Đằng sau vụ tranh chấp quyền sở hữu “Thần đồng Đất Việt”

Tranh chấp do thiếu hiểu biết

Có hai luật mà nếu gia nhập WTO Việt Nam bắt buộc phải thực thi theo luật pháp quốc tế là Luật Cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó Luật Sở hữu trí tuệ cho đến nay vẫn còn là khái niệm khá mù mờ đối với rất nhiều người kể cả những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của luật mà vụ tranh chấp quyền sở hữu tác phẩm, nhân vật Thần đồng Đất Việt hiện nay là một ví dụ điển hình.

  • Từ mâu thuẫn quyền lợi...

Giành được rất nhiều kỷ lục về sách ở Việt Nam, hình ảnh những nhân vật chính xuất hiện ở khắp mọi nơi thậm chí có cả một chương trình truyền hình lấy tên là Thần đồng Đất Việt, có thể nói ánh hào quang mà bộ truyện tranh này đạt được vượt xa bất kỳ một bộ truyện tranh nào đã làm được tại Việt Nam. Thế nhưng những người đã khai sinh ra những nhân vật Trạng Tí, Sửu, Dần, Mẹo lại đang sa vào một cuộc chiến pháp lý nhằm khẳng định ai mới là người thực sự có quyền sở hữu những nhân vật trên.

Theo chị Phan Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Phan Thị, cũng là một trong hai người có tên trên tờ đăng ký bản quyền quyền tác giả: “Cách nay hơn 4 năm khi quyết định sản xuất một bộ truyện tranh thuần túy Việt Nam, Phan Thị đã tiến hành tuyển mộ nhân viên và trong số những người đến xin việc có Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh), một kiến trúc sư nhưng lại say mê sáng tác truyện tranh”. Cũng theo chị Hạnh thì kể từ đó bắt đầu sự kết hợp giữa tay nghề vẽ của Lê Linh với ý tưởng xây dựng nhân vật, cốt chuyện của chị để cho ra đời những ấn phẩm Thần đồng Đất Việt đầu tiên. Thần đồng Đất Việt đã thành công và Công ty Phan Thị nghiễm nhiên có được một vị thế vững vàng trên thương trường cũng như tên tuổi Lê Linh được khẳng định qua từng tập truyện tranh.

Thế nhưng cũng từ thành công này, mâu thuẫn đã nảy sinh. Sang năm thứ 2, họa sĩ Lê Linh đề nghị thay vì được trả lương như một nhân viên chuyển qua nhận thù lao sáng tác theo dạng khoán sản phẩm và mức thù lao tăng lên liên tục theo đà ăn khách của ấn phẩm trên thị trường. Tới tập 50 họa sĩ Lê Linh đề nghị được truy lĩnh khoản tiền thù lao các tập đầu theo mức hiện tại với lý do các tập này đang được tái bản liên tục. Giám đốc Công ty Phan Thị, chị Mỹ Hạnh, đã đồng ý nhưng đề nghị cho được trả góp mỗi lần 1/2 số tiền của một tập cũ, như vậy mỗi tập mới họa sĩ Lê Linh được trả toàn bộ tiền thù lao của tập mới cộng với 1/2 tiền thù lao truy lĩnh của những tập đầu.

Đến tập 78, toàn bộ số tiền của những tập cũ đã được thanh toán hết nhưng cũng là lúc họa sĩ Lê Linh đề nghị xem xét lại mức thù lao mới, đặc biệt là phần trả cho họa sĩ Lê Linh trong các hợp đồng thương mại sử dụng thương hiệu Thần đồng Đất Việt cùng những hình ảnh nhân vật trong truyện. Đến đây, Công ty Phan Thị đã từ chối những yêu cầu của họa sĩ Lê Linh. Và mâu thuẫn lên đến đỉnh cao khi họa sĩ Lê Linh đơn phương ngừng cộng tác với Công ty Phan Thị không thực hiện những phần tiếp theo, còn Công ty Phan Thị cũng loại bỏ tên Lê Linh để tiếp tục ra những tập mới do họa sĩ khác thực hiện dựa trên những nét vẽ quen thuộc của họa sĩ Lê Linh.

