Đấu thầu thuốc bệnh viện - Xem trọng tiêu chí chất lượng, giá cả

Vừa qua, Báo SGGP đã có bài phản ánh “Đấu thầu thuốc bệnh viện: Vì chất lượng hay giá cả?” nêu một số bất cập sau 1 năm triển khai Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC (Thông tư 01) hướng dẫn đấu thầu mua thuốc của các cơ sở y tế và Thông tư 11/2012/TT-BYT (Thông tư 11) hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu mua thuốc. Trong đó, đặt ra vấn đề nhiều bệnh viện chọn thuốc “giá rẻ” trúng thầu dẫn đến tiết kiệm được số tiền khá lớn. Tuy nhiên, “thuốc rẻ” có đồng hành chất lượng? Xung quanh vấn đề này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).
Đấu thầu thuốc bệnh viện - Xem trọng tiêu chí chất lượng, giá cả

Vừa qua, Báo SGGP đã có bài phản ánh “Đấu thầu thuốc bệnh viện: Vì chất lượng hay giá cả?” nêu một số bất cập sau 1 năm triển khai Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC (Thông tư 01) hướng dẫn đấu thầu mua thuốc của các cơ sở y tế và Thông tư 11/2012/TT-BYT (Thông tư 11) hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu mua thuốc. Trong đó, đặt ra vấn đề nhiều bệnh viện chọn thuốc “giá rẻ” trúng thầu dẫn đến tiết kiệm được số tiền khá lớn. Tuy nhiên, “thuốc rẻ” có đồng hành chất lượng? Xung quanh vấn đề này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).

Thuốc giá rẻ có đảm bảo chất lượng?

Thuốc giá rẻ có đảm bảo chất lượng?

- Phóng viên: Thưa ông, vừa tròn 1 năm kể từ ngày triển khai Thông tư 01, ông đánh giá như thế nào?

>> TS TRƯƠNG QUỐC CƯỜNG: Nhằm chấn chỉnh công tác đấu thầu mua thuốc ở  các cơ sở y tế, Thông tư 01 và Thông tư 11 có nhiều quy định mới đảm bảo các nguyên tắc cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả kinh tế của Luật Đấu thầu. Qua đánh giá thực hiện việc mua sắm thuốc năm 2013 của các bệnh viện cũng như kết quả đấu thầu đã cho thấy hiệu quả của các quy định mới. Theo quy định cũ về đấu thầu thuốc, việc xây dựng hồ sơ mời thầu, các tiêu chí phân nhóm tiêu chuẩn chất lượng thuốc để đánh giá nhà thầu và sản phẩm dự thầu chưa được quy định rõ ràng nên các cơ sở y tế tự xây dựng, không thống nhất và có nhiều bất cập.

Đây là tồn tại lớn nhất đã được khắc phục tại Thông tư 01, theo đó đã có quy định rõ ràng về việc phân nhóm thuốc căn cứ vào các tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà máy sản xuất (tiêu chuẩn GMP) và tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, đồng thời Thông tư 11 đã hướng dẫn cụ thể về hồ sơ mời thầu mua thuốc để các cơ sở y tế áp dụng thống nhất với các tiêu chí xét thầu, chấm điểm minh bạch, công bằng.

- Có ý kiến cho rằng việc tiết kiệm ngân sách khá lớn tiền mua thuốc so với năm trước do thuốc trúng thầu có giá rẻ? Liệu thuốc giá rẻ có chất lượng đảm bảo?

Để lựa chọn được mặt hàng trúng thầu, phải qua công đoạn đánh giá tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng đạt yêu cầu, cuối cùng là lựa chọn mặt hàng có giá đánh giá thấp nhất. Theo quy định hiện hành, tất cả các mặt hàng thuốc lưu hành tại thị trường Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành sau khi hồ sơ đăng ký sản phẩm đã được thẩm định đầy đủ về tiêu chuẩn chất lượng thuốc, các dữ liệu về an toàn, hiệu quả. Vì vậy chất lượng thuốc hoàn toàn đạt yêu cầu. Các thuốc nhập khẩu để được cấp số đăng ký lưu hành (hoặc giấy phép nhập khẩu) phải được cấp phép lưu hành tại nước sản xuất, đã được thẩm định, đánh giá đầy đủ về tiêu chuẩn chất lượng, dữ liệu an toàn, hiệu quả của thuốc.

Theo nguyên tắc GMP, tất cả các mặt hàng thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường đều phải được nhà sản xuất kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu. Do đó, với các quy định pháp lý hiện hành của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành phải đảm bảo chất lượng và an toàn, hiệu quả khi sử dụng.

- Việc đấu thầu thuốc vô bệnh viện chưa nêu rõ ưu tiên thuốc sản xuất trong nước?

