Festival Huế 2006

Từ lễ Tế Giao đến lễ hội Nam Giao

Từ lễ Tế Giao đến lễ hội Nam Giao

Từ lễ Tế Giao, một lễ hội cung đình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mà trên hết là tinh thần hòa ái với thiên nhiên với ước nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, lễ hội Nam Giao được phục dựng nhằm tôn vinh vẻ đẹp truyền thống trên cơ sở kế thừa, giàu tính nhân văn. Đó cũng là những điển hình tiêu biểu cho một vùng đất có nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp được hun đúc và tiếp diễn theo những hành trình lịch sử. Đây thật sự là một cuộc quảng diễn quy mô phô bày vẻ đẹp truyền thống.

  • Lịch sử

Giai đoạn đầu triều Nguyễn, mỗi năm một lần triều đình cho tổ chức lễ Tế Giao vào tháng 2 âm lịch. Vào năm 1890 trở về sau, triều đình lại quy định cứ 3 năm thì tổ chức một lần. Bộ Lễ và bộ Công chịu trách nhiệm chuẩn bị và tổ chức lễ tế. Sau khi Nha Khâm Thiên Giám chọn được ngày tốt vào tháng 2 âm lịch, triều đình tổ chức một đoàn Ngự đạo cho lễ tế với nhiều thành phần như hoàng thân quốc thích, quan lại, binh lính...

Từ lễ Tế Giao đến lễ hội Nam Giao ảnh 1
Đoàn Ngự đạo đi qua cửa Đông Nam (ảnh tư liệu khoảng đầu thế kỷ XX).

Vào 8 giờ sáng, từ Hoàng Thành, nhà vua ngồi ngự liễn theo đoàn ngự đạo lên Nam Giao để trai giới chuẩn bị cho cuộc tế. Ngày hôm sau, lễ Tế sẽ chính thức diễn ra từ 2 giờ sáng, vua rời Trai Cung, đến đàn làm chủ tế. Trình thức của lễ tế Nam Giao hết sức phức tạp với hàng trăm nghi tiết khác nhau, gắn liền với các nghi tiết của lễ tế như cử Đại nhạc, nhạc Bát âm, múa Bát Dật… tất cả các bài đều gắn với chữ Thành, với ý nghĩa là thành công. Toàn bộ các nghi tiết trong lễ tế kéo dài đến khoảng 3 tiếng đồng hồ.

Sáng hôm sau, các quan làm lễ khánh hạ, lạy mừng vua hoàn tất lễ. Sau đó đội hình của đoàn ngự đạo lại được tổ chức trở lại như cũ (cũng gồm ba đạo với trật tự như khi lên Trai Cung và hồi cung. Khi vua về đến Đại Cung môn bên trong Hoàng Thành, đội hỏa pháo sẽ nổ 9 phát súng mừng và lễ Tế Giao chấm dứt. Cuộc lễ Tế Giao lần cuối cùng vào thời Nguyễn diễn ra vào ngày 23 tháng 3 năm 1945 dưới triều vua Bảo Đại.

  • ... và hiện tại

Trong Festival Huế 2006, Lễ hội Nam Giao được xác định là một điểm nhấn quan trọng, có quy mô, từ chất liệu của lễ Tế Giao trong lịch sử, dự kiến phục dựng trong Festival 2006, gồm có các phần Ngự đạo xuất cung, nghi lễ ở Trai cung, Nam Giao và Ngự đạo hồi cung với tính chất phô diễn những giá trị thẩm mỹ truyền thống. Đây là một lễ hội lớn với sự tham gia của gần 600 người với quy mô rực rỡ, diễn lại khá đầy đủ những sắc màu truyền thống giống như đội hình của một đoàn Ngự đạo ngày xưa. Đoàn tiền đạo gồm 2 voi dẫn đầu cùng các tượng binh và quản tượng, tiếp đến là 2 võ quan cưỡi ngựa cầm cờ cảnh, cờ tất thể hiện uy quyền của đoàn ngự đạo.

Nối theo sau là cờ ngũ hành gồm kim, mộc, thổ, thủy, hỏa; viên đô thống cưỡi ngựa đi giữa, hai bên là các viên chánh quản, binh lính gánh chiêng, cầm lọng; đội ngũ lôi đồng cổ với các nhạc cụ trống, thanh la, bạt; binh lính gánh cờ Tinh tú... Nối theo sau là đoàn Trung đạo với một voi dẫn đầu cùng các tượng binh và quản tượng.

Ngay theo sau là viên Thống chế ngồi kiệu - người thừa lệnh nhà vua điều hành các tiết lễ. Tiếp theo là đội hình cầm lá cờ ngũ hành; Kiệu phúc tửu long đình; ban đại nhạc với các nhạc cụ chính là trống, kèn, tù và, mõ, chiêng; cờ tứ phương với các chòm sao Thanh long, bạch hổ, huyền vũ, chu tước tượng trưng cho 4 phương Nam - Bắc - Tây - Đông; đội hình của binh lính gánh trống, chiêng, các viên chánh quản; lọng và tàn thêu hình 9 con rồng; lính gánh ghế ngự và đoàn tùy tùng cầm tàn, quạt... hai bên là đoàn tùy tùng phục vụ cầm các loại lọng vàng, quạt vả, đèn lồng, phất trần, vũ phiến, đoàn tùy tùng bảo vệ cầm các loại kim kiếm, ngự kiếm; quan đại thần cưỡi ngựa hộ giá gọi là phù liễn đại thần; đội Tiểu nhạc; tiếp theo là đội Bát Dật với 2 viên nhạc quan cầm mao, tiết dẫn đầu 2 đoàn Bát Dật Văn và Bát Dật Võ.