  • ... Đến tranh chấp quyền tác giả

Trong lần hòa giải gần đây nhất do Hội Sở hữu trí tuệ tổ chức, vấn đề tranh cãi xoay quanh việc khẳng định ai mới có quyền tác giả thật sự của bộ truyện Thần đồng Đất Việt. Hiện nay, cả hai bên đều cương quyết bảo vệ quan điểm của mình và đều sẵn sàng chấp nhận lấy tòa án làm nơi quyết định.

Nhận xét về vụ tranh chấp này, giáo sư tiến sĩ khoa học luật Nguyễn Vân Nam, giáo sư về Luật Sở hữu trí tuệ tại Đức, nhận xét: “Khác với các luật dân sự hay hình sự, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì Luật Sở hữu trí tuệ của ta buộc phải tuân theo Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của WTO. Theo đó những vụ việc như của Lê Linh và Công ty Phan Thị đã được giải quyết rất rốt ráo ở các nước công nghiệp phát triển. Ngay cả tại Việt Nam cũng có quy định về vấn đề này. Theo tôi vụ việc giữa Công ty Phan Thị và Lê Linh xuất phát từ việc không nắm rõ về luật dẫn đến những hành động không đúng”.

Giáo sư Nguyễn Vân Nam còn cho biết thêm: theo Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ VN mới đã có hiệu lực thi hành thì trong trường hợp tổ chức hay cá nhân giao nhiệm vụ với người lao động (ở đây là hợp đồng lao động) thì quyền tài sản thuộc về người chủ lao động. Như vậy việc khai thác và sử dụng tác phẩm như thế nào là hoàn toàn thuộc về Công ty Phan Thị kể cả việc quyết định tính toàn vẹn của tác phẩm. Tuy nhiên, do Cục Bản quyền đã công nhận Lê Linh và Phan Thị là đồng tác giả nên họa sĩ Lê Linh vẫn còn 1/2 quyền nhân thân. Như vậy, trong trường hợp Phan Thị có tiếp tục ra các tập tiếp theo, tác phẩm phát sinh hay sử dụng hình ảnh vào các mục đích khác thì chỉ cần đề thêm vào là “Trong tác phẩm có sử dụng hình ảnh của Lê Linh và Phan Thị” mà không phải trả bất kỳ một khoản tiền nào.

  • Cái giá của sự thiếu hiểu biết về luật

Nhận xét về vụ tranh chấp này luật sư Vân Nam cũng như nhiều luật sư khác đều cùng quan điểm rằng cả hai bên đều thiếu hiểu biết về Luật Sở hữu trí tuệ để chuẩn bị cho những tình huống tranh chấp như hiện nay. Kinh doanh trong lĩnh vực liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nhưng lại thiếu hẳn kiến thức về Luật Sở hữu trí tuệ đã đẩy công ty vào tình trạng khó khăn, điều mà ngay từ đầu nếu có sự chuẩn bị tốt về mặt luật pháp, hợp đồng lao động rõ ràng thì đã tránh cho công ty những rắc rối như hiện nay.

Và đối với bạn đọc, dù ai thắng hay thua trong vụ tranh chấp này đều là một điều đáng tiếc. Tác phẩm Thần đồng Đất Việt có được như ngày hôm nay là nhờ công sức của cả hai người Phan Thị Mỹ Hạnh và Lê Linh, thiếu đi một trong hai cũng khiến tác phẩm giảm đi sức lôi cuốn. Điều đáng tiếc đó đã không xảy ra nếu cả hai đều có sự am hiểu nhất định về Luật Sở hữu trí tuệ ngay từ đầu. 

LÊ DIỆU TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục