Tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu y tế

Hàng loạt bất ổn trong các quy định pháp luật có liên quan, nhất là về đấu thầu, đang khiến cho việc mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế trở nên hết sức khó khăn, thậm chí không thực hiện được. 

Ví dụ điển hình là điều 44 và 45 Nghị định 98/2021/NĐ-CP (về quản lý trang thiết bị y tế) quy định các trang thiết bị y tế phải được kê khai giá trước khi lưu hành và mua bán. Nhưng hiệu lực pháp lý của giá kê khai đó như thế nào và ai chịu trách nhiệm về giá kê khai thì lại không rõ. Như thế, ngay cả khi mua với giá thấp hơn giá được công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế, nhưng sau đó, cơ quan chức năng thẩm tra kết luận là giá này cao hơn so với giá được phép, rất có thể đơn vị khám chữa bệnh phải chịu phạt vì mua sắm sai giá, thậm chí các cá nhân có liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng về giá thiết bị y tế, Thông tư 14/2020/TT-BYT (quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập) yêu cầu không được cao hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trở lại. Trên thực tế, cùng một loại thiết bị có rất nhiều mặt hàng, nhà phân phối và thời điểm mua khác nhau, nên giá cả không giống nhau. Nếu cứ lấy bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trở lại, thì mặc nhiên là giá năm sau phải thấp hơn giá năm trước, ngược với quy luật thị trường. 

Một quy định “làm khó” khác là việc Bộ Y tế yêu cầu vật tư y tế đấu thầu thì phải được cấp mã, nhưng hiện nay cơ quan chức năng mới chỉ cấp được 180.000 trong khoảng 2 triệu vật tư cần cấp. Trong khi đó, khó để “thúc” tiến độ, bởi lẽ, theo Thông tư 14/2020/TT-BYT, việc phân nhóm thiết bị y tế được xây dựng dựa trên Nghị định 36/2016/NĐ-CP (về quản lý trang thiết bị y tế), nhưng nghị định này đã… hết hiệu lực. Phải thực hiện theo quy định nào là câu hỏi từ nhiều bệnh viện. Và, trong lúc đợi trả lời, họ vẫn đang tuân thủ Thông tư 14/2020/TT-BYT trong sự phấp phỏng đúng - sai.

Hiện nay, các bệnh viện công phải mua sắm thông qua đấu thầu gồm 4 bước: phê duyệt chủ trương và lập dự toán; lên kế hoạch; thẩm định giá; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Khi lên kế hoạch, nếu thực hiện theo nguyên tắc “lấy lượng thuốc sử dụng năm trước để lập kế hoạch cho năm sau” thì bệnh viện nào cũng vướng. Bởi 2 năm qua, ngành y tế tập trung chống dịch Covid-19, lượng bệnh nhân đến bệnh viện ít, thuốc và vật tư sử dụng cũng giảm nhiều. Lấy con số này để lập dự toán kế hoạch mua sắm cho năm 2022 sẽ dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng số thuốc, vật tư, thiết bị phục vụ bệnh nhân. 

Quy định về trang thiết bị y tế khi mua sắm phải dựa vào định mức chung cho các bệnh viện trên toàn quốc cũng thiếu thực tế. Một bóng đèn của máy chụp CT ở bệnh viện nhỏ dùng 1 năm chưa hỏng, nhưng ở các bệnh viện tuyến đầu, nơi có số lượng bệnh nhân đến khám lớn, thì chỉ sau 3 tháng là có thể không dùng được. Mua thì phải mua bóng đèn đồng bộ với máy, nhưng như vậy lại vi phạm chỉ định thầu; còn không mua đồng bộ thì máy xem như “trùm mền”. Việc sửa đổi, điều chỉnh các quy định nêu trên không dễ và đòi hỏi thời gian, nhưng đây chính là lúc các nhà lập pháp cần chạy đua với thời gian để tháo gỡ những vướng mắc rất lớn trong thực tế.

Tin cùng chuyên mục