Trước hết, quy định về đấu thầu mua thuốc của các bệnh viện phải thực hiện đúng các quy định pháp luật về đấu thầu, ngoài ra phải tuân thủ các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO là nguyên tắc đối xử bình đẳng quốc gia (NT). Do đó, các nội dung liên quan đến việc ưu tiên, khuyến khích thuốc sản xuất trong nước cũng phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định nêu trên. Mặt khác, dù là thuốc trong nước hay nhập khẩu thì quy định về đấu thầu phải đảm bảo mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm; lấy chất lượng, hiệu quả điều trị với giá cả hợp lý làm tiêu chí lựa chọn thuốc trúng thầu.

Tại Thông tư 01, đã đưa ra các nội dung thể hiện chủ trương ưu tiên, khuyến khích, tăng cường việc sản xuất, sử dụng thuốc Việt Nam như: Thuốc sản xuất trong nước được phân nhóm riêng, do đó kế hoạch đấu thầu của các bệnh viện đều có nhóm thuốc sản xuất trong nước để lựa chọn. Các thuốc trong nước sản xuất nhượng quyền cho các nhà máy đạt tiêu chuẩn châu Âu (PIC/S-GMP hoặc EU-GMP) được tham dự thầu vào nhóm thuốc nhập khẩu đạt tiêu chuẩn châu Âu. Các thuốc trong nước chứng minh tương đương sinh học được tham dự thầu nhóm riêng cùng với thuốc nhập khẩu (hiện nay có 142 thuốc sản xuất trong nước được chứng minh tương đương sinh học) có giá cạnh tranh nên nhiều cơ hội trúng thầu.

Ngoài ra nhà thầu là doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước dự thầu sẽ có điểm kỹ thuật cao hơn nhà thầu là doanh nghiệp nhập khẩu hoặc phân phối thuốc nhập khẩu, mặt hàng thuốc kháng sinh sử dụng nguyên liệu trong nước được ưu tiên điểm…

- Theo ông việc đấu thầu thuốc vô bệnh viện hiện có gì bất cập và Cục Quản lý dược có giải pháp gì?

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho đến nay có gần 30 tỉnh, thành phố đã và đang tổ chức đấu thầu mua thuốc theo hướng dẫn mới. Các địa phương còn lại chưa tổ chức đấu thầu do thời hạn hợp đồng mua thuốc cũ chưa hết hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế còn một số địa phương mặc dù thời hạn hiệu lực hợp đồng mua thuốc theo quy định cũ đã hết nhưng vẫn chưa tổ chức đấu thầu theo quy định mới mà đề nghị được gia hạn hiệu lực hợp đồng theo kết quả đấu thầu cũ.

Đối với các trường hợp này, Cục Quản lý dược đã yêu cầu khẩn trương tổ chức đấu thầu theo đúng quy định tại các văn bản mới ban hành. Mặt khác, trong quá trình triển khai đã phát sinh một số trường hợp chưa thực hiện đúng quy định như yêu cầu nhà thầu tham gia tất cả các mặt hàng trong một gói thầu, thay đổi tiêu chuẩn đánh giá, cơ cấu điểm về mặt kỹ thuật, không thực hiện đúng hướng dẫn về phân chia nhóm thuốc... Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã có văn bản giám sát, chấn chỉnh tình trạng này…

Nhiều mặt hàng trúng thầu có giá giảm mạnh

Qua phân tích kết quả trúng thầu của 7 Sở Y tế đã thực hiện đấu thầu theo quy định mới báo cáo về Bộ Y tế thì so sánh trị giá tiền mua thuốc theo giá thuốc trúng thầu năm 2013 của 20 mặt hàng có tỷ trọng sử dụng cao trong đấu thầu thuốc tại các bệnh viện (chiếm khoảng 30% trị giá thuốc trúng thầu tại các bệnh viện) với việc mua sắm các mặt hàng này năm 2012 cho thấy số tiền tiết kiệm được là 115,49 tỷ đồng, tương đương 28% tổng trị giá trúng thầu của các mặt hàng này tại 7 Sở Y tế.  So sánh giá của các mặt hàng thuốc cụ thể cùng nhà sản xuất, cùng tên thương mại trúng thầu năm 2012 (theo quy định cũ) và năm 2013 (theo quy định mới) tại các bệnh viện, hầu hết các mặt hàng năm 2013 đều có giá giảm so với năm 2012, nhiều mặt hàng có giá giảm mạnh như: Fascort (Methyl prednisolon 4mg) giảm 42,86%; Quincef (Cefuroxim 125mg) giảm 34,64%; Teonam (Imipenem 500mg + Cilastatin 500mg) giảm 10,6%; Getzlox (Levofloxacin 750mg) giảm 6,88%...

TƯỜNG LÂM (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục