hiểu là ảnh của Nguyễn Tuấn Long được dán cùng lúc lên 2 chứng chỉ hành nghề dược có 2 tên khác nhau và đều được đóng dấu của Sở Y tế TPHCM. Một chứng chỉ do Long đứng tên và chứng chỉ còn lại mang tên Khuất Bá Linh. Chứng chỉ của ông Linh được cấp tháng 11-2011 dán ảnh của Long nên Long đã tự mạo nhận là Linh và cũng giả mạo chữ ký để đi lừa đảo.

Qua điều tra được biết, ông Linh đang công tác ở Hà Nội và cũng nhờ Long lo lót làm thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề dược. Và điều khó hiểu nữa là ông Hùng, ông Linh ở 2 nơi nhưng trong chứng chỉ hành nghề dược đều ghi thường trú ở 466 Nguyễn Trãi, P8, Q5, TPHCM (địa chỉ Bệnh viện 7A).

Theo quy định, để được cấp chứng chỉ hành nghề dược, người xin cấp phải có đơn, bằng dược sĩ đại học, giấy khám sức khỏe, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thâm niên công tác. Nhưng không hiểu vì sao lại có chuyện Sở Y tế TPHCM cấp 2 chứng chỉ hành nghề dược cho cùng ảnh 1 người.

Liệu có 2 người giống nhau đến vậy? Hơn nữa, 2 người ở 2 nơi lại được cấp chứng chỉ cùng địa chỉ thường trú của một cơ quan y tế? Với những sự việc nêu trên hé lộ một đường dây lừa đảo và nghi vấn có sự tiếp tay của cán bộ quản lý, rất cần cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục