Trịnh Hòa - Người đến châu Mỹ trước Columbus

Trịnh Hòa - Người đến châu Mỹ trước Columbus

Đến nay, việc Trịnh Hòa (1371 - 1435?) hay Christopher Columbus đến châu Mỹ trước đã không còn là đề tài tranh cãi. Loạt sử liệu và chứng cứ công bố vài năm gần đây đã chứng minh Trịnh Hòa từng thực hiện nhiều chuyến hải hành rất lâu trước khi Columbus đến châu Mỹ.

Hạm đội Trịnh Hòa cũng quy mô hơn, chuyên dụng hơn và tài đi biển của Trịnh Hòa dường như không kém Columbus. Tạp chí Life từng xếp Trịnh Hòa đứng thứ 14 trong danh sách những nhân vật tạo ảnh hưởng nhất thiên niên kỷ. Trịnh Hòa thực hiện tất cả bảy chuyến hải hành. Chuyến thứ nhất khởi hành ngày 11-7-1405 (cột mốc vừa được Trung Quốc chọn là Ngày hàng hải quốc gia).

  • 600 năm chuyến Tây Dương của Trịnh Hòa
Trịnh Hòa - Người đến châu Mỹ trước Columbus ảnh 1

Trịnh Hòa còn đóng vai trò sứ thần của triều Minh.

Tại phòng Đông Á học thuộc Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ (lớn nhất thế giới), người ta có thể thấy bản sao tấm bản đồ dài 6,4m ghi bằng tiếng Hoa tên nhiều vùng biển thế giới. Đây chính là tấm bản đồ mà Trịnh Hòa từng dùng cho bảy chuyến hải hành (từ 1405 - 1433), với hạm đội gồm 28.000 người đi trên hơn 300 con thuyền.

Lịch sử hàng hải trước đó chưa bao giờ chứng kiến một hạm đội khổng lồ như vậy và mức độ quy mô của nó chỉ có thể được so sánh mãi gần 5 thế kỷ sau (thời Thế chiến thứ nhất).

Con tàu chỉ huy của đô đốc Trịnh Hòa dài đến 122m, so với 26m của con tàu lớn nhất Santa Maria trong hải đội Columbus… Không phải là người Hoa, Trịnh Hòa tên thật là Mã Tam Bảo, sinh tại Vân Nam, là hậu duệ đời thứ 6 của Sayyid Ajjal Shams al-Din Omar – người có nguồn gốc xuất thân từ nơi hiện nay là Uzbekistan, từng cai quản tỉnh Vân Nam (theo Islamfortoday.com, họ Mã của Trịnh Hòa là phiên âm từ chữ “Mohammed” nhưng theo Từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia, nó được đặt theo Masuh – người con thứ năm của Shams al-Din Omar).

Bố và ông nội của Trịnh Hòa từng hành hương đến Thánh địa Mecca, cho nên, Trịnh Hòa hẳn từng nghe nhiều chuyện kể về các chuyến viễn hành. Năm 1381, khi nhà Minh đánh Vân Nam, Trịnh Hòa (mới 10 tuổi) bị bắt, bị thiến, trở thành thái giám và được đưa về cung đình, phục vụ cho một hoàng tử, con của Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương.

Không chỉ trở thành “hảo bằng hữu” của hoàng tử trong suốt thời niên thiếu, Trịnh Hòa còn giúp hoàng tử thực hiện thành công cuộc tiếm ngôi đẫm máu năm 1402. Vị hoàng tử này trở thành vua Minh Thành Tổ (hiệu Vĩnh Lạc). Để tỏ lòng cảm kích, Minh Thành Tổ phong Trịnh Hòa làm đô đốc. Đó là tóm tắt tiểu sử Trịnh Hòa (tài liệu tham khảo bổ sung: U.S. News & World Report, 23-2-2004).

Năm 1999 (theo nguồn PBS), phóng viên New York Times Nicholas D. Kristof cho biết mình rất bất ngờ khi phát hiện tại hòn đảo nhỏ Pate ngoài khơi Kenya (châu Phi) có một cộng đồng người Hoa sinh sống từ nhiều thế kỷ. Họ kể rằng mình là hậu duệ của các thủy thủ Trung Hoa trôi dạt đến đây từ các chuyến vạn lý hải hành.

Đây là một chứng cứ nữa cho thấy người Hoa từng thực hiện các chuyến đi biển xa, rất lâu trước người phương Tây (Christopher Columbus – năm 1492; Vasco da Gama – 1498 và Ferdinand Magellan – 1521). Theo National Geographic trong số chuyên đề về Trịnh Hòa (7-2005), tại lăng mộ khổng lồ mà Vĩnh Lạc dựng cho vua cha Minh Thái Tổ có tấm bia đá ghi lại kỳ tích viễn dương của Trịnh Hòa.

