Tự truyện và Sự thật...

Tự truyện và Sự thật...

Chưa có khi nào cơn sốt Tự truyện lại dâng cao như lúc này… Trước khi Tự truyện Lê Vân ra đời, người đọc đã từng xôn xao bởi hàng loạt Tự truyện của những người bình thường, những con người đang đối mặt trước cái chết, và những dòng tâm sự của họ là những cơn bão dữ mà họ phải chống chọi để vươn lên bằng máu và nước mắt với một niềm tin sáng trong, mãnh liệt…

Người đọc đã từng rơi nước mắt khi đọc những dòng tâm sự của Mã Yến, cô bé nghèo khổ vùng sơn cước Trung Quốc với những trang nhật ký đẫm nước mắt về nỗi khao khát đến trường.

Ước mơ sáng trong giản dị ấy đã phải tan đi như bọt biển và dòng đời đã cuốn cô rơi vào vũng bùn đen tối. “Nhật ký Nancy” là những dòng tâm sự của cô bé gái 14 tuổi một lần bị cưỡng hiếp và bị nhiễm HIV, cô dùng nhật ký để tự trò chuyện với chính mình…

Tự truyện và Sự thật... ảnh 1

Nhưng ngay cả lúc tận cùng tuyệt vọng, những lúc bị tổn thương vì những hành động vô ý thức của mọi người đối với cô, cô vẫn bộc lộ tình yêu trong sáng với cuộc đời, không hằn học trả thù mà vẫn yêu mến cuộc sống được tính từng phút giây của mình…

“Katie.com” là tâm sự của cô gái nhỏ 13 tuổi, những dòng tâm sự rất thực về cái cạm bẫy mà cô đã từng rơi vào vì tin rất thơ ngây một nhân vật trên mạng đã tỏ ra chia sẻ với nỗi cô đơn của cô.

Những hồi ức đau lòng của cô bé như một lời cảnh tỉnh cho biết bao thiếu niên trong thời đại Internet vì cả tin nhẹ dạ, dễ bị kẻ xấu lạm dụng tình dục…

“Hoa hướng dương không cần mặt trời” là khát vọng được sống của Trần Tử Khâm, một cô gái bị ung thư xương, phải trải qua mấy mươi cuộc đại phẫu đau đớn. Cả cuốn sách là những ngày dài giành giựt cuộc sống với tử thần, là cả nghị lực phi thường của cô gái để được sống cùng cuộc đời, bên cạnh những con người mà cô hết sức yêu thương…

Và bây giờ cuốn tự truyện “Lê Vân - Yêu và sống” đang nổi lên như một hiện tượng. Trước tiên vì đây là cuốn tự truyện đầu tiên của một nghệ sĩ, nên tất nhiên tự bản thân nó đã có sức hút bởi sự tò mò của công chúng. Và sau đó là những buổi tiếp thị khá chuyên nghiệp với “những lời sám hối chân thành” của nhân vật chính.

Tất nhiên, không ai có thể biết những lời sám hối ấy có mấy mươi phần trăm là sự thật, bởi chỉ có Lê Vân mới biết rõ điều đó. Nhưng có lẽ sự thật lớn nhất và đáng tin cậy nhất trong quyển sách chính là thực trạng đáng buồn của hai ngành nghệ thuật điện ảnh và ca múa nhạc nhiều năm nay.

Đây là lần đầu tiên chúng ta được nghe tiếng nói tận đáy lòng của một nghệ sĩ về thực trạng đau lòng mà báo chí vẫn thường nhắc đến về những tiền tỷ làm phim tài trợ, về những ê kíp làm phim bỗng dưng giàu lên trông thấy, về những cách thức ăn xén cảnh quay, về việc ăn chặn tiền của những diễn viên quần chúng và người lao động…

Và còn những cuộc chạy đua quyền chức trong các kỳ đại hội hoành tráng, khuôn mặt người nghệ sĩ bỗng trở nên xa lạ vì những cuộc tranh giành đấu đá nhau đến đáng sợ để giành cái ghế cao nhất trong hội. Rồi những cái lộc trong các liên hoan ca múa nhạc, những chia chác, xin xỏ, luồn cúi để được giải thưởng…

Tất cả những cái đó là sự thật. Và chỉ có Vân mới nói ra một cách nhẹ nhàng đến vậy mà không sợ một áp lực nào, bởi vì cô đã thoát ra khỏi cái vòng ràng buộc đó… Nhưng rõ ràng cũng có những sự thâït đã làm đau đớn trái tim nhiều người, trong đó đau lòng nhất có lẽ là những người ruột thịt của cô.

Cuộc sống ngồn ngộn trong quyển sách là quãng đường 50 năm, là sự quay lại với cái nhìn khá nghiệt ngã về nơi mình đã sinh ra và lớn lên, nơi cô thành danh và được sự ngưỡng mộ của đông đảo công chúng.

Chẳng ai trách Lê Vân khi cô im lặng trước tình yêu quá cuồng nhiệt của cô gái 18 tuổi, mà người ta chỉ thấy mủi lòng thương cho một tình cảm trong trắng đã bị khước từ lạnh lẽo. Bức thư được trưng lên với tất cả tình cảm rất riêng tư của người viết, giờ đây sau 20 năm được sử dụng như bằng chứng của sự nổi tiếng.

Dường như phong cách ấy mới chính là Lê Vân. Cô muốn nhìn lại cuộc đời mình bằng sự thật, nhưng cô không hiểu rằng mỗi sự thật đều thấm qua trái tim nhân tình của từng người. Khi người ta nhìn cuộc đời bằng màu đen, ắt mọi sự thật sẽ tối sầm, và ngược lại.

Cô trách bố, trách mẹ, trách mọi người thân và nhân danh sự thật để tung lên những điều làm đau lòng mọi người, nhưng cô quên sự thật không phải chỉ là trần trụi.

Một trái tim nhạy cảm sao có thể nói vô tư “những sự thật” mà lòng không trĩu nặng những ân tình, chí ít là giữa con người với nhau, huống hồ là máu mủ. Còn chuyện tình yêu, nếu muốn nói đến cùng sự thật thì chắc hẳn còn lắm điều phải nói ở những cái bóng khổ đau của những người vợ, những gia đình tan nát vì cô…

Ai đã từng đọc và khóc cùng nỗi đau của Nancy, của Mã Yến, đồng cảm cùng nỗi đau của Katie, Trần Tử Khâm thì khi đọc Lê Vân ắt sẽ thấy khoảng cách .Vì sao tự truyện của những con người sống trong tận cùng nỗi đau, nhưng ta vẫn nhận biết trong từng dòng chữ kết tinh bằng máu và nước mắt của họ tình yêu và niềm hy vọng cùng cuộc đời.

Họ đối diện với cái chết bằng nụ cười dù lẫn trong dòng nước mắt. Còn Lê Vân, cô là một ngôi sao trên con đường đầy hoa và thảm đỏ, cô muốn sám hối, nhưng tiếc thay, “những lời sám hối” của cô dường như quá xa xỉ với biết bao số phận quanh cô.

NGÔ NGỌC NGŨ LONG

Tin cùng chuyên mục