Xung quanh việc danh thắng Hòn Phụ Tử bị đổ

Phục chế hay giữ nguyên hiện trạng?

Phục chế hay giữ nguyên hiện trạng?

Sự cố Hòn Phụ (danh thắng Hòn Phụ Tử - Kiên Giang) bị đổ vào sáng sớm ngày 9-8-2006 làm không ít người tiếc nuối, cơ quan chức năng bối rối. Nguyên nhân nào khiến Hòn Phụ bị đổ và làm gì để bảo vệ Hòn Tử? PV Báo SGGP đã trao đổi với những người có trách nhiệm và quan tâm đến di tích để tìm giải pháp khắc phục.

- Thưa ông, ông nghĩ gì về việc Hòn Phụ bị đổ vào sáng sớm ngày 9-8-2006? Sau sự cố, tỉnh đã chỉ đạo biện pháp gì để khắc phục tình hình?

Phục chế hay giữ nguyên hiện trạng? ảnh 1
Danh thắng hòn Phụ Tử (Kiên Giang) đã bị sập mất hòn Phụ (hòn lớn).

- Ông Trương Quốc Tuấn – Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang: Sự cố xảy ra quả là một mất mát quá lớn đối với nhân dân Kiên Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung vì danh thắng này từ lâu đã xem như là biểu tượng cảnh đẹp của Kiên Giang, của vùng biển Tây Nam Tổ quốc.

Trước mắt, chúng tôi chỉ đạo cho chính quyền địa phương đảm bảo trật tự trong khu vực, giải tỏa những tụ điểm tập trung đông người. Đặc biệt là không cho ghe tàu qua lại khu vực có vị trí Hòn Phụ bị đổ. Hiện nay, chúng tôi chưa tìm ra giải pháp cụ thể, bởi lĩnh vực này cần có chuyên gia.

Ngay trong ngày hôm qua, UBND tỉnh Kiên Giang đã có công văn báo cáo Chính phủ, Bộ TN-MT và Bộ VH-TT để xin ý kiến chỉ đạo. Để có giải pháp cụ thể, sắp tới đây, tỉnh sẽ tổ chức hội thảo khoa học, mời các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này khảo sát, bàn thảo xem có thể khôi phục lại hay tìm cách mô phỏng lại toàn bộ danh thắng này.

- Ông có thể cho biết nguyên nhân nào khiến Hòn Phụ bị đổ? Có thể khôi phục lại hiện trạng không? Biện pháp nào để bảo vệ Hòn Tử?

- Ông Lương Thanh Hải – Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Kiên Giang: Ngay sau khi nghe tin Hòn Phụ bị đổ, tôi đã cùng một kỹ sư địa chất đi ngay xuống hiện trường. Qua khảo sát bước đầu, có thể thấy rằng do bị nước biển xâm thực mạnh và hiện tượng phong hóa của đá vôi, phía dưới chân của hòn bị bào mòn.

Cách đây đã lâu, khu vực này có một vết nứt, cộng thêm độ nghiêng của hòn đã khiến phần chân không thể chịu đựng nổi, dẫn tới hiện tượng sụp đổ. Phần ngọn Hòn Phụ, với tổng chiều cao 33,6m đã bị gãy thành 2 đoạn. Đoạn trên cao khoảng 20m, bị gãy đổ chìm xuống biển, cách chân hòn khoảng 15m. Đoạn gốc dài hơn 13m, có đường kính khoảng 20m bị ngã ngang, nhô lên mặt biển khoảng 15m. Ước tính tổng khối lượng 2 đoạn gãy đổ trên 1.000 tấn.

Danh thắng này đã tồn tại cả ngàn năm trong quá trình kiến tạo vỏ trái đất, hình thành theo quy luật tự nhiên nên cũng bị quy luật tự nhiên chi phối, là điều bình thường, chứ không phải do thần linh như những người mê tín dị đoan đồn thổi. Tuy nhiên, để có kết luận chính thức, chúng tôi sẽ mời các chuyên gia chuyên ngành khảo sát tường tận, tổ chức hội thảo để tìm nguyên nhân nhằm bảo vệ những danh lam, thắng cảnh có cấu tạo tương tự còn lại.

- Hòn Phụ Tử là biểu tượng du lịch của Kiên Giang, được thế giới biết đến. Sự cố Hòn Phụ bị đổ tác động như thế nào đến ngành du lịch?

- Ông Lê Minh Hoàng – Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang: Mất đi cảnh quan, chúng tôi thấy tiếc nuối, nhưng biết làm gì trước quy luật thiên nhiên? Hòn Phụ Tử nghiêng đã hơn 2 năm nay, vết nứt cũng xuất hiện lâu rồi, nhưng đâu có ai ngờ được chuyện sụp đổ vì cứ nghĩ đó là do tự nhiên hình thành. Thêm vào đó, hòn lại ở ngoài biển nên công tác bảo vệ, gìn giữ cực kỳ khó khăn.

Việc phục chế lại, hay giữ nguyên hiện trạng là điều chúng tôi đang suy tính, nhưng chưa thể kết luận trong một sớm một chiều vì đây là danh thắng quốc gia, lại có cấu tạo phức tạp nên cần có các nhà khoa học và các cơ quan chức năng xem xét, đánh giá.

Vừa qua, tôi có dự một hội nghị trưng bày những hình ảnh của Việt Nam ở Úc. Những gì do thiên nhiên tạo thành, cũng có thể mất đi do thiên nhiên; ai muốn tìm hiểu nguyên gốc thì giới thiệu bằng hình ảnh. Theo tôi, việc giữ nguyên hiện trạng cũng là điều bình thường, vì không ai có thể cưỡng lại được quy luật của thiên nhiên.

TRẦN MINH TRƯỜNG

Từ lâu, hòn Phụ Tử được xem là một danh thắng tiêu biểu của Hà Tiên. Theo truyền thuyết, xưa kia, ở vùng biển này có con thuồng luồng rất hung dữ, hay đánh đắm thuyền bè để ăn thịt ngư dân. Bên chân An Hải Sơn, cạnh chùa Hang, có hai cha con người chài lưới sống. Quá trắc ẩn trước thực trạng này, người cha quyết lòng tiêu diệt con ác thú trừ hại cho bà con.

Sau khi tính hết kế, cuối cùng ông thấy chỉ còn cách hy sinh thân mình mới mong giết được con thuồng luồng ác nghiệt này. Thế là ông liền tẩm thuốc độc vào mình, nằm sát mé biển để dụ con ác thú. Thấy mồi ngon, con thuồng luồng đến ăn đứt đầu ông, trúng độc rồi chết. Người con đi tìm cha, bắt gặp xác cha cụt đầu, ôm lấy, khóc thương thảm thiết. Không ngờ chất độc từ người cha thấm qua khiến người con trúng độc rồi chết. Trời nổi giông bão, mưa suốt mấy ngày liền. Và nơi hai cha con nằm mọc lên hai hòn đá lớn và nhỏ. Hòn to là cha và hòn nhỏ là con, người ta gọi là hòn Phụ Tử.

Theo quyết định của Bộ Văn hóa-Thông tin năm 1989, hòn Phụ Tử (xã Bình An, huyện Kiên Lương) được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia. Dù không nằm trong danh sách “Hà Tiên thập cảnh” nhưng hòn Phụ Tử vẫn là danh lam thắng cảnh có sức hấp dẫn khách du lịch mỗi khi đến thăm vùng đất ĐBSCL.

Tin cùng chuyên mục