Trong nhiều năm, giới nghiên cứu phương Tây không quan tâm lắm cứ liệu này, cho đến năm 1962, khi người ta phát hiện một cột bánh lái 10,9m dưới sông Dương Tử, đủ để điều khiển một baochuan (bảo thuyền – tên gọi những con tàu lớn thời Minh). Hạm đội Trịnh Hòa gồm khoảng 62 tàu khổng lồ như vậy. Mục đích thực hiện cuộc Tây Dương của Chu đế Vĩnh Lạc là mở rộng kinh thương kết hợp bang giao – như kết quả nghiên cứu của Louise Levathes, tác giả quyển When China Ruled the Seas. Sau thời gian ròng rã xây dựng đội tàu (hiện ở Nam Kinh vẫn còn vết tích xưởng đóng tàu của Trịnh Hòa), ngày 11-7-1405, Trịnh Hòa khởi hành.

  • Người khai mở mậu dịch hàng hải Trung Quốc

Trịnh Hòa không chỉ là nhà hàng hải. Năm 1407, đoàn tàu Trịnh Hòa đụng độ hải tặc Chen Zuyi tại eo Malacca (nơi hiện nay vẫn được xem là “ổ” của hải tặc). Sau cuộc thương lượng, Trịnh Hòa yêu cầu Chen Zuyi đầu hàng. Chen Zuyi giả vờ đồng ý nhưng lập kế hoạch đánh cướp đoàn tàu Trịnh Hòa. Được mật báo âm mưu Chen Zuyi, Trịnh Hòa tổ chức tấn công. Trận hải chiến kết thúc, Trịnh Hòa tiêu diệt đoàn tàu Chen Zuyi, giết đến 5.000 tên cướp biển. Chen Zuyi bị bắt và bị đưa về Nam Kinh hành quyết. Kẻ mật báo được phong làm quan Palembang, trở thành một trong những đồng minh của triều Minh (cuối trào Vĩnh Lạc, có đến hơn 30 nước phải triều cống cho nhà Minh).

Theo tác giả Frank Viviano (National Geographic), trận hải chiến giữa Trịnh Hòa và Chen đã được kể chi tiết trong quyển Khảo sát tổng quát các vùng biển ấn hành năm 1412 của Ma Huan, người Hoa thuộc tộc Hồi nói giỏi tiếng Arab được sử dụng làm phiên dịch trong ít nhất ba chuyến hải hành của Trịnh Hòa (trong quyển sách trên, Ma Huan cũng kể lại nhiều về văn hóa ẩm thực cũng như phong tục địa phương, từ ma chay, cưới hỏi đến sinh hoạt xã hội).

Năm 1411, khi đến Sri Lanka, Trịnh Hòa cũng can thiệp cuộc nội chiến giữa người Tamil Hindu và Phật giáo Sinhala. Dưới sự ủng hộ của Trịnh Hòa, vua Sinhala – Parakramabahu VI – đã đánh bại Tamil và cai quản Sri Lanka trong 55 năm (bây giờ, Lực lượng những con hổ giải phóng Tamil Eelam vẫn chống lại Chính phủ trung ương tại thủ đô Colombo do người Sinhala thống trị).
 
Trong 28 năm, Trịnh Hòa đã đi hơn 50.000 km, đến 37 quốc gia - lãnh thổ, từ Đông Nam Á, Trung Đông đến châu Phi. Tiến sĩ Jin Wu thuộc Đại học Iowa – chuyên gia lịch sử hàng hải lừng danh – đã so sánh quy mô hải hành của Trịnh Hòa như sau: trong khi hải đoàn Trịnh Hòa có hơn 300 tàu với 28.000 - 30.000 người thì hải đội Columbus chỉ có 3 tàu với 90 người; Da Gama với 4 tàu và 160 người và Magellan với 5 tàu và 265 người (theo website Đại học California - Los Angeles, international.ucla.edu)…

Một trong những di sản của Trịnh Hòa là khai mở một quá trình mậu dịch hàng hải lâu dài cho Trung Hoa sau khi ông mất. Mậu dịch đường biển của Trung Hoa tiếp tục duy trì và thậm chí thống trị thị trường Đông Nam Á cho đến thế kỷ 19. Chuyến cập cảng của tàu Keying đến Mỹ và Anh vào năm 1846 và 1848 cho thấy hàng hải Trung Hoa vẫn rất mạnh, vào thời mà hàng hải khu vực còn gói gọn trong khái niệm “đi biển đánh cá”.

Tuy nhiên, sau thời Minh Thành Tổ, triều Minh kế tiếp không mặn mà với mậu dịch viễn dương. Mãi đến cuối thập niên 1420, khi đối mặt sức ép của Mông Cổ trên đất liền, đe dọa hải tặc từ Nhật Bản và loạt cuộc nổi dậy tại biên cương, triều Minh quyết định khôi phục Hạm đội Bảo thuyền. Năm 1431, Trịnh Hòa lên đường cho chuyến hải hành cuối cùng. Một số nhà viết sử cho rằng Trịnh Hòa trở về nhà năm 1433 và chết vào hai năm sau tại Nam Kinh. Tuy nhiên, theo National Geographic cũng như một số tài liệu khác, ngôi mộ Trịnh Hòa tại Nam Kinh thật ra là mộ trống. Trịnh Hòa có thể đã chết dọc đường và được thủy táng ngoài khơi Malabar (Ấn Độ).

LÊ THẢO CHI

Trịnh Hòa - Người đến châu Mỹ trước Columbus ảnh 2

Tin cùng chuyên mục