Trí thức, anh là ai?

Vấn đề hiện nay là đội ngũ trí thức ở TPHCM nhiều, song sự đóng góp, tạo ra sản phẩm cụ thể còn hạn chế. Trí thức là ai, cũng chưa có câu trả lời đầy đủ?

Ngày 13-4, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại TPHCM.

Trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức

Báo cáo với đoàn công tác, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Huỳnh Văn Chúm cho hay, Nghị quyết số 27 tạo một luồng gió mới, động lực thực sự giúp đội ngũ trí thức ở TP tăng khá nhanh về số lượng và chất lượng. Nghị quyết 27 cũng đã đi vào đời sống. TP đã từng bước hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức. TP đã đầu tư xây dựng các thiết chế để tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, như: Khu công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Khu Công nghệ phần mềm Quang Trung, Viện Khoa học – Công nghệ Tính toán, Viện Nghiên cứu Phát triển, Trung tâm Công nghệ sinh học…

Cùng với đó, cơ chế chính sách thu hút trí thức khoa học công nghệ tham gia nghiên cứu, học tập, sản xuất tại 4 đơn vị nghiên cứu trọng điểm đã tạo bước phát triển về nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đa dạng hoá các sản phẩm khoa học đáp ứng nhu cầu của thị trường.

TP còn hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm đẩy mạnh các dự án phát triển khoa học công nghệ (công nghệ thiết kế vi mạch, ứng dụng tế bào gốc…), tham gia nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào thực hiện các công trình đột phá của TP (giải quyết kẹt xe, ngập nước…). Thông qua đó để thu hút lực lượng trí thức trong và ngoài nước tham gia.

Đại học Quốc gia TPHCM đã hình thành trên 20 nhóm nghiên cứu có khả năng tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế. Các trí thức kiều bào được trân trọng, phát huy; Câu lạc bộ khoa học và kỹ thuật người Việt Nam ở nước ngoài thu hút khoảng 200 trí thức ở các nước, hoạt động trên nhiều lĩnh vực.

Trí thức, anh là ai? ảnh 1 Các thạc sĩ, tiến sĩ trong chương trình đào tạo 300-500 thạc sĩ, tiến sĩ TPHCM. Ảnh: MẠNH HÒA

Trong xây dựng hệ thống chính trị, TPHCM đã xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Đỗ Văn Đạo cho biết, chương trình đào tạo 300-500 thạc sĩ, tiến sĩ ở các lĩnh vực TP cần như môi trường, vật liệu mới, thị trường tài chính… và TP đã sử dụng hiệu quả lực lượng này.

Song song đó, TP đã thành lập các hội đồng nhằm phát huy tốt hơn đội ngũ trí thức trong việc tư vấn, phản biện giúp lãnh đạo TP có chủ trương, quyết sách đúng đắn trong xây dựng và phát triển TP. Việc trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức được TP chú trọng, tạo điều kiện để các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đóng góp vào sự phát triển mọi mặt của TP.

Cần có cơ chế để trí thức “tự nguyện, tự giác, tự trọng” đóng góp 

Số lượng trí thức trên địa bàn TPHCM là rất lớn. Tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa được tính đến đầy đủ, cụ thể là chưa tính đến số lượng trí thức đang làm việc ở các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM cho biết, TP có trên 300.000 doanh nghiệp, nếu mỗi doanh nghiệp chỉ có 1-2 trí thức thôi thì số lượng trí thức ở các doanh nghiệp cũng đã rất lớn. Ông Thanh đề nghị cần khảo sát, thống kê về đội ngũ này.

PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM cũng nhìn nhận, bản thân liên hiệp hội chưa tiếp cận, chưa “với” được tới đội ngũ trí thức khu vực doanh nghiệp.

Điều quan trọng, số lượng trí thức ở TPHCM nhiều nhưng chưa được phát huy tương xứng. Số lượng các đề án, đề tài, công trình khoa học, sản phẩm ứng dụng cụ thể… còn hạn chế.

PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa bày tỏ, nhiều trí thức đặt câu hỏi về sự tin cậy, tin tưởng đối với trí thức. 

Riêng tại Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TPHCM, PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa chia sẻ, số lượng đội ngũ đông (75.000 người), song so với khối lượng công việc của một TP lớn như TPHCM thì sự đóng góp của đội ngũ trí thức liên hiệp hội chưa nhiều, chưa phải là cao.

PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa bày tỏ, nhiều trí thức đặt câu hỏi về sự tin cậy, tin tưởng đối với trí thức. Ông Nghĩa dẫn chứng nhiều chủ trương, quy định liên quan đến trí thức lại chưa nhất quán, chính điều này là mấu chốt ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, sự cống hiến của trí thức.

PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa cũng chỉ ra thực tế, hiện nay từ Trung ương có rất nhiều chiến lược nhưng lại chưa có chiến lược xây dựng đội ngũ trí thức. Không có chiến lược nên các tỉnh, thành phải dùng biện pháp hành chính đối với trí thức. Mà dùng mệnh lệnh, biện pháp hành chính là hiệu quả không cao.

“Cần phải có chiến lược để cụ thể hóa việc xây dựng đội ngũ trí thức. Làm sao có cơ chế để trí thức tự nguyện, tự giác, tự trọng tham gia, đóng góp, nhất là vào hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ”, PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa đề nghị.

Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Lê Trọng Hiếu cho rằng, chất lượng trí thức vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

"Việc đào tạo đại học hiện nay dư luận suy nghĩ theo hướng là “phổ cập đại học”, hay “xóa mù đại học”. Nếu như vậy thì chất lượng đào tạo không đảm bảo. Mà như vậy thì chất lượng trí thức khó đảm bảo cho yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang ập tới” - ông Lê Trọng Hiếu phân tích và đề nghị cần quan tâm đổi mới thật sự chất lượng đào tạo trí thức.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy TPHCM Trần Văn Nam đề nghị, cần có khái niệm rõ ràng thế nào là trí thức, với các tiêu chí định lượng cụ thể (ví dụ như trình độ thế nào thì được coi là trí thức), làm cơ sở để thống kê, xây dựng đội ngũ này.

Thay mặt đoàn công tác, trưởng đoàn Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết 27, đã ghi nhận các góp ý của TPHCM.

Cuối năm 2017, TPHCM có đội ngũ trí thức các quận, huyện gồm gần 63.500 người (chiếm gần 73% cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên; tăng gần 7% so với năm 2007) có trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học. Các sở, ngành có gần 34.300 người (chiếm gần 63%; tăng 9,5%). Đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM có khoảng 75.000 hội viên (tăng 25.000 hội viên) có trình độ từ cao đẳng trở lên.

Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.

Tin cùng chuyên mục