Nhặt sạn văn nghệ

Cần gọi đúng tên các nhân vật lịch sử

Nhân đọc bài Cái sai từ ngàn năm trước của tác giả Phan Trọng Hiền (SGGP ngày 30-9-2007), tôi thấy rằng có những cái sai gần đây, tức là đã có nhiều điều kiện tư liệu, thông tin để xác định cho đúng, ấy vậy mà những cái sai này lại có tính “hệ thống” và khá phổ biến. Xin ví dụ:

Gọi sai tên các nhân vật lịch sử

Đó là trường hợp không có nhân vật nào tên là Trần Khắc Chân thế mà lại có con đường mang tên này tại quận 1. Trong khi đó, thời Trần có hai người “có vẻ gần gũi” với tên gọi này là ông Đỗ Khắc Chung (người cứu công chúa Huyền Trân khỏi bị thiêu theo chồng sau khi vua Chiêm Thành băng hà, sau được ban quốc tính họ Trần) và ông Trần Khát Chân (một trong những danh tướng và là quý tộc triều Trần), thì không thấy ai đặt tên.

Tương tự, không có ai tên là Đoàn Như Hài, nhưng tên gọi này được đặt cho một con đường có nhiều trụ sở cơ quan hành chính của quận 4. Sự thực thì chỉ có ông Đoàn Nhữ Hài, một người học rộng tài cao từng phò tá các vua Trần Anh Tông, Minh Tông và Hiến Tông và hy sinh khi đi dẹp loạn Ai Lao.

Cũng như vậy, ở quận 5, có con đường không biết mang tên nhân vật nào, đó là đường Lương Nhữ Học. Trong lịch sử, chúng ta biết rằng chỉ có ông Lương Như Hộc, một danh sĩ thời Lê.

Những cách gọi như thế này là bất kính với tiền nhân và rõ ràng không có ý nghĩa về mặt giáo dục truyền thống, thậm chí là phản tác dụng.

Gọi không chuẩn tên của một số nhân vật lịch sử

Dễ thấy nhất là tên gọi Trần Hưng Đạo. Trong lịch sử không có nhân vật nào có tên là Trần Hưng Đạo mà chỉ có Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, một danh tướng triều Trần, người có công lớn ba lần đánh thắng quân Nguyên. Do đó, Trần Quốc Tuấn mới là tên gọi đúng. Gọi Trần Hưng Đạo chẳng qua là ghép tước Hưng Đạo Vương với họ Trần, thành ra tên của một người.

Đã ghép như thế, sao không thấy gọi Trần Chiêu Văn (tức Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật) hay Trần Chiêu Minh (tức Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải)... mà vẫn gọi chỉ là Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải?

Bên cạnh đó, có sự tùy tiện sử dụng miếu hiệu, tên húy hoặc niên hiệu khi dùng để đặt tên đường, tên trường. Chẳng hạn, hiện nay có cả tên đường Đinh Bộ Lĩnh (tên húy) và Đinh Tiên Hoàng (miếu hiệu) nhưng đối với vua Lê Thánh Tông (hoặc Tôn) thì không ai gọi vua Lê Tư Thành (tên húy) hoặc vua Hồng Đức (niên hiệu)...

Trong khi đó, đối với nhà Nguyễn, gần như chỉ gọi theo niên hiệu mà không gọi theo miếu hiệu. Chẳng hạn, vua Gia Long có tên húy là Nguyễn Phúc Ánh và miếu hiệu là Thế Tổ Cao Hoàng đế (của nhà Nguyễn - có thể gọi là Nguyễn Thế Tổ - tương tự như cách gọi Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ), nhưng hiếm khi sử dụng miếu hiệu. Như vậy là không thống nhất.

Vì vậy, các nhà sử học cần có sự nghiên cứu để đính chính những cách gọi sai và thống nhất những cách gọi còn tùy tiện đối với các nhân vật lịch sử.

NGUYỄN MINH HẢI (quận 3)

Tin cùng chuyên mục