Trò chơi trên truyền hình

Cần vượt lên chính mình!

 1. Vượt quá nhu cầu của khán thính giả
Cần vượt lên chính mình!

Đó là những cuộc thi đấu lâu nay đã trở thành chuyên mục trên các kênh của Đài Truyền hình Trung ương và địa phương. Chỉ riêng VTV và HTV đã có khoảng 20 chương trình mỗi tuần: Đường lên đỉnh Olympia, Chiếc nón kỳ diệu, Hành trình văn hóa, Trúc xanh, Trò chơi âm nhạc, Nốt nhạc vui, Thử thách, Ai là triệu phú, Siêu thị may mắn, Mọi người cùng thắng, Rồng vàng, Ai là ai?, Hãy chọn giá đúng, Đi tìm ẩn số, Vượt lên chính mình, Kiến thức tiêu dùng, Chung sức…
 
Lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng cũng được đưa vào sân chơi: Vui cùng Hugo, Chuyện nhỏ, Ai nhanh hơn, Vườn cổ tích…
 
Trước tiên phải ghi nhận mặt bổ ích: giải trí lành mạnh, phổ cập kiến thức, phát huy kỹ năng giao tiếp, tăng cường mối quan hệ giữa các đài truyền hình và khán, thính giả. Bên cạnh đó, mặt chưa được cũng không ít.
 
1. Vượt quá nhu cầu của khán thính giả

 
Mỗi tuần chỉ có 7 ngày mà có đến hàng chục chương trình thi đấu. Chất lượng trò chơi (câu hỏi, đáp án, giám khảo, MC…) không đồng đều, ngày càng giảm. Mới đầu khán giả còn thú vị, nay nhiều người đã cảm thấy quá tải, dị ứng.
 
2. Tiền thưởng quá lớn, không tương xứng giá trị lao động, dễ phát sinh tiêu cực
 

Cần vượt lên chính mình! ảnh 1

Các trò chơi Rồng vàng, Ai là triệu phú, Đi tìm ẩn số… tiền thưởng cho những câu hỏi kiến thức phổ thông có khi đến cả chục triệu mỗi kỳ. Vui cùng Hugo mỗi tháng chi hàng chục triệu cho các game thủ trò chơi điện tử. Loại trò chơi này đã phát triển khắp hang cùng ngõ hẹp khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại cho con em. Vậy có đáng cho HTV7 dành thì giờ vàng để “chuyên tu” môn này?

Với lứa tuổi thiếu niên nhi đồng, có nên dùng những món tiền thưởng quá lớn để khuyến khích việc chơi trong khi đa số phụ huynh lao động quần quật cả tháng cũng không kiếm được nhiều như thế. Tiền thưởng hợp lý thì còn mang ý nghĩa vui chơi giải trí lành mạnh. Thưởng lớn quá dễ khiến trẻ con hiểu sai giá trị lao động trong xã hội; dễ biến trò chơi thành cơ hội làm ăn, do đó cũng dễ phát sinh tiêu cực.
 
3. Cách chơi không bảo đảm công bằng, trung thực

 
Nhiều người thắc mắc: Trong trò chơi Vui cùng Hugo, làm sao bảo đảm thí sinh đích thực là các em nhỏ chứ không phải là phụ huynh thi giùm? Trong các trò thi đố vui, làm sao bảo đảm đề thi và đáp án không bị tiết lộ cho thí sinh?

Tôi đã có lần xem hai đội sinh viên thi đấu môn sáng tác thơ. Chỉ sau tiếng chuông của ban giám khảo chưa đầy hai phút, một trong hai đội đã nộp lên ban giám khảo bài thơ 4 câu (mỗi thí sinh làm một câu), chép sạch sẽ trên giấy, không một từ bị sửa chữa dập xóa. Đến thơ con cóc cũng không thể làm dễ dàng như vậy. Quá giỏi hay quá gian? Tôi nghi ngờ tính công bằng, trung thực của hầu hết các kịch bản thi đấu, ngoại trừ những trò chơi vận động của các thiếu nhi trong Ai nhanh hơn…
 
4. Không bảo đảm kiến thức chính xác
 
- Mới đây trong chương trình Thử thách (HTV7 – ngày 3-4-2006), một thí sinh trả lời qua điện thoại cho rằng “Apsara là điệu múa dân gian của Campuchia”. MC khen: Chính xác! Thực ra Apsara là điệu múa cung đình chứ không phải điệu múa dân gian; diễn viên múa Apsara được tuyển chọn và huấn luyện rất bài bản từ năm 9-10 tuổi tại trường nghệ thuật hoàng gia (Râm Vông mới là một trong những điệu múa dân gian của Campuchia).
 
- Trong chương trình Rồng vàng, có lần giám khảo hỏi: Quốc gia nào công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên? Thí sinh đáp: Trung Quốc. MC: Chính xác. Đáp án đúng là Pháp chứ không phải Trung Quốc vì nước CHND Trung Hoa đến năm 1949 mới ra đời.

 - Một cuộc thi khác có câu hỏi: Hội Tao Đàn đời Lê Thánh Tông gồm những thành phần nào? Thí sinh: Gồm những người trong hoàng tộc. MC: Chính xác. Thế nhưng trong Hội Tao Đàn, chỉ có Vua Lê Thánh Tông (nguyên soái) là người hoàng tộc, còn lại toàn là thành phần bách tính.
 
- Trong một cuộc thi tìm hiểu văn hóa thế giới, có câu hỏi: Vì sao gọi dân Indian ở châu Mỹ là dân da đỏ?- Thí sinh trả lời lúng túng. Ban giám khảo mời một vị giáo sư tiến sĩ khoa học xã hội nhân văn trả lời giùm. Vị này giải thích: Gọi da đỏ không phải vì màu da mà vì dân Indian có tục lấy máu bôi vào mình… Đáp án này không thuyết phục vì dân Indian không chỉ lấy máu mà lấy đủ thứ màu để vẽ mặt, vẽ mình. Các nhà nhân chủng học gọi màu da của họ là màu đồng đỏ (bronze) và tạm xếp vào gam màu đỏ. Chính màu này lai với thực dân da trắng cho ra màu da cà phê sữa đặc trưng của dân Mỹ Latin. Lấy máu bôi vào da thì làm sao ra màu cà phê sữa này?
 
- Trong chương trình Trúc xanh, phần lớn các câu ca dao tục ngữ không thực đúng với sách vở và ngôn ngữ quen thuộc của dân gian. Hình như ai đó cố tình sửa chữa, chế thêm những câu, chữ mới để đánh đố thí sinh. Nếu cứ tùy tiện thêm bớt như thế sẽ làm vẩn đục kho tàng ca dao tục ngữ của ba miền.

 5. Những giọt nước mắt tối thứ sáu
 
Có một live - show hấp dẫn gia đình tôi vào mỗi tối thứ sáu. Đó là chương trình Vượt lên chính mình trên HTV7. Chúng tôi rất hoan nghênh chương trình này và đặc biệt ngưỡng mộ MC Quyền Linh. Cứ nhìn cảnh những cặp vợ chồng con cái các gia đình được xóa nợ, cấp vốn sung sướng ôm nhau khóc, ai cũng muốn khóc theo. Từ khâu tuyển sinh, thi đấu, rút thăm cấp vốn hẳn cũng phải có sự sắp xếp của đạo diễn nhưng không ai cho rằng đây là sự sắp xếp gian lận mà chính là nhằm đánh thức và nuôi nấng điều thiện trong lòng mọi người.
 
Ước mong các đài truyền hình cũng thi đua nhau vượt lên chính mình để nhân rộng mô hình nói trên, đồng thời hạn chế bớt mặt tiêu cực của các chương trình kia. Được vậy bà con mang ơn nhiều lắm 

HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN

Tin cùng chuyên mục