TP Hồ Chí Minh - Đô thị thông minh và hành trình hướng tới 4.0

Cuối tháng 11-2017, UBND TPHCM đã phê duyệt đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh (ĐTTM) giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025”. Như vậy, để trở thành ĐTTM trong thời gian 4 năm và tầm nhìn cho 5 năm nữa để hướng đến cuộc CMCN 4.0, là công việc hết sức bộn bề và đầy thách thức. 

Nhân dịp Xuân mới Kỷ Hợi 2019, SGGP - ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Trần Vĩnh Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban điều hành Đề án “Thành phố Thông minh”, xung quanh vấn đề này.

TP Hồ Chí Minh - Đô thị thông minh và hành trình hướng tới 4.0 ảnh 1
Định hướng và định vị cho ĐTTM 

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, ông có thể cho biết kết quả bước đầu thực hiện đề án xây dựng TPHCM trở thành ĐTTM trong hơn 1 năm qua?

Ông TRẦN VĨNH TUYẾN:  Thực hiện Kết luận 241-KL/TU ngày 20-11-2017 của Thành ủy về Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành ĐTTM giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025” (gọi tắt là Đề án), Ban cán sự Đảng UBND TP đã chỉ đạo UBND TP triển khai Quyết định 6179/QĐ-UBND ngày 23-11-2017, phê duyệt Đề án và các kế hoạch xây dựng 4 Trung tâm: Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm điều hành ĐTTM, Trung tâm an toàn thông tin, Trung tâm mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của TP. Cho đến nay tiến độ triển khai các kế hoạch xây dựng 4 Trung tâm được tiếp tục triển khai khá đồng bộ. 

Lần đầu tiên TPHCM tổ chức Diễn đàn kinh tế TPHCM, với chủ đề “Kiến tạo ĐTST, tương tác - vai trò vận động của doanh nghiệp”. Qua phát biểu của các diễn giả và tham luận tại diễn đàn, có thể khẳng định chủ trương xây dựng khu ĐTST tương tác cao ở phía Đông TP là phù hợp với đặc điểm của TP và xu hướng phát triển kinh tế tri thức của thế giới. TP đã thu hoạch được nhiều bài học quan trọng từ việc quản lý phát triển các TP sáng tạo, khu ĐTST tại Nhật Bản, Phần Lan, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và Israel. Cụ thể, đối với xây dựng Hệ sinh thái dữ liệu mở, Ban điều hành đã chỉ đạo Công ty phát triển Công viên phần mềm Quang Trung xây dựng kế hoạch thực hiện. Giai đoạn đầu sẽ sử dụng ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội để triển khai dữ liệu mở.

Giai đoạn sau sẽ mở rộng và nghiên cứu đề xuất cơ chế tổ chức thu, sử dụng phí dịch vụ trong quá trình vận hành, khai thác dữ liệu mở. Về xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, UBND TP đã giao Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) và Cục Thuế TPHCM thực hiện tích hợp dữ liệu đăng ký doanh nghiệp (tại Sở KH-ĐT) và dữ liệu về thuế (tại Cục Thuế TP), hình thành dữ liệu doanh nghiệp dùng chung thống nhất, trước mắt phục vụ nhu cầu thống kê, tổng hợp các số liệu phục vụ báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP. 

UBND TP đã ban hành Quyết định 3860/QĐ-UBND ngày 7-9-2018 về Quy chế phối hợp xử lý thông tin. Theo đó, chỉ đạo Sở TT-TT trình Đề án mở rộng Cổng thông tin tiếp nhận sự cố hạ tầng kỹ thuật 1022, thành Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức; làm việc với Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT), Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, UBND quận 1, quận 5, quận 12 để xây dựng phương án thí điểm tích hợp hệ thống camera lên hệ thống 1022 (giai đoạn 1); làm việc với Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) để tiếp nhận thông tin lĩnh vực môi trường lên hệ thống 1022; làm việc với Facebook để xây dựng Trang cộng đồng (fanpage) 1022 TPHCM trên mạng xã hội, để tiếp nhận và phản hồi thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn cho hệ thống 1022. 

Dự kiến trong tháng 1-2019, vận hành Trung tâm điều hành ĐTTM (giai đoạn 1) tại UBND TP, trên cơ sở tích hợp các hệ thống camera hiện có của Văn phòng UBND TP và các sở, ngành, các trung tâm vào Trung tâm điều hành chung. Hoàn thành dự án hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Trung tâm ứng cứu khẩn cấp của đơn vị tư vấn quốc tế, để báo cáo UBND TP thông qua…

Quý III-2019, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Kho dữ liệu dùng chung giai đoạn 2 (hoàn chỉnh). Chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, Sở Khoa học-Công nghệ (KH-CN) tham mưu UBND TP kế hoạch xây dựng bản đồ số dùng chung của TP để phục vụ khai thác, chia sẻ dữ liệu bản đồ (địa hình, địa chính, giao thông, quy hoạch…) và hướng dẫn các đơn vị thực hiện. 

ĐTST hướng Đông sẽ là hạt nhân kết nối

- Vì sao TP chọn Khu đô thị sáng tạo (ĐTST) hướng Đông và xác định là hạt nhân của hành trình hướng đến 4.0, thưa ông?

- Khu ĐTST hướng Đông có nhiều ưu thế để thực hiện các đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển của TPHCM, bao gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức, đây là địa điểm có nhiều cơ sở hạ tầng thuận lợi. Hạ tầng dự kiến hình thành khu ĐTST là khu đô thị mới Thủ Thiêm; khu Công nghệ cao; khu công nghiệp và khu chế xuất (quận Thủ Đức); khu Đại học Quốc gia TPHCM; khu Văn hóa dân tộc; hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng đã và đang hình thành như tuyến Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1A, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cảng Cát Lái (cảng lớn nhất hiện nay)…

Nhìn chung, khu vực này đã và đang tạo ra được các sản phẩm mang hàm lượng khoa học - công nghệ cao có thể liên kết với nhau.

Lần đầu tiên TPHCM tổ chức Diễn đàn kinh tế TPHCM, với chủ đề “Kiến tạo ĐTST, tương tác - vai trò vận động của doanh nghiệp”. Qua phát biểu của các diễn giả và tham luận tại diễn đàn, có thể khẳng định chủ trương xây dựng khu ĐTST tương tác cao ở phía Đông TP là phù hợp với đặc điểm của TP và xu hướng phát triển kinh tế tri thức của thế giới. TP đã thu hoạch được nhiều bài học quan trọng từ việc quản lý phát triển các TP sáng tạo, khu ĐTST tại Nhật Bản, Phần Lan, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và Israel

Hình thành Khu ĐTST hướng Đông chính là kết nối chặt chẽ, hiệu quả các chức năng trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực trình độ cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, dịch vụ trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và hỗ trợ tài chính, thương mại hiệu quả.

Hình thành các chuỗi giá trị gia tăng từ khâu nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ. Khu ĐTST hướng Đông sẽ trở thành lõi trung tâm kinh tế sầm uất, giáo dục khoa học sáng tạo mở phát triển bậc nhất của Việt Nam và Đông Nam Á.

ĐTST mở ở TPHCM sẽ phát triển theo hướng hoàn toàn mở, đúng nghĩa về tư duy và mô hình thử nghiệm, khi triển khai chú trọng các chức năng “Giáo dục - Nghiên cứu - Kinh tế - Quốc tế”.

Là khu vực đào tạo chấn hưng nền giáo dục trong tất cả các lĩnh vực tiên phong về khoa học kỹ thuật, kinh tế, y tế, được phát triển song song với quá trình nghiên cứu trình độ cao. Tiếp đó, sẽ là khu vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật chuyên sâu theo chiến lược đặc biệt của Chính phủ và TPHCM; sẽ có những trung tâm nghiên cứu mô hình thử nghiệm tiến bộ khoa học công nghệ về trí tuệ nhân tạo, siêu thông minh... và những mô hình thương mại kinh tế mới mang tính toàn cầu. 

Những điểm sáng bước đầu

- Để có được ĐTTM cần có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại và truyền thông đa phương tiện. Điều này được gọi chung là ICT với mức độ tự động hóa cực kỳ cao. TP đã định vị như thế nào?

TPHCM đã phối hợp với Công ty TNHH Intel Product Việt Nam, cử 6 sinh viên tham gia khóa đào tạo thạc sĩ tại Đại học Bang Arizona - Mỹ, nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho Đề án. Nội dung đào tạo bao gồm các lĩnh vực như giao thông, môi trường, năng lượng, an toàn thực phẩm, hóa học… Hợp tác với Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA). Tham gia Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN…

Chúng ta có thể hình dung không gian của ĐTTM được phủ kín bởi sóng và từ, trước hết là của mạng lưới điện toán đám mây bao phủ trên bầu trời TP tựa như một cái ô khổng lồ, sau đó là sóng và từ của hàng triệu cảm ứng, tia ảnh của hàng triệu camera được đặt khắp mọi nơi. Đó chính là nguyên lý của “vạn vật kết nối”, tức toàn bộ TP được kết nối trong một hệ thống, vạn vật được nằm trong tầm điều khiển và kiểm soát, dù đó là cái cây, bóng đèn, van nước hay con người.

Tuy nhiên, để cho hạ tầng kỹ thuật ICT đó hoạt động được người ta cần đến một hạ tầng xã hội tương thích, bao gồm thể chế chính trị, bộ máy vận hành và công dân.

TP đã chọn quận 1 và quận 12 để triển khai thí điểm mô hình ĐTTM. Theo đó, 2 quận này sẽ phối hợp với các đối tác triển khai ứng dụng CNTT và triển khai mô hình ĐTTM tại địa phương. Dựa trên cơ sở hạ tầng hiện hữu ở 2 khu vực, một số giải pháp công nghệ phù hợp sẽ được triển khai nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến môi trường, ùn tắc giao thông… của người dân. Theo kế hoạch, các sở ngành cũng sẽ lần lượt triển khai đề án trên trong các lĩnh vực cụ thể theo thứ tự ưu tiên. 

TPHCM đã phối hợp với Công ty TNHH Intel Product Việt Nam, cử 6 sinh viên tham gia khóa đào tạo thạc sĩ tại Đại học Bang Arizona - Mỹ, nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho Đề án. Nội dung đào tạo bao gồm các lĩnh vực như giao thông, môi trường, năng lượng, an toàn thực phẩm, hóa học… Hợp tác với Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA). Tham gia Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN…

Bên cạnh các chương trình, ứng dụng CNTT trên diện rộng, sẽ có các giải pháp công nghệ được triển khai ngay để cung cấp các tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Từ giữa tháng 9-2018, người tham gia giao thông tại TPHCM có thể sử dụng Zalo (phần mềm nhắn tin, gọi điện và mạng xã hội) đã cài sẵn trên điện thoại, để tra cứu thông tin về tình hình giao thông tại trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam.

Chỉ với vài thao tác tra cứu, người sử dụng Zalo có thể nắm được tình hình xe di chuyển trên các tuyến đường theo thời gian thực, để chọn ra những tuyến đường không bị kẹt xe. Giải pháp này hỗ trợ người dân TP có thể xem hình ảnh trực tiếp từ 685 camera giao thông trên địa bàn TP, trong đó có cả camera trên tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Người dân cũng có thể kiểm tra bản đồ trực quan về lưu lượng xe cộ đang lưu thông, để chọn lộ trình di chuyển phù hợp. Ngoài ra, những thông tin cảnh báo khu vực đang xảy ra ùn tắc, sửa chữa; các tuyến đường đang phân luồng cần hạn chế lưu thông… cũng liên tục được cập nhật.

Khi muốn biết nhanh về thông tin giao thông ở khu vực lân cận, hay cần xem hình ảnh camera ở tuyến đường nhất định, người dân chỉ cần gửi tin nhắn “Tôi muốn xem camera + tên đường”, hệ thống sẽ trả về kết quả nhanh chóng, chuẩn xác.

- Triển khai thực hiện việc này, trong năm qua TP đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị kêu gọi nhà đầu tư tham gia, thưa ông?

- TP đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ như VNG, Viettel, VNPT, FPT, CMC… về việc tham gia cung cấp các giải pháp cho ĐTTM. Đại diện của các doanh nghiệp này cho biết họ sẵn sàng hợp tác với TP để triển khai ĐTTM, theo hình thức doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư giải pháp để cung cấp dịch vụ.

Cụ thể, VNPT đang hoàn thiện khung kiến trúc tham chiếu về ĐTTM, các chuẩn kết nối, tích hợp cho các hệ thống và dịch vụ ĐTTM; đề xuất mô hình và giải pháp cho Trung tâm Điều hành thông minh của TP (IOC); phối hợp với Công ty phát triển Công viên phần mềm Quang Trung, lên phương án xây dựng Trung tâm dữ liệu dự phòng cho TP và các hoạt động CNTT liên quan phục vụ SEAGames 31; tiếp tục nghiên cứu đề xuất triển khai thí điểm xây dựng ĐTTM tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; nâng cấp một số tính năng cho hạng mục Trung tâm ứng cứu khẩn cấp dựa trên hệ thống liên thông 113-114-115… TP cũng đặt hàng VNPT các chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc vận hành ĐTTM.

Hay Viettel sẽ cung cấp 100% WiFi không dây vào từng nhà người dân, đồng thời đề nghị cung cấp gói cước 4G cho du khách đến TP. Còn VNG đang cung cấp các giải pháp đám mây, giúp giải quyết những bài toán của sự phát triển đô thị như tắc nghẽn giao thông, an toàn cho TP (thông qua những công nghệ như camera thông minh), rác thải ô nhiễm, giáo dục…

Trong khi đó, ngày 2-9-2018, Tập đoàn Lotte đã khởi công dự án Khu phức hợp thông minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Bên cạnh đó, TPHCM và Singapore hợp tác xây dựng ĐTTM; học kinh nghiệm xây dựng ĐTTM và khởi nghiệp sáng tạo tại Tel Aviv, Israel.

Và hành trình hướng đến 4.0

- Như vậy TP đã xác định việc xây dựng ĐTTM hướng tới 4.0, thưa ông?

- Có thể nói nôm na, để xây dựng ĐTTM, TPHCM ứng dụng triệt để CNTT không chỉ với bộ máy hành chính để nâng cao công tác quản lý, điều hành, mà còn đối với tất cả mọi lĩnh vực đời sống, xã hội liên quan trực tiếp người dân, doanh nghiệp. Các tiện ích tạo ra sẽ giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong cuộc sống, tương tác với cơ quan nhà nước...

Khi TPHCM trở thành ĐTTM, người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ các lĩnh vực trong cuộc sống. Chẳng hạn khi hoàn chỉnh ĐTTM, người dân chỉ cần với thiết bị điện tử cầm tay (điện thoại, iPad...), có thể dễ dàng lựa chọn dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, biết được khu vực nào kẹt xe, ngập nước để chủ động về mặt thời gian, có lựa chọn hướng đi phù hợp. Người dân cũng có thể sử dụng vé điện tử liên thông hệ thống giao thông công cộng; kiểm soát truy xuất nguồn gốc thực phẩm… 

Còn với các lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính, xin giấy phép xây dựng, đăng ký kinh doanh… việc liên thông điện tử trong ĐTTM sẽ giúp người dân, doanh nghiệp có thể ở nhà nộp hồ sơ, thanh toán chi phí thủ tục qua mạng, rồi nhận kết quả thông qua bưu điện. Mỗi sở ngành là đầu mối tiếp nhận dịch vụ công nào phải chủ động liên thông với các sở ngành, đơn vị khác có liên quan để giải quyết, đồng thời trả kết quả cuối cùng, không để người dân, doanh nghiệp mang hồ sơ chạy lòng vòng…

Tóm lại, việc xây dựng Khu ĐTST sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy kinh tế của TP và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển bền vững, góp phần nhân rộng mô hình này trong chiến lược phát triển đô thị chính sách và tầm nhìn phát triển đô thị, không chỉ từ nay đến 2020 mà trong 5 năm tới trong chiến lược 2021-2030.

- Xin cảm ơn ông. 

Tin cùng chuyên mục