Chị tôi

Chị tôi

Mỗi lần về quê ăn tết hay đi công tác ghé thăm quê, trước lúc vào làng tôi thường ghé thắp nhang tại phần mộ cha mẹ ông bà tổ tiên và sau đó là tìm đến phần mộ của chị gái tôi bên gia tộc họ Trần, vì chị đã “xuất giá tòng phu”. Khu mộ của họ Trần trước đây nhỏ, nên nấm mộ của chị tôi bé xíu chỉ bằng viên gạch trên đó có dòng chữ “Hoàng Thị Bạch Tuyết sinh năm... mất ngày...”. Chị tôi đã thiệt thòi trăm bề, đến khi nằm xuống, phận thiệt thòi cũng không rời chị.

Chị tôi đẹp nhất nhà, da chị trắng tinh nên anh Ba đặt cho tên là Bạch Tuyết, đôi mắt sáng long lanh, đặc biệt là có mái tóc xoăn tự nhiên. Mẹ tôi nói: “Mẹ sợ nó hồng nhan bạc phận”, còn bố tôi lại bảo: “Con gái mà tóc xoăn, tóc dài quá thì đời vất vả”. Chẳng biết các cụ nói từ đâu ra nhưng quả thật cuộc đời của chị tôi đầy giông tố.

Minh họa: Thanh Vân

Cái tuổi đang phơi phới “con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu” chị tôi xung phong đi lên rừng Nước Sốt. Mấy tháng hoàn thành nhiệm vụ, chị về bủng beo, vàng vọt, xác xơ. Điều tai hại nhất là mấy ngày lại lên một cơn sốt rét kinh hồn. Mỗi lần lên cơn sốt, chị nằm run bần bật, có chăn chiếu gì tấp hết cho chị, xong cơn sốt, chị nằm như một cái xác không hồn, cả nhà hoảng hốt, lo sợ. Rồi thì thuốc tây, thuốc ta, thuốc nam, thuốc bắc, ai chỉ cho cái gì là cha mẹ tôi kiếm về. Nhưng có thứ thuốc mà mãi đến bây giờ tôi vẫn còn sợ đó là nuốt giun đất để trị sốt rét. Tôi còn nhớ một lần cả nhà đi vắng hết, chị đùng đùng lên cơn sốt, tôi ngồi co ro phía dưới chân giường. Sau cơn sốt chị vùng dậy người còn lảo đảo, uống gần hết một ca nước, chị bảo tôi:

- Em đi tìm cho chị cái cuốc.

- Để chị làm gì, chị đang bệnh mà.

- Em đi liền đi.

Tôi chạy ra phía sau chọn cái cuốc đất nhỏ nhất mang vào cho chị, rồi chị loạng choạng đứng dậy. Chị vịn vào vai tôi chỉ ra đám đất ẩm phía sau nhà. Chị bắt đầu bổ từng lát cuốc vất bật đất lên, nhưng rồi chị mệt quá không đứng nổi, chị ngồi xuống. Tôi thay chị đào, hơn 10 tuổi tay tôi còn yếu nhưng vẫn có thể đào được, may mà đất cũng mềm. Sau nhát cuốc thứ hai, thứ ba thì thấy một con giun đất nhỏ bằng đầu đũa, chị bảo tôi dừng lại. Chị tôi chụp liền, bỏ vào khăn lau qua rồi ngắt làm đôi cho vào miệng, ngửa cổ nuốt ực một cái. Tôi hết hồn. Chị lại bảo tôi:

- Em chạy vô nhà cho chị ly nước ra đây.

Tôi đưa nước cho chị, hình như lúc nãy con giun đất làm chị khó chịu ở cổ họng. Chị lại bảo:

- Em đào tiếp đi.

Hai con vịt xiêm choai choai ở gần đó chạy vào tìm giun. Chúng nó quen rồi, ngày thường hễ cha tôi cuốc xới đất trong vườn là chúng nó chạy tới tìm giun đất để xơi. Sự sấn sổ của chúng làm tôi khó chịu. Nó vào tranh cướp giun với chị tôi. Một nhát cuốc bổ vào đầu một con, nó quay lơ, tôi hoảng hồn ôm vội vào nhà và bắt luôn con kia nhốt lại. Một lúc thì chú vịt xiêm kia cũng tỉnh. Và cứ như thế, đến con thứ ba thì chị bảo tôi dừng lại. Đôi mắt chị nhìn xa xăm, chị rùng mình, có lẽ chị tôi muốn tìm một tia hy vọng thần kỳ gì đó sau vụ nuốt giun đất kia. “Cuộc chiến” chống chọi bệnh sốt rét của chị tôi gần 2 năm thì bệnh cũng phải lùi bước trước cái quyết tâm khủng khiếp của chị.

Chị tôi khỏe lại, đẹp gần như xưa. Cha mẹ tôi không muốn vào hợp tác xã. Chị tôi vận động thế nào cũng không được, chị lại khóc. Thương chị, một hôm cha tôi bảo:

- Rồi thì cha mẹ cũng sẽ vào hợp tác xã thôi, nhưng để mấy cha làm ăn sao đã.

Chị tôi năn nỉ:

- Cha mẹ không vào hợp tác xã thì con không vào Đoàn được đâu.

Gia đình tôi có khá nhiều ruộng của ông bà nội để lại và toàn ruộng tốt. Hợp tác xã làm ăn vui vẻ nhưng thu nhập lại thấp, nhiều gia đình khó khăn, thấy nhà tôi thu hoạch khá họ bắt đầu gây khó khăn như không cho lấy nước, dồn ruộng của những hộ tư nhân vào vùng đất cao, đất xấu. Chị tôi lủi thủi đi làm với gia đình, bị bạn bè xa lánh, đêm về chị nằm khóc một mình. Tôi còn có 3 anh trai đều đi bộ đội, một anh đã hy sinh. Chị viết thư cho các anh nhờ thuyết phục cha mẹ. Một hôm tôi đọc được lá thư của anh tôi, có đoạn viết: “Gia đình mình là gia đình bộ đội, gia đình liệt sĩ, cha nên vào hợp tác xã cho cả nhà vui...”. Cha tôi trở nên trầm ngâm, mẹ tôi lo đổ bệnh. Nhiều đêm ông thúc dậy ngồi uống trà, uống rượu một mình. Một hôm cha gọi tôi bảo:

- Con vào lấy giấy bút ra đây cho cha.

Ông viết: “Đơn xin vào hợp tác xã nông nghiệp”.

Tôi vào mách chị tôi, chị mừng quá, dậy liền, ôm lấy cổ cha tôi, nói:

- Con cảm ơn cha.

Gia đình tôi vào hợp tác xã, chị tôi vui hẳn lên nhưng chẳng được bao lâu thì chiến tranh ập đến. Ba chị em tôi lần lượt lên đường, hai chị đi trước, tôi mới 17 tuổi cũng nhập ngũ luôn. Chị Ngọc kế tôi vào học trường quân y, học mấy tháng rồi đi một mạch vào chiến trường Tây Nguyên cho đến khi hòa bình mới về.

Chị Bạch Tuyết lên đường đi thanh niên xung phong ngay sau đó. Thế là một gia đình đang vui, chiến tranh đã làm cho chia năm xẻ bảy. Ở nhà chỉ còn lại cha mẹ già.

Cuộc chiến càng ngày càng ác liệt, quê hương tôi bị đánh tơi bời, bởi đủ các lại hỏa lực giết người của Mỹ từ bom B52, bom từ trường, pháo câu từ các hạm đội dưới biển lên. Xóm làng tan tác. Tội nhất là mẹ tôi, bà chứng kiến những cuộc chết chóc của dân làng nên cứ nghe tiếng máy bay là mẹ tôi bịt hai lỗ tai co rúm người lại.

Chị tôi lăn lộn với con đường số 8, bom đạn nhồi lên dập xuống bao trận, bị thương, băng bó rồi lại lao ra lấp hố bom, đánh dấu bom nổ chậm... chẳng kể đêm hay ngày, nặng thì vào trạm xá xong lại ra mặt đường. Chị được kết nạp Đoàn, kết nạp Đảng rồi lên chỉ huy cả cung đường. Chị tôi không biết hiểm nguy là gì. Rồi trong một trận bom, chị bị thương và bị vùi lấp, người ta đào bới mãi mới thấy chị và lôi lên. Chị hôn mê, thương tích đầy người, máu me bê bết. sau trận bom ấy chị tôi sinh ra những cơn động kinh. Chị lên cơn co giật, ngã vật ra, miệng sùi bọt. Mẹ tôi nhìn chị mà khóc ròng. Chiến tranh nên thuốc men thật hiếm hoi. Lại một lần nữa cả nhà chạy đôn chạy đáo vì chị.

Rồi thì chiến tranh cũng kết thúc, Chị có một gia đình và chị cũng đã nhìn thấy hòa bình. Chúng tôi đưa chị ra Hà Nội điều trị mấy lần nhưng vào bệnh viện thì hết cơn, ra khỏi bệnh viện lại lên cơn. Kết quả điện não đồ cho biết những tổn thương thực thể vùng não và dưới não đã không thể hồi phục. Chị tôi lại phải trở về quê để chịu đựng.

Những cơn động kinh giày vò nhiều hơn. Chị tôi phải nằm điều trị tại bệnh xá của đơn vị. Một hôm, chị ra con suối gần đó giặt đồ, cơn động kinh lên bất ngờ, chị té xuống suối. Chị tôi ra đi lặng lẽ, âm thầm sau bao năm oanh liệt xông pha...

Hôm tôi về dự đám tang chị cũng chỉ thấy những người làng quê tôi đi chầm chậm sau cỗ quan tài của chị tôi, đồng đội chị sau chiến tranh cũng đã về quê. Nhìn đứa con gái út của chị mới chưa đầy 6 tháng tuổi, ai cũng không cầm được nước mắt.

Cũng có người bảo với tôi nên làm các thủ tục khai báo để cho chị hưởng các chế độ và nhận huân, huy chương, nhưng tôi biết làm việc này “dài dòng” lắm và làm để làm gì nữa. Thôi, hãy để chị tôi được yên.

Xuân về thắp nén nhang cho chị, tôi ngậm ngùi nhớ tới những người như chị tôi và những bạn bè tôi đã ra đi vì một mùa xuân vĩnh cửu của đất nước hôm nay.

ĐÁ VÀNG

Tin cùng chuyên mục