Phạm Tiến Duật - Phơi phới mãi hồn thơ

Chiều thứ bảy, ngày nghỉ mà trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đông nghịt xe và người, một cuộc họp báo không bình thường! Nói là không bình thường vì hơn 50 nhà báo không chen được vào hội trường “để họp”. Nhà báo đứng dọc hành lang và tiền sảnh hậu sảnh hội trường. Phóng viên báo hình, báo nói, báo viết gặp gỡ những người yêu thơ, các nhà văn, nhà thơ… trao đổi, ghi chép tư liệu. Chứng kiến khung cảnh này, ai cũng thấy khi thơ là tiếng và hồn dân tộc thì sống mãi trong lòng người dân.

Tuyển tập thơ Phạm Tiến Duật được bạn bè biên soạn gấp rút trong hai tuần đã ra mắt chiều 17-11. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn giới thiệu tập thơ bằng tấm lòng trân trọng của bạn thơ. Tướng Đồng Sĩ Nguyên đến dự, kể nhiều kỷ niệm về sức mạnh của thơ Phạm Tiến Duật dọc Trường Sơn năm xưa. Người yêu thơ Phạm Tiến Duật thuộc các lứa tuổi xin lên đọc những bài thơ đi theo cùng năm tháng và sống mãi trong lòng nhân dân… Không khí ấm áp và xúc động bởi nhà thơ Phạm Tiến Duật không có mặt, nhưng hình ảnh ông ngập tràn trong ký ức mỗi người.

Khỏi nói về nhóm biên soạn tuyển tập cho nhà thơ Phạm Tiến Duật! Vì lâu nay, bạn bè, công chúng yêu mến Phạm Tiến Duật từ Bắc chí Nam vẫn thường xuyên liên lạc với nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Nhiều bạn văn, tổ chức, công chúng yêu thơ đã gửi tiền về chữa bệnh và in sách cho nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Chúng tôi vô cùng xúc động bởi bức thư của một nhóm học sinh tận TPHCM gửi ra với hàng chữ vui vẻ nhưng âu yếm thương cảm (có lẽ động viên nhà thơ): Bác Duật ơi, bác đừng bay vù đi, bác hãy cố lên như ngọn Lửa đèn nhé và kèm theo là một lẵng phong lan với một triệu đồng. Một phong bì (từ TPHCM) bưu điện mang đến có hàng chữ ghi tên “Cháu Hạnh gửi chú Phục chuyển cho chú Phạm Tiến Duật” bên trong có tiền nhưng yêu cầu giấu tên. Nữ cựu chiến binh Tuyết Mai 70 tuổi mặc quân phục, mang quân hàm thiếu tá đã mù hai mắt được cháu gái đưa đến chỉ vì nghe tin ra mắt tập thơ tuyển của Phạm Tiến Duật. Nhà văn Nguyễn Chí Trung cũng chống nạng đến chia vui và nghe thơ Phạm Tiến Duật.

Nhiều bạn thơ là cựu chiến binh Trường Sơn tuổi 65, 70 đã cố len từ đám đông để xin ban tổ chức “Cho tôi đọc thơ Duật”. Tiến sĩ Nguyễn Quang A gửi ngân phiếu 100 triệu đồng góp quỹ in sách và chữa bệnh cho Phạm Tiến Duật. Nhiều lắm người yêu thơ Phạm Tiến Duật đến xin đọc thơ và góp tiền gây Quỹ Phạm Tiến Duật.

Lâu lắm rồi mới có một cuộc giao lưu bạn đọc với thơ sôi nổi dường ấy, say mê đến thế mà không có mặt tác giả. Nhà thơ Phạm Tiến Duật đang nằm trên giường bệnh chìm trong những cơn mê sâu. Ông không được chứng kiến giờ phút công chúng tôn vinh thơ của mình. Nhưng khi các bạn ông mang tập thơ đặt vào tay ông, bỗng dưng bàn tay ấy nắm chặt lại, ghì siết gáy cuốn sách. Trong 10 giây, đôi mắt Phạm Tiến Duật gượng mở sáng lóe lên, dòng lệ chảy ra rồi hàng mi khép lại. Ông lại chìm vào cơn mê sâu…

Thơ Phạm Tiến Duật nhiều người thuộc, những ca khúc phổ thơ Phạm Tiến Duật vẫn vang lên từ nhiều cuộc vui, nhiều cuộc hội họp và giao lưu bạn bè. Đánh giá tài năng nghệ thuật Phạm Tiến Duật đã có các nhà nghiên cứu lý luận phê bình và các nhà văn, nhà thơ. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, thơ Phạm Tiến Duật trong chiến tranh là động lực góp phần thôi thúc toàn quân, toàn dân chiến đấu quên mình vì Tổ quốc, hy sinh vì nhân dân. Những vần thơ ấy là nguồn sống lạc quan, là liều thuốc bổ cho mọi người lính trên khắp các mặt trận.

Đến nay, những vần thơ ấy vẫn lan tỏa tràn trề sức sống thanh xuân trong lòng nhân dân. Trong hàng chục bức thư gửi về nhóm biên soạn thơ Phạm Tiến Duật, có một vài bức thư của thế hệ trẻ từ Đà Nẵng, từ TPHCM tự nhận mình “là những người vô ơn...”. Họ nói họ không quen và không hề biết mặt Phạm Tiến Duật nhưng đọc thơ Phạm Tiến Duật tự thấy thế hệ mình vô ơn.

Không, chính họ là những người biết sống và biết tri ân cha anh mình đã hy sinh và cống hiến sức lực, tài năng vì Tổ quốc, vì nhân dân, để có cuộc sống hòa bình ngày nay.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật đang nằm đó, có thể nói chặng đường cuối cùng ông trở về đất mẹ đang ngắn dần. Thân xác bất động của ông đang gắng gỏi níu giữ sự sống, nhưng hồn thơ Phạm Tiến Duật đã, đang và sẽ cứ phơi phới theo nhịp thời gian. Phải chăng, thơ Phạm Tiến Duật là tiếng lòng của người Việt Nam? Bởi thơ ông mang bản sắc dân tộc sâu sắc - gọi đúng tên bản sắc ấy là tinh thần yêu nước được cả thế giới đánh giá: Bản chất của người Việt Nam là yêu nước.

THỦY VÂN

Tin cùng chuyên mục