Kết thúc đoàn Trung đạo, đoàn Hậu đạo với đội hình 5 cờ ngũ hành gồm kim, mộc, thổ, thủy, hỏa dẫn đầu; hai bên là các viên chánh quản, binh lính gánh chiêng, cầm lọng; Long đình đặt tượng đồng nhân với 8 lính gánh; đội lỗ bộ với 20 lính; Mười hai lá cờ thập nhị thần thời tượng trưng cho các tiết thời của các mùa trong năm; binh lính gánh chiêng trống; tiếp theo là đội hoa đăng với 20 người; các văn quan, võ quan, các hoàng thân trong Hoàng tộc; binh lính cầm náp; 2 voi cùng các quản tượng và tượng binh là đội hình kết thúc đoàn hậu đạo cũng là kết thúc đội hình đoàn Ngự đạo.

Phần nghi lễ ở đàn Nam Giao được xem là phức tạp nhất. Với nhiều trình thức phức tạp như lễ Nghinh thần, lễ điện ngọc bạch, lễ hiến tửu, lễ Á hiến tửu, lễ triệt hạ, tống thần, đọc chúc văn với hàng trăm nghi tiết đã được nghiên cứu và dàn dựng khá công phu. Việc tái hiện những nội dung trình thức nghi lễ ca thài trong phần nghi lễ ở đàn Nam Giao là một công việc rất khó, đã đặt ra rất nhiều thử thách đối với những người tổ chức thực hiện. Nhiều chi tiết tái hiện lịch sử đã được đầu tư nghiên cứu khá kỹ lưỡng, đặc biệt là phần thài, là những ca từ trong hệ thống với nhạc lễ cung đình Huế, gắn liền các trình thức của nghi tiết ở lễ hội Nam Giao. Hiện nay, các đơn vị tham gia bước đầu đã tập luyện được phần lớn các chi tiết về bài bản trong phần ca thài.

Những vẻ đẹp truyền thống thật sự đã được khắc họa đậm nét qua một lễ hội mang tính phục dựng trên cơ sở kế thừa, giàu tính nhân văn. Đó cũng là những điển hình tiêu biểu cho một vùng đất có nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp được hun đúc và tiếp diễn theo những hành trình lịch sử. Đây thật sự là một cuộc quảng diễn quy mô mang tính chất phô bày các vẻ đẹp truyền thống.

Tiến đến thành phố Festival

Từ sự kiện liên hoan văn hóa Việt - Pháp do thành phố Huế phối hợp với Codev tổ chức năm 1992, ý tưởng về một Festival với một chuỗi những hoạt động văn hóa, lễ hội thật ấn tượng, đặc sắc đã được hình thành. Festival Huế 2000 - một lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam.

Sau thành công của Festival Huế 2000, Festival Huế 2002 tiếp tục được tổ chức với sự phối hợp giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại sứ quán Pháp, sự tham gia của nhiều nước ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc gây được tiếng vang lớn trong và ngoài nước, làm cơ sở để Chính phủ cho phép xây dựng thành phố Huế trở thành Thành phố Festival của Việt Nam.

Festival Huế đã góp phần khẳng định vị thế về chính trị, văn hóa và du lịch, góp phần tích cực mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc tế, là động lực phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó, tích lũy được kinh nghiệm tổ chức và quản lý các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, lễ hội có quy mô lớn, từng bước tiếp thu và hình thành được công nghệ tổ chức Festival quốc tế trong điều kiện của Việt Nam, gắn các chương trình biểu diễn nghệ thuật có chất lượng cao với các lễ hội văn hóa cộng đồng sôi động, hình thành được công nghệ xây dựng chương trình IN, chương trình OFF, chương trình hưởng ứng Festival.

Qua ba kỳ tổ chức Festival, người dân Thừa Thiên - Huế đã trở nên năng động và sáng tạo hơn, biết khai thác Festival để mở rộng các loại hình kinh doanh du lịch và dịch vụ mới phục vụ du khách tham dự Festival. Ngành kinh doanh du lịch đã bước đầu biết gắn kết hoạt động kinh tế với hoạt động văn hóa, chú ý khai thác những yếu tố văn hóa, hoạt động văn hóa lễ hội để mở rộng và phát triển một số loại hình hoạt động thu hút, hấp dẫn khách du lịch.

Khẳng định chủ trương xây dựng Huế trở thành Thành phố Festival Việt Nam là một chủ trương đúng, hợp lòng dân, được bạn bè trong nước và quốc tế ủng hộ. Thành công của Festival Huế 2000, 2002 và 2004 đã khẳng định chủ trương lựa chọn Huế để xây dựng thành Thành phố Festival Việt Nam là một chủ trương đúng của nhà nước.

Festival là một diễn đàn giao lưu văn hóa của nhiều vùng văn hóa trong nước và quốc tế, luôn nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của nhiều tỉnh, thành phố trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Số lượng các đối tác tham gia Festival đã không ngừng được mở rộng.

Ngày càng có nhiều quốc gia mong muốn được tham gia giới thiệu văn hóa nghệ thuật của đất nước mình tại Festival, điều này cho thấy vị thế và thương hiệu của Festival Huế đã từng bước được khẳng định. Festival Huế đã trở thành một thương hiệu hấp dẫn, tạo được tiếng vang ở trong nước và lan tỏa đến nhiều khu vực trên thế giới.
Huệ Minh

Hải Trung

Tin cùng chuyên mục